Triều Tiên phóng tên lửa làm biến đổi lớn cục diện Đông Á

Hải Võ |

Vụ thử hạt nhân ngày 6/1 và phóng tên lửa ngày 7/2 của Triều Tiên đã đẩy nhanh cục diện mà Trung Quốc không mong muốn, đó là lộ trình hòa giải giữa Nhật Bản và Hàn Quốc.

Các diễn biến trong hơn 1 tháng qua trên bán đảo Triều Tiên đồng thời đã giúp "chữa lành" mâu thuẫn giữa Mỹ-Nhật-Hàn và củng cố mối quan hệ hợp tác quốc phòng ba bên.

Song song với đó, Trung Quốc sẽ phải đối diện với tình thế "tiến thoái lưỡng nan" trong cục diện chiến lược ở Đông Bắc Á.

Triều Tiên "giúp" Mỹ trong ván cờ lớn ở Đông Bắc Á

Tờ Zaobao (Singapore) ngày 15/2 cho hay, quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đã xuất hiện những tín hiệu cải thiện đáng kể từ sau sự kiện Bình Nhưỡng tuyên bố thử thành công bom khinh khí (bom H) hôm 6/1.

Đầu tiên, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe nói trong bài phát biểu phương châm cầm quyền ngày 22/1 rằng ông sẽ định vị Hàn Quốc như một "nước láng giềng quan trọng nhất cùng chia sẻ lợi ích chiến lược".

Đây là bước tiến lớn trong thái độ của Thủ tướng Abe, khi năm ngoái ông chỉ đánh giá Hàn Quốc là "láng giềng quan trọng nhất".

Trong bài phát biểu cùng ngày, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida cũng nhấn mạnh "phải thúc đẩy quan hệ Nhật-Hàn phát triển, tiến vào thời đại mới của tương lai", cho thấy Nội các của ông Shinzo Abe sẽ rất chú trọng quan hệ với Seoul trong năm nay.

Thứ hai, sau vụ thử hạt nhân của Triều Tiên, các chuyên gia quân sự Nhật, Hàn nhận định Tokyo sẽ tăng cường hợp tác quân sự cùng Seoul để chống lại mối đe dọa từ Bình Nhưỡng. Đây đồng thời là nền tảng để hai nước đẩy nhanh lộ trình hòa giải.

Zaobao cho biết, Nhật Bản và Hàn Quốc trước đó từng "suýt" đạt được Hiệp định bảo hộ tình báo quân sự, nhưng thỏa thuận phải ngừng lại do dư luận Hàn Quốc phản đối.

Sau sự kiện 6/1, các quan chức cấp cao Nhật, Hàn nói rằng cần phải đánh giá lại thỏa thuận an ninh giữa hai quốc gia. Ngoài ra, Mỹ cũng đóng vai trò "xúc tác" khi kêu gọi tăng cường quan hệ hợp tác quốc phòng ba bên Mỹ-Nhật-Hàn.


Triều Tiên giúp Mỹ giải quyết vấn đề bất đồng Nhật-Hàn (Ảnh minh họa)

Triều Tiên "giúp" Mỹ giải quyết vấn đề bất đồng Nhật-Hàn (Ảnh minh họa)

Trên thực tế, việc "tác hợp" quan hệ hợp tác quân sự giữa 2 đồng minh Tokyo, Seoul từ trước đến nay vẫn là vấn đề khiến Washington đau đầu.

Trước đây, quan hệ Nhật Bản-Hàn Quốc tồn tại nhiều căng thẳng do vấn đề lịch sử, điển hình là vấn đề "phụ nữ mua vui" thời Thế chiến II, khiến hợp tác an ninh song phương gặp trở ngại.

Tuy nhiên, Hàn Quốc và Nhật hôm 28/12/2015 đã đạt thỏa thuận đột phá về việc giải quyết vấn đề ám ảnh quan hệ hai nước nhiều năm. Tokyo sẽ lên tiếng xin lỗi Hàn Quốc, đồng thời bồi thường 1 tỉ yên.

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye khẳng định, nếu Nhật Bản thực hiện cam kết thì Seoul "sẽ không nhắc lại chuyện cũ".

Ngoại trưởng Nhật Kishida trong phát biểu ngày 22/1 cũng tái khẳng định sẽ thực hiện triệt để nhận thức chung Nhật-Hàn về vấn đề "phụ nữ mua vui".

Trong bối cảnh đó, vụ thử hạt nhân của Triều Tiên "vừa hay" trở thành lý do chính đáng cho phép Mỹ đẩy mạnh bố trí quân sự ở Đông Bắc Á và yêu cầu Nhật, Hàn thắt chặt hợp tác quân sự.

Sau hành động thách thức mới nhất của Triều Tiên là vụ phóng tên lửa tầm xa sáng 7/2, hãng Kyodo News của Nhật đưa tin, đại diện quốc phòng Mỹ-Nhật-Hàn đã tổ chức cuộc họp trực tuyến, tiếp tục nhất trí tăng cường hợp tác mật thiết.

Ba nước cũng đồng ý chia sẻ phân tích tình báo và biện pháp đối phó với Triều Tiên. Theo Zaobao, có thể dự kiến Mỹ và 2 đồng minh sẽ bước vào quỹ đạo tăng tốc hợp tác quốc phòng trong tương lai gần.

