"Điệp khúc" Trung Quốc là "nạn nhân" ở Biển Đông
Các quân nhân Trung Quốc đã kịch liệt phản pháo phát biểu của Đô đốc Harry B. Harris Jr., Chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương (PACOM) tại Diễn đàn An ninh Aspen, tổ chức ở tiểu bang Colorado, Mỹ.
Đại tá Đỗ Văn Long thuộc Viện khoa học quân sự Trung Quốc trả lời phỏng vấn đài CCTV của nước này khẳng định hùng hồn: "Trung Quốc mới là nước bị hại ở Biển Đông."
Ông này không ngần ngại "đổi trắng thay đen" khi cho rằng: "Một số quốc gia trong khu vực đưa quân đội lên đồn trú ở các đảo, đá trên Biển Đông (mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi pháp-PV).
Đồng thời bọn họ còn bố trí pháo hạng nặng, xe tăng, máy bay trực thăng... hình thành các cơ sở hoàn chỉnh bảo đảm an ninh và chiến đấu.
Đây là những hành vi... xâm chiếm lãnh thổ Trung Quốc. Bắc kinh đã vô cùng kiềm chế đối với vấn đề này."
Tàu sân bay Mỹ hiện diện ở Biển Đông vào giai đoạn nhạy cảm khiến Trung Quốc "đứng ngồi không yên". (Ảnh tư liệu: Hoàn Cầu)
Trong khi đó, trên thực tế những hành động bành trướng và quân sự hóa các đảo nhân tạo một cách phi pháp và rõ ràng nhất lại đến từ chính Trung Quốc.
Các hình ảnh vệ tinh của Mỹ và phương Tây liên tục ghi nhận Trung Quốc hoàn thiện và bố trí các cơ sở hạ tầng hiện đại trên đảo nhân tạo.
Thậm chí, mới hôm 28/5, tờ Wall Street Journal còn công bố các hình ảnh cho thấy quân đội Trung Quốc đã đưa cả pháo cơ giới lên đảo nhân tạo. Thông tin này sau đó được nhà chức trách Mỹ xác nhận, khiến Bắc Kinh phải rút pháo vì... bẽ mặt.
Đỗ Văn Long tỏ ra lo lắng cho Trung Quốc khi nước này đang đứng trước nhiều sức ép và bị cộng đồng quốc tế cô lập.
"Tình hình Biển Đông diễn biến theo hướng phức tạp hóa. Mỹ và Nhật Bản lần lượt 'kéo nhau' vào khu vực này, đồng thời sự hiện diện ngắn hạn thường thấy trong quá khứ đang chuyển biến thành hiện diện dài hạn.
Bên cạnh đó, liên minh quân sự Mỹ-Nhật-Australia liên tiếp tổ chức tập trận trong khu vực châu Á-Thái bình Dương, khiến vấn đề Biển Đông thêm căng thẳng." - Đỗ bình luận trên Nhân dân Nhật báo.
Binh sĩ và vũ khí của Trung Quốc bố trí trên đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam). Ảnh: Hoàn Cầu.
Viên Đại tá này không quên nhắc lại "bài ca muôn thuở" mà truyền thông quốc tế đã chán ngán về việc "Hải quân Trung Quốc có quyền lợi bảo vệ chủ quyền quốc gia" trong khu vực.
Tuy nhiên, ông Đỗ đã hớ hênh khi có phát ngôn mâu thuẫn với chính sách và chiến lược toàn diện mà Trung Quốc vẫn tuyên truyền ở Biển Đông.
Đỗ khẳng định: "Các loại hoạt động, diễn tập quân sự mà Trung Quốc tiến hành trên Biển Đông, cũng như việc xây dựng các cơ sở hạ tầng đều có các mục tiêu/đối tượng để nhằm vào.
Trong các phương hướng tác chiến khác nhau, căn cứ theo yêu cầu khác nhau mà Trung Quốc sẽ chuẩn bị để bảo vệ lợi ích quốc gia tại Biển Đông."
Bình luận này hiển nhiên đi ngược lại với các rêu rao của Bắc Kinh rằng "Trung Quốc không có ý định quân sự hóa đảo nhân tạo và các cơ sở xây dựng chủ yếu nhằm phục vụ mục đích nghiên cứu, dân sự".
Đô đốc Harry Harris nhận định các đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép trên Biển Đông rất dễ công phá. Ảnh: Times Free Press.
Đô đốc Mỹ chê đảo nhân tạo "dễ công phá", tướng Trung Quốc cay cú
Đồng tình với quan điểm của Đỗ Văn Long, Thiếu tướng Hải quân Doãn Trác - một trong số nhân vật "diều hâu" Trung Quốc - tuyên bố "ngôn hành của Đô đốc Harris hoàn toàn khác với thái độ của chính phủ Mỹ và Lầu Năm Góc".
Tuy nhiên, ông Doãn không chỉ ra được "sự khác biệt" nói trên là ở chỗ nào.
Dù vậy, Doãn Trác vẫn mạnh miệng yêu cầu Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ "sửa chữa sai lầm của các Tư lệnh cấp dưới" sau khi Trung Quốc "chỉ ra sai sót".
Tại diễn đàn an ninh Aspen, Đô đốc Harry Harris đã quả quyết rằng "bản chất hành động xây đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông là nhằm mục đích quân sự".
Tướng Harris cũng không ngần ngại đánh giá "năng lực quân đội Mỹ có thể biến các đảo đá Trung Quốc chiếm trái phép thành mục tiêu tiêu diệt hết sức dễ dàng nếu có chiến sự".
Các phát biểu của ông Harris thực tế cũng phù hợp với những tuyên bố cứng rắn và lập trường rõ ràng của Washington cũng như Lầu Năm Góc về việc Bắc Kinh là thủ phạm gây bất ổn ở châu Á-Thái Bình Dương.
"Hành động của Bắc Kinh chẳng những phá hoại nghiêm trọng môi trường Biển Đông, mà còn đe dọa nguyên tắc chung duy trì an ninh khu vực được gìn giữ hàng chục năm nay." - Đô đốc Harris cho biết.