Trung Nam Hải siết chặt quản lý Bộ chính trị TQ

Hải Võ |

Trong khi "dư âm" từ lễ duyệt binh 3/9 và tuyên bố về cuộc cải cách quân đội đầy bất ngờ còn chưa dứt, chính trường Trung Quốc tiếp tục nhận thêm một thông tin "giật mình" khác.

Tờ Tân Kinh (Trung Quốc) cho hay, Hiệu phó Trường đảng Trung ương Trung Quốc Lý Quân Như tiết lộ tại Đối thoại đảng Cộng sản Trung Quốc với thế giới 2015 hôm 8/9 rằng: "Bắc Kinh đang nghiên cứu chế định một 'bộ quy tắc hành vi' đối với các lãnh đạo cấp cao".

Theo ông Lý, hiện Trung Quốc đang tích cực tìm kiếm giải pháp hiệu quả để quản lý hơn 2.000 quan chức cấp Bộ, Tỉnh; hơn 200 Ủy viên Trung ương đảng, Ủy viên Ủy ban kiểm tra kỷ luật; hơn 20 Ủy viên Bộ chính trị, bao gồm 7 Ủy viên thường vụ.

"Chiến dịch chống tham nhũng từ sau đại hội đảng XVIII (2012) cho thấy nhiều lãnh đạo cấp cao như Chu Vĩnh Khang, Từ Tài Hậu, Tô Vinh... đều có vấn đề. Điều này buộc Bắc Kinh phải giải được bài toán quản lý đảng viên, cán bộ." - Lý Quân Như nói.

Động thái của Trung Quốc nhận được sự chú ý đáng kể của truyền thông quốc tế khi có nhiều nhận định rằng hàng loạt vụ "ngã ngựa" của các quan chức cấp cao trong 2 năm qua cho thấy sự thiếu minh bạch và giám sát, quản lý yếu kém đối với giới lãnh đạo nước này.

Ở một mức độ nào đó, việc quản lý hiệu quả bộ máy hành chính đã trở thành tiêu chuẩn đánh giá sự thành công của hoạt động cải cách chính trị mà Bắc Kinh đang tiến hành.

Trang Đa Chiều (Mỹ) đánh giá, việc Trung Quốc xây dựng cơ chế "lãnh đạo tập thể" và chế độ nghỉ hưu cho lãnh đạo là những bước đi thông minh của nước này trong quá khứ và đến nay vẫn phát huy hiệu quả vai trò quản lý các quan chức.

"Bộ quy tắc hành vi đối với lãnh đạo cấp cao" được kỳ vọng sẽ là một chế độ quan trọng mới giúp Trung Nam Hải hoàn thiện cơ chế quản lý của mình.

Đa Chiều dự đoán, "bộ quy tắc hành vi" sẽ có tác dụng kiềm chế không nhỏ đối với giới lãnh đạo Trung Quốc, thậm chí mức độ hạn chế mà các quy tắc mới đặt ra có thể còn ngặt nghèo hơn so với nhiều quốc gia phương Tây.

Điều này được lý giải bởi đảng Cộng sản Trung Quốc thường đặt ra nhiều yều cầu khắt khe về tư tưởng, hành vi, đạo đức... đối với các đảng viên của họ.

Động thái siết chặt quản lý ngay cả với Bộ chính trị TQ, tức bao gồm ông Tập Cận Bình, cũng là một hình thức để ông Tập thể hiện khả năng kiểm soát đối với đảng, đồng thời phát đi "thông điệp nước lớn" ra quốc tế, Đa Chiều nhận định.

7 Ủy viên thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc, bao gồm Chủ tịch Tập Cận Bình, Thủ tướng Lý Khắc Cường... đều nằm trong khuôn khổ áp dụng "bộ quy tắc hành vi đối với lãnh đạo cấp cao".

Ai sẽ giám sát nhóm "7 người quyền lực nhất Trung Quốc"?

Giáo sư Học viện hành chính quốc gia Trung Quốc Hứa Diệu Đồng đánh giá, bộ quy tắc đầu tiên được chế định riêng cho giới lãnh đạo nước này "sẽ xoay quanh những quyền lực quan trọng của các cán bộ lãnh đạo".

"Bộ quy tắc có những quy phạm cụ thể đối với quyền đề bạt nhân sự của cán bộ, quyền quyết sách đối với các dự án lớn, khoản tiền lớn.

Việc quan chức chính phủ giao thiệp với giới thương nhân, doanh nghiệp ra sao cũng có những yêu cầu rõ ràng..." - ông Hứa giới thiệu.

Bên cạnh đó, những nhân vật có thể hưởng lợi từ quyền lực của các quan chức như người thân, thư ký... hay hiện tượng "lãnh đạo về hưu can dự chính trị" mà Trung Quốc nhắc đến hồi tháng 8 cũng có khả năng được đưa vào quy định.

Các "hổ béo" bị xử lý như Chu Vĩnh Khang, Bạc Hy Lai, Từ Tài Hậu, Lệnh Kế Hoạch, và mới đây nhất là cựu Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Quách Bá Hùng đều từng giữ những chức vụ lãnh đạo trong đảng, chính phủ và quân đội nước này.

Với quyền lực trong tay, những nhân vật này bị cáo buộc dính líu hàng loạt hành vi nghiêm trọng như nghe lén cấp trên, đánh cắp thông tin mật, tổ chức hoạt động phi pháp, thông gian... khiến ông Tập phải lo ngại tệ tham nhũng ảnh hưởng đến "tồn vong của đảng Cộng sản Trung Quốc".

Đa Chiều cho rằng, trong hơn 30 năm cải cách mở cửa, một đặc điểm của chính trị Trung Quốc là sự thiếu kiểm soát đối với quyền lực của các cán bộ lãnh đạo.

Việc thúc đẩy hiện thực hóa "bộ quy tắc hành vi đối với lãnh đạo cấp cao" sẽ giúp ông Tập Cận Bình ngăn chặn những Chu Vĩnh Khang, Bạc Hy Lai... "số 2" xuất hiện.

Ông Lý Quân Như cho biết, cơ quan đóng vai trò chủ chốt trong việc nghiên cứu bộ quy tắc nói trên nhiều khả năng là Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Trung Quốc (CCDI) do Thường ủy Bộ chính trị Vương Kỳ Sơn đứng đầu.

Đáng chú ý là, ông Vương được cho là "nhân vật số 2" trong cuộc chiến chống tham nhũng quyết liệt của ông Tập, và hệ quả khách quan là vị thế cùng vai trò của CCDI đã được gia tăng rất nhiều.

Tổ chức này đã được phê chuẩn quyền giám sát Ban tổ chức Trung ương, Ban tuyên giáo Trung ương, Quốc vụ viện... và một số cơ quan cấp 1 của Trung Quốc.

Theo Đa Chiều, việc xác lập quy chế quản lý đối với các quan chức cấp cao của đảng Cộng sản Trung Quốc trên thực tế có thể làm nổi bật vai trò của "người phán xét". Trong trường hợp này, đó rất có thể là chính ông Tập.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại