Theo công bố sơ bộ của Ủy ban Bầu cử Quốc gia (CNE) Venezuela, Liên minh Dân chủ đối lập (MUD) đã giành được 99 ghế trong tổng số 167 ghế Quốc hội trong cuộc bầu cử ngày 6/12 vừa qua.
Đảng Xã hội Thống nhất Venezuela (PSUV) cầm quyền giành được 46 ghế và 22 ghế còn lại chưa được công bố.
Tỷ lệ tham gia bầu cử khá cao, đạt 74%. Giới truyền thông và học giả Mỹ nhìn nhận đây là kết quả nằm ngoài dự đoán, song Venezuela sẽ khó có thể thay đổi một sớm một chiều dưới thời Quốc hội do MUD kiểm soát.
MUD gần như chắc chắn sẽ giành được 101 ghế cần thiết để bảo đảm lợi thế đa số 3/5 tại Quốc hội và không loại trừ khả năng giành được 111-113 ghế để bảo đảm lợi thế đa số tuyệt đối 2/3.
Đa số 3/5 và 2/3 ghế đều cho phép MUD có thể cải tổ các thể chế, loại bỏ một số thành viên của CNE hay Tòa án Tối cao.
Đa số 2/3 ghế tại Quốc hội sẽ cho phép MUD cải tổ hiến pháp. Tờ “Thời báo New York” ngày 7/12 dẫn lời ông Henry Ramos, một lãnh đạo của phe đối lập, dự báo MUD có thể sẽ giành được 113 ghế.
Báo “Bưu điện Washington” dẫn lời ông Jesus Torrealba - người phát ngôn MUD, nói rằng MUD đã giành được 112 ghế.
Vấn đề đặt ra hiện nay là với thắng lợi vang dội khá bất ngờ này, các bước đi kế tiếp của MUD là gì và các phản ứng của Chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro sẽ ra sao?
Theo "Nhật báo phố Wall", việc chiếm đa số tại Quốc hội sẽ cho phép phe đối lập ban hành các đạo luật cơ bản, và thông qua các đạo luật liên quan tới ngân sách và nợ công.
Việc chiếm 3/5 ghế, tương đương với 101 ghế trở lên, sẽ cho phép MUD thông qua các đạo luật có tầm ảnh hưởng lớn hơn, có thể dẫn tới những cải tổ sâu sắc. MUD cũng có thể cách chức các ghế phó tổng thống hay bộ trưởng.
Nếu chiếm được 2/3 số ghế, MUD sẽ có quyền lực để tái cấu trúc ngành tư pháp, đề xuất cải tổ hiến pháp thông qua trưng cầu dân ý.
Thậm chí, theo như tuyên bố của ông Henry Ramos trên tờ “Thời báo New York” thì Quốc hội do MUD kiểm soát sẽ không cho phép Tổng thống Maduro tại vị cho tới hết nhiệm kỳ (tháng 4/2019), mà sẽ loại bỏ ông thông qua “công cụ hiến pháp”, chẳng hạn như trưng cầu dân ý về tín nhiệm, hoặc sẽ bị buộc phải từ chức.
Điều này không phải không có tiền lệ, và nếu như nó xảy ra, Venezuela sẽ bầu cử tổng thống vào năm 2016 vì với tỷ lệ ủng hộ hiện tại, ông Maduro gần như chắc chắn không thể có được sự ủng hộ trên 50%.
Tuy nhiên, ông Jesus Torrealba - người phát ngôn của MUD, cho rằng MUD sẽ cam kết thúc đẩy sự hòa hợp giữa các bên tại Quốc hội. Ông Jesus Torrealba tuyên bố: "Không có một phe đa số nào ở đây muốn san phẳng phe thiểu số".
Với kết quả bầu cử “không thể đảo ngược” này, Tổng thống Maduro đã tuyên bố chấp nhận thất bại và loại bỏ khả năng kêu gọi tuần hành. Tuy nhiên, hiện chưa rõ chiến thắng của phe đối lập có mang lại những thay đổi đáng kể trong chính sách của Venezuela hay không.
Ông Maduro trước đây đã từng tuyên bố rằng ông sẽ không từ bỏ quyền lực. Nếu điều này không phải là hùng biện, chắc chắn Quốc hội do PSUV kiểm soát sẽ trao quyền lãnh đạo bằng sắc lệnh cho Tổng thống Maduro, theo đó ông Maduro có thể thông qua các đạo luật mà không cần sự nhất trí của Quốc hội.
Tuy nhiên, với chiến thắng lớn và bất ngờ này của MUD, biện pháp đối phó trên của PSUV chắc chắn sẽ tạo ra biểu tình phản đối quy mô rộng do MUD kích động và gây ra bất ổn xã hội tại Venezuela.
Giới học giả tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR) nhận định rằng chiến thắng của MUD không phải vì liên minh này có một cương lĩnh tranh cử vượt trội, với những chính sách kinh tế mới có thể đưa Venezuela thoát khỏi suy thoái, mà chiến thắng này nhờ vào thực tế là PSUV bị mất dần sự ủng hộ do kinh tế Venezuela đi xuống, chủ yếu là do giá dầu mỏ sụt giảm.
Với thực tế này, chiến thắng của MUD dù được tung hô là sẽ mang lại “sự thay đổi với Venezuela” nhưng cũng khó có thể đưa Venezuela thoát khỏi thực trạng tăng trưởng Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP) -10% và lạm phát ở mức 165% (số liệu dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế- IMF) của năm 2015 một sớm một chiều, ít nhất là trong năm 2016.
Trước mắt, lựa chọn khả dĩ nhất là MUD phải tìm kiếm sự thỏa hiệp của PSUV để có thể đưa ra một số điều chỉnh chính sách, chẳng hạn như cắt giảm trợ cấp giá xăng dầu và nhiên liệu hay mở cửa thu hút đầu tư từ nước ngoài...