Hôm 15/10 vừa qua, 16 năm sau khi NATO đánh bom các mục tiêu tại Montenegro trong chiến tranh Kosovo, các đại sứ của liên minh đã tới quốc gia này nhóm họp, động thái mới nhất trong chiến lược mở rộng khối liên minh tại khu vực Balkan.
Trong khuôn khổ phiên họp kéo dài 2 ngày, NATO đã thúc đẩy nước cộng hòa ven biển Adriatic đưa vào thực thi những cải cách mà họ hi vọng sẽ là chìa khóa mở đường cho việc gia nhập khối liên minh.
Nếu làm được điều đó, quyết định chấp thuận kết nạp Montenegro vào NATO sẽ được đưa ra vào tháng 12 tới, bất chấp sự phản đối kịch liệt từ phía Nga.
Việc kết nạp Montenegro làm thành viên sẽ đánh dấu lần mở rộng đầu tiên của NATO tại khu vực đông Âu thuộc Liên Xô cũ kể từ năm 2009, khi liên minh này chào đón Albania và Croatia, và cũng là lần đầu tiên NATO kết nạp thành viên từ sau cuộc khủng hoảng Ukraine.
Trả lời họp báo cùng Thủ tướng Montenegro Milo Djukanovic, Tổng thư kí NATO Jens Stoltenberg đã đánh giá cao công cuộc hiện đại hóa quân đội, cải thiện hệ thống tình báo, thắt chặt luật pháp, và đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng hiện nay của Montenegro.
"Montenero đang thể hiện quyết tâm cao trong việc gia nhập liên minh" - ông Stoltenberg phát biểu.
Trong khi đó, ông Djukanovic khẳng định việc gia nhập NATO đối với Montenegro "chỉ còn cách một bước", đồng thời lạc quan đôi bên sẽ sớm đi đến quyết định kết nạp thành viên cho quốc gia với 650.000 dân này.
Theo các nhà ngoại giao phương Tây, việc kết nạp Montenegro sẽ phụ thuộc khá nhiều vào việc liệu 28 thành viên NATO có sẵn sàng đối mặt căng thẳng trong quan hệ với Nga hay không, khi Moscow luôn nhấn mạnh việc NATO mở rộng tại Balkan là một "động thái gây hấn".
Cụ thể, họ cho rằng Pháp sẽ không mấy mặn mà với việc này, nhất là khi thỏa thuận ngừng bắn tại miền đông Ukraine - được Paris góp phần dựng nên với tư cách một thành viên của nhóm Normandy - vẫn còn tương đối mong manh.
Phía ủng hộ việc Montenegro gia nhập liên minh cho rằng điều này sẽ gửi tới Nga một thông điệp rằng Moscow dù muốn cũng không thể cản NATO mở rộng, dù họ công nhận kết nạp Montenegro sẽ không "đánh động" Nga nhiều bằng ý định chào đón Gruzia trước đây.
Đường biển Adriatic của Montenegro từ lâu cũng đã thu hút được nhiều vốn đầu tư của các nhà tài phiệt và kinh hoanh bất động sản, cũng như khách du lịch Nga, kể từ khi nước này tách ra khỏi Serbia & Montenegro năm 2006.
Tuy nhiên, quan hệ ngoại giao Podgorica-Moscow từ lâu đã có nhiều căng thẳng, khi chính phủ Montenegro có xu hướng thân phương Tây, và luôn đẩy mạnh cải thiện quan hệ với các quốc gia EU kể từ sau cuộc chiến năm 1995 với sự tan rã của Nam Tư.
Mối quan hệ này còn xấu đi hơn nữa khi Montenegro cùng EU tham gia vào các lệnh trừng phạt đối với Nga, sau khi nước này sáp nhập Crimea hồi tháng 3 năm ngoái.
Một điểm khác mà ông Stoltenberg cũng nhấn mạnh Montenegro cần làm để gia nhập NATO là thuyết phục người dân ủng hộ quyết định này.
Hiện nay, quan điểm của người dân vẫn chưa thật sự đồng nhất, khi mà phần đông người Serb vẫn phản đối gia nhập chính liên minh đã đánh bom Serbia và Montenegro năm 1999.
Ý nghĩa của việc mở rộng
Washington Post bình luận, dù việc kết nạp một quốc gia với 650.000 nghìn dân và vỏn vẹn 28 triệu USD ngân sách quốc phòng ít nhiều chỉ mang tính biểu tượng, nhưng chỉ điều đó thôi cũng có rất nhiều ý nghĩa.
Theo chuyên gia Michael Haltzel thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ quốc tế xuyên Đại Tây Dương - đại học Johns Hopkins, việc NATO kết nạp Montenegro sẽ thể hiện rằng điều khoản 10 của liên minh vẫn được thực thi cho dù Nga có gây sức ép.
Theo ông Haltzel, điều này cũng sẽ cho thấy "Moscow không hề sở hữu cái gọi là 'quyền phủ quyết ngầm' đối với việc kết nạp thành viên NATO, đồng thời mở rộng cánh cửa khuyến khích các quốc gia khác như Phần Lan và Thụy Điển gia nhập".
Còn theo nhà nghiên cứu Fredrik Wesslau thuộc Ủy ban Quan hệ Quốc tế châu Âu (ECFR), dù kết nạp Montenegro sẽ không đem lại lợi thế chiến lược đáng kể cho NATO, điều này sẽ tăng cường độ tin cậy của liên minh này trong công cuộc đảm bảo an ninh cho châu Âu.