Cố vấn cao cấp Hiệp hội chiến lược quốc tế (Trung Quốc)
Thiếu tướng Vương Hải Vân
Người Hàn Quốc cần phải ghi nhớ cẩn thận: Bán đảo phát sinh chiến tranh, hỗn loạn thì Hàn Quốc là bên thiệt hại đầu tiên. Mỹ có ý đồ tăng cường bố trí quân sự, gây sự trên bán đảo nhằm siết chặt vòng vây chiến lược với Trung Quốc. Điều này sẽ chỉ làm gánh nặng chiến tranh thêm nặng nề, tiêu hao và làm suy yếu sức mạnh quân sự của họ. Còn chính phủ Nhật Bản hy vọng tình hình bán đảo leo thang căng thẳng để tiện bành trướng quân sự... [Trung Quốc] cần chuẩn bị về mặt quân sự để sẵn sàng cho kịch bản chiến tranh bùng phát. Phải nhanh chóng điều chỉnh bố trí quân đội ở biên giới Đông Bắc và trên biển... Cho dù bán đảo chỉ tồn tại vài phần trăm khả năng "khai chiến" thì quân đội Trung Quốc vẫn phải sẵn sàng 100%.

Trung Quốc "tiến thoái lưỡng nan", Hàn Quốc chính là "lối ra"?

Hai vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa của Triều Tiên diễn ra chỉ cách nhau hơn 1 tháng đã bị Mỹ, đồng minh và xã hội quốc tế xem là hành vi khiêu khích.

Điều này đồng thời làm nổi bật tính cấp bách của việc Trung Quốc cần phải điều chỉnh chính sách đối với Triều Tiên. Nhưng đây lại là một vấn đề khó khăn đối với Bắc Kinh.

Tờ Zaobao cho hay, trong các cuộc thảo luận về vấn đề hạt nhân Triều Tiên trước đây, giới quan sát thường đặt Mỹ-Nhật-Hàn về một "phía" đối lập với Trung Quốc.

Tuy nhiên, cách "chia phe" rạch ròi và đơn giản này không còn phù hợp với tình hình thực tế.

Một mặt, bất kể là Trung Quốc hay Mỹ-Nhật-Hàn đều có mục tiêu chung là phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Đây là lợi ích chung và là tiền đề cho phép các bên ngồi lại đàm phán.

Thế nhưng, cách thức đi đến mục tiêu của mỗi bên không giống nhau. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết trong chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng 1, Mỹ-Trung đều sẵn sàng trừng phạt Bình Nhưỡng, nhưng phương thức của hai nước khác nhau.


Tổng thống Park Geun Hye phát biểu trước Quốc hội Hàn Quốc tại thủ đô Seoul vào sáng nay, 16/2 tuyên bố sẽ dùng mọi biện pháp để trừng phạt Triều Tiên. Ảnh: AP

Tổng thống Park Geun Hye phát biểu trước Quốc hội Hàn Quốc tại thủ đô Seoul vào sáng nay, 16/2 tuyên bố sẽ "dùng mọi biện pháp" để trừng phạt Triều Tiên. Ảnh: AP

Mặt khác, tần suất tiếp xúc, trao đổi giữa Trung Quốc và Hàn Quốc về vấn đề hạt nhân Triều Tiên đã tăng lên rõ rệt thời gian gần đây, bất chấp Bắc Kinh đang phản đối quyết liệt việc Mỹ-Hàn thảo luận bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD ở Hàn Quốc.

Hôm 5/2, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chủ động điện đàm cùng Tổng thống Park Geun Hye, khẳng định Bắc Kinh muốn duy trì liên lạc và phối hợp với Seoul về vấn đề hạt nhân bán đảo.

Trong khi đó, sự trao đổi giữa Mỹ-Trung rất không thuận lợi. Tiếp xúc Trung-Nhật càng hiếm hoi hơn.

Nói cách khác, Trung Quốc hy vọng tạo đột phá với liên minh Mỹ-Nhật-Hàn bằng cách nỗ lực đạt được nhận thức chung ở mức độ nào đó với Hàn Quốc, nhằm giảm bớt áp lực bên ngoài với Bắc Kinh và khôi phục tiếng nói cũng như ảnh hưởng đối với khu vực, cải thiện thế bị động.

Tuy nhiên, bà Park Geun Hye hôm 13/2 mới đây đã tuyên bố "cảm thấy thất vọng, không còn mong đợi gì ở vai trò của Trung Quốc" trước thái độ của Bắc Kinh về việc trừng phạt Triều Tiên.

Trước đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có cuộc điện đàm ngày 9/2 với bà Park và Tổng thống Mỹ Barack Obama, bày tỏ thiện chí "dọn đường" để ba bên hợp tác gia tăng trừng phạt Triều Tiên.

Động thái này nhằm "đánh động" các nhà quyết sách Trung Quốc hành động nhất quán với Washington, Tokyo và Seoul nếu không muốn bị cô lập ở bán đảo nói riêng và khu vực Đông Bắc Á nói chung.

Rất rõ ràng, tăng cường quốc phòng đã trở thành nhu cầu tất yếu của Hàn Quốc nhằm chống lại Bình Nhưỡng và bài toán của Trung Quốc là làm thế nào thuyết phục Seoul từ bỏ việc triển khai hệ thống THAAD ở nước này.

Zaobao kết luận, các vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa của Triều Tiên đang không ngừng tạo ra biến động trong cục diện chiến lược Đông Bắc Á.

Cục diện Trung-Hàn "nóng", Nhật-Hàn "lạnh", Trung-Nhật bế tắc đang chuyển dần thành khối Mỹ-Nhật Hàn củng cố quan hệ, Trung-Nhật tiếp tục giằng co và Trung-Hàn mâu thuẫn sâu thêm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại