TQ bịa đặt bỉ ổi "Tàu VN đầu hàng", lính Trường Sa phẫn nộ

Tuấn Nam - Hải Võ |

Khi bước vào cuộc chiến sinh tử ở Trường Sa năm 1988, lá cờ duy nhất mà Đại tá Vũ Huy Lễ và đồng đội mang theo trên tàu HQ505 là cờ Tổ quốc.

LTS: Khi nói về Hải chiến Trường Sa 1988, giới quân sự và truyền thông Trung Quốc một mặt ngang nhiên thừa nhận những hành vi dã man, vô nhân tính của mình đối với lực lượng Việt Nam tham gia bảo vệ chủ quyền hợp pháp.

Mặt khác, họ cũng trắng trợn đưa ra những thông tin, lập luận hoàn toàn sai sự thật, đổi trắng thay đen nhằm đánh lạc hướng dư luận quốc tế, bôi nhọ Việt Nam trong cuộc chiến anh dũng cách đây 27 năm.

Trong bài viết dưới đây, chúng tôi xin được dẫn lại ý kiến phản bác đanh thép của những nhân chứng quan trọng, những quân nhân Việt Nam đã từng trực tiếp tham gia Hải chiến Trường Sa, để phản bác một trong những luận điệu trơ tráo như vậy từ phía Trung Quốc.

Trung Quốc bịa đặt: “Tàu HQ505 giương cờ trắng đầu hàng”

Ai cũng biết, trong buổi sáng bi tráng 14/3/1988, tàu HQ505 của thuyền trưởng Vũ Huy Lễ nhận lệnh đến đảo Cô Lin để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ đảo.

6h30 sáng, sau khi tàu HQ 604 bị bắn chìm, tàu chiến Trung Quốc quay sang dùng pháo 100mm bắn dữ dội vào HQ505. Tàu bị trúng đạn, hỏng máy trôi ra xa, bốc cháy dữ dội.

Trong thời khắc sinh tử ấy, thuyền trưởng Vũ Huy Lễ đã có một quyết định sáng suốt: Dốc toàn lực sửa chữa máy, đưa tàu lên bãi cạn để giữ đảo, giữ tàu.

Con tàu trở thành một pháo đài khổng lồ, hiên ngang án ngữ lối lên đảo Cô Lin.

Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ và 9 đồng chí đã ở lại cùng tàu, kiên cường bám trụ, sẵn sàng chống trả mọi hành động xâm lược từ phía Trung Quốc, mãi gần 2 tháng sau mới rút về. Nhờ vậy, ta giữ được Cô Lin.

Thế nhưng, cuộc chiến đấu kiên cường, trước kẻ địch đông hơn nhiều lần, được trang bị mạnh và đầy dã tâm của tàu HQ505 lại bị các tướng lĩnh và giới truyền thông Trung Quốc xuyên tạc một cách bỉ ổi.

Một bài viết đăng trên trang Quân sự của Sina lại mô tả, khi bị pháo Trung Quốc bắn dồn dập, “thuyền trưởng Vũ Huy Lễ nhận thấy tình hình bất ổn bèn lựa chọn phương án... bỏ chạy.

...Trước sự tấn công dồn dập, tàu vận tải HQ505 bốc cháy 2/3, gần như trở thành một đống lửa lớn.

Vũ Huy Lễ bất đắc dĩ phải phất cờ trắng và tấp lên Đá Cô Lin, huy động công binh cứu hỏa. Bọn họ không còn tinh thần chiến đấu nữa".

Tờ này còn bịa đặt rằng “chiều 14/3, tại hải vực gần Đá Cô Lin, "khi tàu vận tải HQ505 bốc cháy, mắc cạn trên Đá Cô Lin thì thuyền trưởng Vũ Huy Lễ chỉ biết đứng nhìn, nước mắt lưng tròng”.

Sina cũng không quên “tán dương sự độ lượng của Trung Quốc” (dù điều đó hoàn toàn khác xa thực tế) khi ngạo nghễ tuyên bố rằng “được sự cho phép của Trung Quốc, ông Vũ Huy Lễ chớp thời cơ giữ Đá Cô Lin.

Về sau, cũng dưới sự cho phép của Trung Quốc, hải quân Việt Nam mới điều tàu ra kéo HQ505 về Cam Ranh”.

Một bài viết khác của báo điện tử China.com cũng dùng những lời lẽ xảo trá để bôi nhọ hành động vệ quốc, giữ đảo anh dũng của Đại tá Vũ Huy Lễ cùng các chiến sĩ.

Tờ này viết: “9h đúng, tàu đổ bộ HQ505 của hải quân Việt Nam cuối cùng đã treo cờ trắng.

Tàu HQ505 do Trung Quốc viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam vào tháng 3/1974. 14 năm sau, những vật dụng trên tàu như bát đĩa, cốc trà, bàn ghế vẫn còn in hàng chữ ‘Hạm đội Nam Hải - Hải quân nhân dân Trung Quốc’.

Tuy nhiên, lá cờ trắng đầu hàng là của chính Việt Nam”.

“Lá cờ duy nhất HQ505 mang theo là cờ Tổ quốc”

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Vũ Huy Lễ khẳng định những thông tin do phía Trung Quốc nói về việc tàu HQ505 giương cờ trắng đầu hàng là hoàn toàn bịa đặt.

Đại tá Lễ khẳng định, trên tàu khi đó không hề có lá cờ trắng nào. Lá cờ duy nhất mà ông và các đồng đội mang theo vào cuộc chiến sinh tử là cờ Tổ quốc.

Ông kể lại: “Khi nhìn sang Đá Gạc Ma, thấy Trung Quốc bắn đồng chí, đồng đội của mình, tôi đã huy động anh em trên tàu HQ505 vào vị trí và cho nhổ neo khẩn cấp để cơ động chiến đấu với Trung Quốc".

Đại tá Lễ khẳng định không bao giờ có chuyện ông và các đồng đội bỏ chạy, dù chỉ là thoáng qua trong ý nghĩ.

Khi chúng tôi cơ động chiến đấu thì Trung Quốc cho 2 tàu pháo bắn xối xả sang phía chúng tôi khiến máy tàu hỏng, không hoạt động được nữa. Lúc đó, tàu bị trôi ra xa đảo”, ông nói.

Về vấn đề này, Đại úy Nguyễn Huy Cường - Nguyên Thuyền phó 2 tàu HQ505 khi đó rất bức xúc và khẳng định với chúng tôi: “Làm sao có thể có chuyện chúng tôi bỏ chạy và giương cờ trắng như vậy được. Đó hoàn toàn là lời xuyên tạc trắng trợn”.

Phỏng vấn các chiến sĩ trên tàu HQ505, con tàu mặc dù đã bị lính Trung Quốc bắn cháy vẫn lao lên đảo Cô Lin giữ đảo, khẳng định chủ quyền của Việt Nam. Ảnh: Báo Đà Nẵng

Phỏng vấn các chiến sĩ trên tàu HQ505, con tàu mặc dù đã bị lính Trung Quốc bắn cháy vẫn lao lên đảo Cô Lin giữ đảo, khẳng định chủ quyền của Việt Nam. Ảnh: Báo Đà Nẵng

“Làm sao có thể chỉ đứng nhìn rồi nước mắt lưng tròng...”

Bằng thái độ bình thản của một người đã từng vào sinh ra tử, quá quen với những mưu chước và tâm địa của kẻ thù, Đại tá Lễ khẳng định thông tin mà Sina mô tả về ông là “nước mắt lưng tròng, chỉ biết đứng nhìn khi tàu bốc cháy, mắc cạn trên Đá Cô Lin” cũng là bịa đặt.

Khi lên đảo, tôi chắc chắn tàu không thể chìm được và lực lượng của mình không thể hi sinh hết được nên phải tổ chức chữa cháy để đảm bảo an toàn cho anh em và tàu không bị thiệt hại nặng.

Anh em tổ chức cứu chữa, băng bó cho thương binh nên làm sao có chuyện tôi đứng trơ ra mà nhìn. Lúc đó tôi đứng ra tổ chức triển khai nhiệm vụ tiếp theo của đơn vị.

Trong hoàn cảnh như thế, ý chí chiến đấu trong tôi cũng như những người lính khác rất mạnh mẽ thì làm sao có thể đứng nhìn rồi nước mắt lưng tròng được”.

Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ (người đeo quân hàm) và các chiến sĩ tàu HQ505. Ảnh tư liệu Quân chủng Hải quân

Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ (người đeo quân hàm) và các chiến sĩ tàu HQ505. Ảnh tư liệu Quân chủng Hải quân

Theo lời Đại tá Lễ thì cũng không có chuyện tàu HQ505 được “Trung Quốc viện trợ cho Việt Nam và đến năm 1988, khi tàu bị bắn phải lao lên Đá Cô Lin thì mọi vật dụng trên tàu đều mang chữ ‘Hải quân nhân dân Trung Quốc’...

Tàu HQ505 của chúng tôi là tàu vận tải đổ bộ loại LST của Mỹ được sản xuất từ năm 1944.

Tàu lớn, dài gần 100m, rộng khoảng 28m, được chúng tôi tiếp quản sau khi giải phóng miền Nam năm 1975. Sau khi đi học bên Liên Xô về năm 1982, tôi được giao làm Thuyền trưởng HQ505”, ông Lễ cho biết.

Sự độ lượng của Trung Quốc là thế này sao?

Tự nhận là “chính nghĩa”, “độ lượng”, trang Sina Trung Quốc viết rằng “Được sự cho phép của Trung Quốc, ông Vũ Huy Lễ chớp thời cơ giữ Đá Cô Lin...”

Thế nhưng, cũng chính trang này, khi đăng bài phỏng vấn Từ Hữu Pháp - Chính ủy tàu 531 Trung Quốc, một trong những con tàu hung hăng nhất trong việc bắn giết các chiến sĩ Việt Nam khi đó đã ghi lại lời Từ, rằng: “Mắc cạn cũng phải tiếp tục đánh.

Nếu không đánh tôi sợ sẽ có vấn đề về sau nếu như tàu Việt Nam vẫn còn khả năng di chuyển. Chúng tôi tiếp tục bắn, hỏa lực rất mạnh...

Thậm chí, tàu Trung Quốc còn xả súng ác liệt vào những người lính Việt Nam tay không tấc sắt đang trôi dạt trên biển và những người đi tìm kiếm, cứu, vớt đồng đội.

Đại tá Lễ kể: “Sau khi tàu HQ505 đã ủi bãi thành công, nhìn sang bên đảo Gạc Ma thấy đồng chí, đồng đội nhấp nhô trên đảo và một số trôi dạt trên biển nên chúng tôi quyết định đưa xuồng máy đi cứu vớt anh em về.

Lúc đó, trong mình chỉ có một tình cảm đồng chí, đồng đội trào dâng. Anh em bị đánh như vậy, tàu thì chìm, bằng mọi giá mình phải cứu, vớt để giảm thương vong.

Khi đó, quân Trung Quốc dùng súng bắn chặn đầu nhằm cản trở việc cứu đồng đội của chúng tôi.

Một số anh em khi được cứu về đều nói rằng Trung Quốc đã dùng xuồng máy và dùng súng 12,7 ly bắn lính Việt Nam khi anh em trôi dạt nên nhiều người đã chết.

Vì như thế, anh em đã phải lặn xuống phía dưới những mảnh gỗ trôi nổi, nếu nhô đầu lên là bị bắn chết. Quân Trung Quốc ngày đó rất dã man”.

Có quy ước nào trong chiến tranh, hay quy ước nào trong lương tâm con người cho phép họ nhằm bắn vào những người không mang vũ khí, hoàn toàn không còn khả năng tự vệ. Thế nhưng, trong Hải chiến Trường Sa, lính Trung Quốc còn ra tay tàn bạo hơn thế.

Đại tá Nguyễn Văn Dân, nguyên phó tham mưu trưởng Vùng 4 Hải quân cho biết ngày 14/3/1988, ông đang ở trên tàu HQ614 từ đảo Đá Đông chạy đến Gạc Ma.

Khi tàu đến nơi thì trận chiến đã kết thúc. “Chúng tôi quay ra tìm kiếm anh em của ta nhưng tàu chiến Trung Quốc liên tục ngăn cản.

Lính Trung Quốc quá dã man! Họ dùng súng 37 ly, vốn chỉ dùng cho phòng không, hạ nòng xả vào chiến sĩ của ta đang trôi dạt trên biển không hề bắn trả. Họ còn nổ súng cản trở tàu ta làm nhiệm vụ cứu thương dù chúng tôi đã treo cờ chữ thập đỏ...

Sự “độ lượng”, “chính nghĩa” trong Hải chiến Trường Sa mà báo Trung Quốc vẫn rao giảng mấy chục năm qua là thế này sao?

Xem thêm video tư liệu hiếm về tàu HQ505 ngay sau Hải chiến Trường Sa 1988. (Nguồn Tuổi trẻ TV)

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại