TQ lo ngại gì mà còn dè chừng trước mối lợi lớn mới xuất hiện?

My Lan |

"Trung Quốc sẽ "rảnh tay" hơn trong việc thắt chặt thêm quan hệ với Iran trong lĩnh vực kinh tế cũng như quân sự và không gian mạng, khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ".

Theo nhà nghiên cứu Courtney Bliler từ Chương trình Trung Đông tại Trung Tâm nghiên cứu của tạp chí National Interest, Trung Quốc sẽ là nước được lợi lớn nhất nếu LHQ dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Iran.

Dù vậy, bà cũng chỉ ra nguyên nhân khiến Trung Quốc có thể vẫn sẽ dè chừng trước mối lợi lớn từ quốc gia Trung Đông này.

Dưới đây là những phân tích của bà Bliler trên tạp chí National Interest về mối quan hệ Trung Quốc - Iran trước những thay đổi mới. Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.

Vị trí thuận lợi nhất

Trong khi đa số các nước trong nhóm đàm phán hạt nhân P5+1 đồng lòng cô lập Iran khỏi nền kinh tế toàn cầu trong suốt 1 thập kỷ qua, thì Trung Quốc đã lợi dụng hoàn cảnh bị "ghẻ lạnh" đó để bảo toàn vị thế của mình trong lĩnh vực dầu mỏ và phi dầu mỏ ở Iran.

Bắc Kinh hiện đang chiếm vị trí đứng đầu trong nền kinh tế Iran. Quan trọng hơn, trong những năm sắp tới, Tehran có thể thắt chặt hơn mối quan hệ lâu dài với nước này trong các vấn đề chiến lược như không gian mạng hay quân sự.

Bắc Kinh sẽ là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất khi các lệnh trừng phạt đối với Iran bị loại bỏ.

Kể từ khi trở thành quốc gia nhập khẩu ròng dầu mỏ năm 1993, Bắc Kinh đã phải nhờ tới sự giúp sức của Tehran mới có thể đáp ứng được nhu cầu năng lượng đang ngày càng tăng.

Iran đã là nhà cung cấp dầu thô lớn thứ ba cho Trung Quốc trước khi chịu các lệnh trừng phạt từ LHQ.

Năm 2011, Bắc Kinh nhập khẩu mức dầu kỉ lục 550.000 thùng/ngày từ Iran. Mặc dù miễn cưỡng áp đặt trừng phạt lên Tehran, song hoạt động nhập khẩu dầu của Bắc Kinh vẫn tiếp tục.

Theo Wall Street Journal, sản lượng nhập khẩu dầu mỏ từ Tehran của Bắc Kinh đã tăng 30% trong vòng 5 năm qua và hiện đang chiếm 9% tổng sản lượng nhập khẩu.

Xét trên toàn khu vực, việc nới lỏng trừng phạt Iran sẽ cho phép các công ty Trung Quốc đạt lợi nhuận lớn hơn trong đầu tư và thương mại ở lĩnh vực dầu mỏ.

Pakistan đang hi vọng sẽ có được nguồn tiền hỗ trợ 2 tỉ USD từ Trung Quốc để hoàn thành dự án đường ống dẫn khí đốt tự nhiên hóa lỏng Iran-Pakistan - một dự án đã bắt đầu từ năm 2010 song do các lệnh trừng phạt mà bị hoãn lại vào năm 2013.

Dự án này sẽ làm vững chắc thêm Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC) - gồm đường cao tốc, đường sắt và đường ống dẫn từ tây Trung Quốc tới cảng Gwadar (Pakistan) dọc Biển Ả Rập, giúp cắt giảm chi phí vận chuyển và thúc đẩy thương mại của Trung Quốc.

Đổi lại, hàng tiêu dùng giá rẻ của Trung Quốc đã ngập tràn thị trường Iran. Bắc Kinh đã thiết lập các mối quan hệ trong những lĩnh vực ngoài dầu mỏ như xây dựng, sản xuất và giao thông vận tải.

Hồi năm ngoái, Trung Quốc đã tăng hạn ngạch đầu tư cơ sở hạ tầng ở Iran lên trên 5%.

Các cơ chế trừng phạt đã hạn chế ngoại tệ mạnh chảy vào Tehran, nhưng nhờ thế mà Bắc Kinh đã mở rộng được thị phần của mình tại quốc gia Trung Đông này và rồi hưởng lợi, gây tổn hại tới các doanh nghiệp ở địa phương.

Chuyên gia Mỹ
Courtney Bliler
Các công ty Trung Quốc giờ đây đã có được vị trí thuận lợi nhất để sau khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ, có thể giành được các khoản đầu tư và chuyển nhượng trong các lĩnh vực ngoài dầu mỏ, đi trước các nhà đầu tư và các công ty khác một bước.

Tehran chắc chắn sẽ mở rộng quan hệ đối tác với Bắc Kinh. Trong quá trình đàm phán về các lệnh trừng phạt, hoạt động đầu tư và thương mại từ Trung Quốc đã giúp Iran tránh được những điều tồi tệ nhất của cơ chế trừng phạt.

Tuy nhiên, nỗi lo sợ bị coi là người "chắp cánh" cho Iran cũng như đẩy các mối quan hệ đầu tư với Mỹ vào nguy hiểm đã ngăn Trung Quốc giúp đỡ Iran nhiều hơn nữa.

Khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ, Trung Quốc sẽ "rảnh tay" hơn trong việc thắt chặt thêm quan hệ với Iran, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà còn cả quân sự cũng như không gian mạng.

Tham vọng không thay đổi

Tehran từ lâu đã phải phụ thuộc vào Bắc Kinh về công nghệ. Mới đây, nước này đã kêu gọi cùng hợp tác nghiên cứu và phát triển, công nghệ thông tin, vũ trụ và viễn thông.

Iran cũng có thể sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ quân sự từ Trung Quốc, mặc dù việc hạn chế mua bán tên lửa và vũ khí trong khuôn khổ thỏa thuận hạt nhân có thể khiến sự hợp tác này bị trì hoãn.

Bắc Kinh đã từng tạo điều kiện để Tehran hiện đại hóa quân đội, ngay cả khi bị nghi ngờ chuyển giao công nghệ và thiết bị cho quốc gia Trung Đông này thông qua Triều Tiên.

Trong các cuộc đàm phán ở Vienna, Trung Quốc liên tục yêu cầu LHQ dỡ bỏ cấm cấm vận vũ khí với Iran.

Dù Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA) của P5+1 với Iran sẽ duy trì các lệnh cấm vận mua bán vũ khí và tên lửa thêm 5 - 8 năm nữa, thì theo Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, cả Nga và Trung Quốc đều vẫn sẽ không từ bỏ thỏa thuận về vũ khí với Iran.

Học giả Mỹ
Courtney Bliler
Bắc Kinh vốn chỉ có một vai trò hạn chế về thương mại ở Trung Đông, song việc hỗ trợ quân sự cho Tehran có thể mang lại cho nước này một chỗ đứng mới, với tầm ảnh hưởng lớn hơn trong khu vực, đặc biệt là tại vùng Vịnh.

Trung Quốc và Iran có lợi ích tương tự nhau, nhưng không đồng nhất. Cả 2 quốc gia đều có lợi ích chiến lược chung trong việc hình thành đối trọng với quyền bá chủ của Mỹ ở khu vực.

Trung Quốc muốn ngăn Mỹ xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương, nhưng nước này vẫn có lợi khi giữ khoảng cách với Iran.

Dù các lệnh trừng phạt được nới lỏng, song Trung Quốc vẫn không muốn tạo ra hiểm họa đối với hoạt động đầu tư và thương mại - vốn đang tiếp tục tăng trưởng với Mỹ và châu Âu - khi trở thành "đồng loã" với Iran trong các cuộc phiêu lưu gây mất ổn định trong khu vực.

Dù vậy, sự giàu có, sức mạnh, "phớt đời" và "thủ đoạn" nhằm gây ảnh hưởng trong khu vực vẫn khiến Bắc Kinh trở thành đối tác lý tưởng với Tehran.

Thế nhưng, tham vọng trong khu vực và quốc tế của Bắc Kinh sẽ không thay đổi.

Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong thỏa thuận P5+1, song phần lớn là bởi nước này biết họ có thể tận dụng các cuộc đàm phán đó để củng cố quan hệ lâu dài với Tehran và vị trí lâu dài của mình trong khu vực.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại