Điều này làm dấy lên những quan ngại về việc Mỹ kéo dài vô thời hạn cuộc chiến vốn đã kéo dài 14 năm qua tại Afghanistan và cũng cho thấy số tiền 65 tỷ USD cùng những nỗ lực suốt thời gian qua của Mỹ tại quốc gia Nam Á này gần như đã “đổ sông đổ bể”.
Trong thông báo ngày 15/10, Tổng thống Obama cho biết, Mỹ sẽ duy trì 9.800 quân hiện nay tại Afghanistan đến năm 2016 và chỉ đến năm 2017 mới giảm xuống 5.500 quân.
Tổng thống Obama gọi đây là “hành động kéo dài sự hiện diện khiêm tốn nhưng có ý nghĩa” ở Afghanistan.
Ông Obama nhấn mạnh: “Sau nhiều năm, Afghanistan sẽ không phải là một nơi hoàn hảo. Đây là một đất nước nghèo nàn và sẽ phải làm việc rất vất vả để phát triển.
Sẽ có nhiều tranh luận nhưng người Afghanistan sẽ đứng lên vì đất nước của họ.
Nếu họ thất bại, đó sẽ là điều nguy hiểm cho an ninh của tất cả chúng ta. Chúng ta đã đầu tư rất nhiều cho sự ổn định của Afghanistan. Họ đang tiến bộ dù khó khăn nhưng thực chất.
Việc gia hạn sự hiện diện khiêm tốn nhưng có ý nghĩa này sẽ tạo ra sự khác biệt thật sự. Đây là điều đúng đắn phải làm”.
Ông Obama thừa nhận rằng sự hiện diện lâu dài hơn của quân đội Mỹ ở Afghanistan là điều cần thiết cho an ninh của nước Mỹ và cho chính Afghanistan, đất nước đang bị bao vây bởi Taliban, các chân rết của mạng lưới khủng bố Al-Qaeda và cả phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Dư luận đặt câu hỏi, nguyên nhân vì đâu mà Tổng thống Obama buộc phải đảo ngược lời cam kết được kỳ vọng là một trong những di sản chính trị sau 8 năm làm ông chủ Nhà Trắng.
Trước hết, sứ mệnh chiến đấu và xây dựng quân đội – cảnh sát cho Afghanistan tiêu tốn của Mỹ 65 tỷ USD nhưng Tổng thống Obama đến nay vẫn phải thừa nhận rằng các lực lượng an ninh tại quốc gia Nam Á này vẫn chưa thể tự bảo vệ đất nước của họ.
Lực lượng Taliban tại Afghanistan không những bị suy yếu mà còn mở rộng phạm vi hoạt động ra khắp đất nước, trong đó, đòn giáng mạnh nhất vào Mỹ là việc nhóm này chiếm được thành phố Kunduz hồi tháng trước và nắm quyền kiểm soát trong hơn 2 tuần trước khi bị đẩy lùi.
Đây cũng được coi là giọt nước tràn ly dẫn tới việc ông Obama phải đánh giá lại kế hoạch rút khỏi Afghanistan.
Bên cạnh đó, Mỹ cần phải bảo vệ thành quả ít ỏi của mình ở Afghanistan trong bối cảnh phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng đang hoành hành ở khu vực này và gieo rắc những mầm mống đầu tiên sang Afghanistan.
Tổng thống Obama không đề cập trực tiếp trong tuyên bố của ông nhưng bài học nhãn tiền của Mỹ chính là Iraq, nơi phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng trỗi dậy với tốc độ chóng mặt ngay sau khi Mỹ rút quân khỏi đây.
Lãnh đạo phe đa số tại Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy nhận định, tuyên bố thay đổi kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan cho thấy ông Obama không muốn lặp lại sai lầm ở Irắc khi để lại “khoảng trống quyền lực” cho các phần tử cực đoan lợi dụng.
Chính vì thế, nhiệm vụ kéo dài của phái bộ ở lại Afghanistan lần này không chỉ là huấn luyện và cố vấn cho lực lượng an ninh của nước này mà còn chủ động tìm kiếm các tay súng Al- Qaeda, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng và các nhóm phiến quân khác.
Bên cạnh đó, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Peter Cook bày tỏ tin tưởng rằng, Mỹ sẽ không đơn độc trong sứ mệnh kéo dài sự hiện diện ở Afghanistan: “Tôi sẽ để các đồng minh và đối tác tự nói lên quyết định của họ nhưng tôi có thể nói rằng, sau chuyến thăm trụ sở Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Brussels tuần trước, đã có nhiều cuộc trao đổi về Afghanistan và những nỗ lực ủng hộ chính phủ nước này.
Tôi có thể khẳng định rằng, Mỹ tin tưởng các đối tác và đồng minh sẽ tăng cường đóng góp của họ với nỗ lực này”.
Một câu hỏi khác đặt ra lúc này đối với Tổng thống Obama là quân đội Mỹ sẽ hiện diện tại Afghanistan trong bao lâu.
Nhưng ông Obama đã lập tức khẳng định quan điểm phản đối ý tưởng “cuộc chiến không hồi kết” và nhấn mạnh rằng những người kế nhiệm ông cần phải giữ vững cam kết này.
Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest đảm bảo rằng, người kế nhiệm Tổng thống Obama dù thuộc đảng Dân chủ hay Cộng hòa cũng sẽ kế thừa một viễn cảnh được cải thiện đáng kể so với tình hình khi ông Obama nhậm chức năm 2009.
Tuy nhiên, ông Obama vẫn đứng trước những hoài nghi, thậm chí là chỉ trích vì quyết định thay đổi kế hoạch rút quân ở Afghanistan.
Hạ nghị sĩ bang Texas, Mac Thornberry, Chủ tịch Ủy ban quân vụ Hạ viện Mỹ cho rằng, kế hoạch mới của Tổng thống Obama chỉ tránh được một thảm họa nhưng không phải là một kế hoạch đem lại thành công.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ John A. Boehner thì “lấy làm vui mừng vì chính phủ cuối cùng cũng thừa nhận thời hạn chót mang tính tùy hứng của Tổng thống Obama chỉ tự dẫn đến sự thất bại”./.