Hiện nay, có ít nhất 3 tổ chức dân quân dòng Shia trước đây từng sát cánh Mỹ chống lại Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Iraq, nay đang tham chiến tại chiến trường phía nam và đông nam tỉnh Aleppo, Syria. Đó là Lữ đoàn Badr, Kata'ib Hezbollah, và Asa'ib Ahl al-Haq.
Trong đó, theo 2 quan chức Lầu Năm Góc nói trên, có thể xác nhận "ít nhất một tiểu đội" thuộc lữ đoàn Badr đang sát cánh cùng các nhóm dân quân Iraq do Nga và Iran hậu thuẫn, hợp tác cùng quân đội chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad chống lại phe nổi dậy.
Ngoài ra, một số nguồn tin chiến trường đã đăng tải lên mạng xã hội hình ảnh các nhóm dân quân Iraq này điều khiển xe tăng và trang bị các vũ khí của Mỹ. Tuy nhiên, các thông tin này chưa được kiểm chứng.
Việc các lực lượng dân quân Iraq do Mỹ hậu thuẫn giờ lại sát cánh cùng quân đội Assad, mục tiêu số một của phe nổi dậy Syria cũng như chính phủ Washington, một lần nữa cho thấy sự phức tạp trong các mối quan hệ và lợi ích riêng của các phe phái tham chiến tại Syria.
Tại Iraq, các nhóm dân quân này từng đóng vai trò lực lượng trên bộ của Mỹ trong cuộc chiến chống IS. Nhưng bên kia biên giới, tại Syria, cũng chính những nhóm này lại đang chĩa súng vào phe nổi dậy do Mỹ hậu thuẫn.
Nói cách khác: chính những lực lượng từng được Mỹ trông cậy để chiếm lại các thành trì Iraq từ tay khủng bố nay lại được người Nga và Iran hậu thuẫn để giành Aleppo về cho Assad.
Nhận xét về diễn biến này, hai quan chức Lầu Năm Góc tỏ ra không mấy lo ngại. "Trong danh sách các vấn đề chúng tôi đang phải đối mặt, thì một lữ đoàn Badr chưa là gì cả" - một quan chức phát biểu.
Tuy nhiên, theo đánh giá của The Daily Beast, vai trò của các lực lượng dân quân Shia hiện nay vẫn gây nhiều tranh cãi. Nguồn gốc của Badr là một nhánh của quân đội Iran, sau đó được Mỹ trang bị vũ khí để tham chiến trên bộ chống lại IS ở Iraq.
Nhưng ở Syria, chính Badr lại đóng vai trò quan trọng trong liên minh Nga-Iran, và là yếu tố mang tính quyết định đặt quân chính phủ Assad ở thế thượng phong trong cuộc chiến hiện nay tại Aleppo.
Chính các quan chức Mỹ cũng phải thừa nhận rằng, nếu không có sự thiện chiến trên bộ của lực lượng Badr này, trong đó có sự hỗ trợ không nhỏ từ vũ khí và trang thiết bị do Washington cung cấp, thì quân đội Syria sẽ không tài nào bảo vệ nổi lãnh thổ khỏi tay FSA.
Ngoài ra, cũng phải nói thêm rằng, giao chiến tại Syria "lời" hơn đối với lực lượng dân quân dòng Shia.
Khi tham chiến tại các thành phố Amerli và Tikrit của Iraq, các tay súng này được "bồi dưỡng" khoảng $720/tháng, theo số liệu được các quan chức chính phủ Iraq tiết lộ.
Trong khi đó, tại Syria, họ có thể kiếm được tới $1.500/tháng. Mức lương cao hơn hẳn là một động lực vô cùng quan trọng đối với các tay súng này, bên cạnh lòng trung thành vốn có với giáo phái Shia quyết tâm tiêu diệt phe nổi dậy theo dòng Sunni ở Syria.