Trong một cuộc phỏng vấn tuần trước trên kênh CNN, Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir cho biết, chính phủ Mỹ đã ủng hộ và tỏ thái độ tích cực đối với tuyên bố sẵn sàng điều đặc nhiệm tới Syria của vương quốc Arab.
Đọc thêm: >> Saudi Arabia: Assad sớm muộn cũng "xong", Nga cũng chẳng cứu nổi
Nếu đúng như phát biểu của Ngoại trưởng Jubeir, thì theo cựu Đại sứ Mousavian, dường như Washington và Riyadh vẫn chưa rút ra bài học gì từ 7 sai lầm chiến lược mà Mỹ và các nước thuộc liên minh quốc tế đã mắc phải trong chính sách can thiệp tại Syria.
1. Mỹ ủng hộ các cuộc cách mạng tại Tunisia và Ai Cập, và thậm chí suýt chút nữa còn ủng hộ tổ chức Anh em Hồi giáo. Mỹ sai lầm ở chỗ họ cho rằng Syria có thể là một Ai Cập thứ hai, dù thực chất tính phân chia giáo phái trong hệ thống chính trị Syria nhạy cảm hơn rất nhiều.
2. Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar và Saudi Arabia đã lập tức gạt sang một bên mối quan hệ hữu hảo với Syria khi họ nhận ra cơ hội để Anh em Hồi giáo (trong trường hợp của Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar) hay các nhóm Salafi (trong trường hợp của Saudi Arabia) lên nắm quyền tại Damascus.
Theo ông Mousavian, 3 nước này muốn theo đuổi lợi ích quốc gia của riêng minh và sẵn sàng làm bất kì điều gì, trong đó có việc nghiêng hẳn về phía Sunni trong xung đột giáo phái tại Syria, để bằng mọi giá lật đổ chính phủ Alawi của ông Assad.
3. Tương tự, chính phủ Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng nhận ra thời cơ lật đổ Assad để ủng hộ đồng minh của Washington trong khu vực (chính là Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar, và Saudi Arabia). Nhưng thực chất, theo cựu Đại sứ Iran tại Đức, điều đó chỉ "thêm dầu vào lửa".
Kết quả là sau nhiều năm nội chiến dai dẳng, Mỹ nay đã nhận ra việc tước đi quyền lực của Assad không còn khả thi, và không còn cách nào khác đành chấp nhận ngưng theo đuổi mục tiêu này tại Syria.
4. Với việc tham gia vào một cuộc biểu tình chống chính phủ quy mô lớn vào năm 2011, Đại sứ Mỹ tại Syria Robert Ford đã tiêm nhiễm vào tư tưởng các lực lượng cực đoan rằng Washington đang ủng hộ chúng.
Người dân Syria biểu tình đòi Đại sứ Robert Ford ra đi. Ảnh: AP
5. Tháng 6/2012, Mỹ và Nga đã kí kết hiệp ước Geneva I, mở đường cho tiến trình giải quyết nội chiến Syria.
Tuy nhiên, thay vì tập trung theo đuổi tiến trình này, Mỹ lại lui về hậu trường và giao trọng trách cho các đồng minh người Thổ, Qatar, và Saudi. Và cũng chẳng lấy gì làm ngạc nhiên khi 3 nước này trở thành những nhà tài trợ đắc lực nhất cho phe nổi dậy.
Theo cựu Đại sứ Mousavian, đây chính là sai lầm lớn nhất của Mỹ trong 5 năm nội chiến Syria. Tương tự với việc đàm phán P5+1 đã giải quyết ổn thỏa tranh cãi hạt nhân Iran, ông Mousavian khẳng định, ngoại giao là biện pháp duy nhất có thể tháo gỡ nút thắt hiện nay tại Syria.
Với việc Mỹ để bộ 3 Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar, và Saudi Arabia chống lưng phe nổi dậy, Assad đã bị dồn vào chân tường, và kể cả nếu có từ chức cũng không tránh khỏi một kết cục bi thảm cho cá nhân ông cũng như cộng đồng thiểu số Alawi.
Ở đường cùng, Assad đã tìm đến giải pháp quân sự, trong bối cảnh nội chiến Syria đã trở thành một cuộc chiến một mất một còn, không lối thoát.
Và cũng chính hình thức đáp trả cực đoan của Tổng thống Syria đã lại thôi thúc phe nổi dậy đấu tranh hơn nữa, đồng thời đập tan mọi kì vọng về một giải pháp chính trị giữa hai phe.
6. Cựu Đại sứ Mousavian nhấn mạnh, việc trang bị vũ khí cũng như hỗ trợ về mặt tài chính và hậu cần cho phe nổi dậy, khi mà phe này không hề có một hệ thống lãnh đạo đáng tin cậy, đã mở đường cho các yếu tố cực đoan trỗi dậy.
Quân đội Syria cũng không còn có thể trông cậy vào các binh sĩ dòng Sunni chiếm đa số tại quốc gia này, và đành phải mở cửa biên giới đón các lực lượng quân đội ngoại bang như Hezbollah, Iran, và mới đây là Nga, tới can thiệp.
Từ đó, nội chiến lại biến tướng thành một cuộc chiến tranh ủy nhiệm ở tầm khu vực và quốc tế.
Ngoài ra, do lực lượng trên bộ quá mỏng và phải phụ thuộc nhiều vào không kích, quân đội Syria đã tự gây ra cho nước nhà những thiệt hại nghiêm trọng về con người và cơ sở hạ tầng, và thừa hiểu điều đó nên khủng bố đa phần ẩn náu tại các khu dân cư.
Điều này đã dẫn đến con số người di cư đạt mức kỉ lục, châm ngòi cho cuộc khủng hoảng nhập cư nghiêm trọng nhất tại châu Âu từ trước đến nay.
7. Theo ông Mousavian, việc Mỹ cứ khăng khăng đòi phân biệt giữa các nhóm nổi dậy cực đoan và nổi dậy ôn hòa giờ đã trở thành "nhiệm vụ bất khả thi", và chẳng khác nào một trò cười.
Ông phân tích, tại Syria, các tay súng chọn tổ chức để đầu quân tùy vào các yếu tố như mức thù lao được trả, giáo phái, các mối liên hệ mang tính địa phương, các liên minh thay đổi "xoành xoạch", và các nhà tài trợ tài chính.
Các nhóm này thường do những kẻ cuồng đạo cầm đầu, những kẻ sẵn sàng làm bất cứ điều gì để đạt được mục đích. Do đó, việc phân loại các nhóm nổi dậy như vậy gần như không có bất kì tác dụng gì.
---
Trên đây là 7 sai lầm của Mỹ tại Syria mà cựu Đại sứ Mousavian đã chỉ ra. Trở lại với tuyên bố sẵn sàng điều bộ binh tới Syria của Saudi Arabia, chính Ngoại trưởng Jubeir đã công khai thừa nhận mục tiêu chính của Riyadh là lật đổ Assad.
Do vậy, việc bộ binh Saudi tham chiến sẽ chẳng khác nào dẫm vào những "vết xe đổ" nói trên của Mỹ.
Ông Mousavian cũng chỉ ra rằng, những gì Saudi Arabia đang làm tại Yemen và từng làm tại Bahrain năm 2011 cho thấy khả năng thành công của một chiến dịch can thiệp trên bộ nhằm lật đổ chính quyền một nước khác tại Trung Đông là rất thấp, nếu không muốn nói là không thể.
Tóm lại, cựu Đại sứ Mousavian nhấn mạnh, việc Saudi Arabia đem quân tới Syria, và nhận được sự ủng hộ của Mỹ, sẽ là một sai lầm cực kì nghiêm trọng không thể cứu vãn mà hai nước cần tránh trước khi quá muộn.