Nhà Hán học người Nga Bronislaw Vinogrodsky nhận định:
"Nghị quyết của Hội đồng Bảo An LHQ về việc giải quyết khủng hoảng Syria đã được nhất trí thông qua, định hướng cho bước đi nhất định, không gây xung đột.
Với tôi, Trung Quốc đang sử dụng thời điểm thuận lợi nhất để nói về việc giải quyết cuộc xung đột một cách hoà bình. Trung Quốc đã lựa chọn rất chính xác thời điểm, lập trường và vị trí cho những cuộc đàm phán".
Theo ông Vinogrodsky, chính phủ Trung Quốc làm vậy bởi mong muốn củng cố vai trò của mình trên trường quốc tế.
"Bắc Kinh đang di theo hướng tích cực tham gia vào vấn đề chính trị toàn cầu.
Trong thời gian gần đây, cuộc xung đột ở Syria đã trở thành trung tâm, thu hút sự chú ý của tất cả mọi người trên khắp thế giới, tất cả các sự kiện đều xoay quanh nó. Giờ đây, Bắc Kinh đang xuất hiện với vai trò rất tích cực".
Nghị quyết về việc giải quyết xung đột ở Syria đã được Hội đồng Bảo an LHQ thông qua ngày 18/12, theo đó, các cuộc đàm phán giữa Tổng thống Syria Bashar al-Assad và phe đối lập sẽ bắt đầu vào tháng 1/2016.
Trong vòng 6 tháng, chính quyền chuyển tiếp ở nước này sẽ được thành lập, và một cuộc bầu cử tự do sẽ diễn ra dưới sự giám sát của LHQ.
Sau đó, phát biểu tại LHQ, Ngoại trưởng Trung Quốc Hồng Lỗi đã lên tiếng tuyên bố muốn mời các đại diện của cả chính phủ và phe đối lập Syria tới tham gia các cuộc đàm phán ở Bắc Kinh, phá vỡ những chuỗi ngày im lặng ở vị thế "người ngoài cuộc" của nước này.
Ông Zhu Feng, phó Giám đốc Trung Tâm nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược tại Đại học Bắc Kinh thì cho rằng, Trung Quốc sẽ không can dự quá sâu vào việc giải quyết khủng hoảng ở Syria và cũng không gửi quân đội tới tham gia chiến dịch chống IS.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia lại nghi ngờ, Trung Quốc đang lợi dụng tình hình Trung Đông và cuộc đối đầu vẫn còn khá căng thẳng giữa Nga với phương Tây để thu lợi ích về cả kinh tế lẫn chính trị.