Mặt trái của bước nhảy vọt kinh tế ngoạn mục của Trung Quốc trong vài thập kỉ qua là việc quốc gia này đã trở thành một trong những "chúa chổm" hàng đầu thế giới.
Nhưng nếu như những khoản nợ khổng lồ này có thể được kiểm soát bằng một nền kinh tế tăng trưởng ổn định, thì với sự chững lại trông thấy trong những năm gần đây, liệu nền kinh tế lớn thứ hai thế giới (theo GDP) có rơi vào một cuộc khủng hoảng nợ?
Bong bóng nhà đất và mối hiểm họa từ các ngân hàng "ngầm"
Trang phân tích các vấn đề kinh tế chính trị xã hội châu Á The Diplomat cho biết, theo một bản báo cáo mới đây của Viện Nghiên cứu Kinh tế Toàn cầu McKinsey (MGI), khoản nợ của Trung Quốc tính tới giữa năm 2014 đã ở mức 28 nghìn tỉ USD.
Con số này nhiều hơn bốn lần so với cùng kì năm 2007, bằng 282% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). MGI phân tích, theo đà này, khoản nợ của Trung Quốc sẽ bằng 400% GDP vào năm 2018, tương đương mức hiện tại của Tây Ban Nha.
Bản báo cáo này cũng cho biết, ngoài những con số nói trên, có một vài điểm đáng lo ngại như sau:
- Một nửa khoản vay của Trung Quốc xuất phát từ thị trường bất động sản
- Hệ thống ngân hàng "ngầm" (shadow banking) chiếm gần nửa số vốn vay mới
- Đa số các khoản nợ của chính quyền địa phương không có triển vọng bền vững
Theo đó, từ năm 2008, giá nhà đất đã tăng 60% tại 40 đô thị Trung Quốc, trong đó giá nhà tại một số vị trí "đắc địa" của Thượng Hải chỉ kém 10% so với những siêu đô thị đắt đỏ như New York hay Paris.
Thị trường nhà đất Trung Quốc: Bong bóng sắp vỡ? Ảnh: Google Images
Các nhà phân tích cho rằng, thị trường nhà đất chùng xuống trong thời gian dài sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực tới ngành công nghiệp xây dựng hiện đang chiếm 15% tỉ trọng GDP Trung Quốc.
Ngoài ra, ngân hàng thương mại tại các thành phố lớn cũng sẽ phải gánh chịu hậu quả không nhỏ, khi mà các khoản vay nhà đất chiếm tới 30% danh mục cho vay của họ.
Xét đến những con số cụ thể, hiện có không dưới 9.000 tỉ USD tiền nợ hiện có liên quan tới bất động sản, phần lớn trong số đó là các khoản vay từ hệ thống ngân hàng "ngầm" (6.500 tỉ USD).
Thêm nữa, thị trường nhà đất chững lại cũng làm tăng nguy cơ vỡ nợ đối với các chính quyền địa phương, khi mà 40% nguồn tiền dùng để trang trải nợ nần của họ xuất phát từ buôn bán đất đai.
Từ năm 2007 tới nay, lượng vay của các chính quyền địa phương Trung Quốc đã tăng 27%, tức là hơn 2,5 lần so với chính phủ.
Theo một bản báo cáo của Standard & Poor tháng 11 năm ngoái, một nửa số tỉnh nước này hiện đang bị đánh giá dưới hạng đầu tư (investment grade), phần lớn trong số đó có tỉ số nợ trên thu nhập (debt-to-revenue ratio) ở mức trên 100%.
Trước tình hình này, một chính sách điều chỉnh giá nhà đất đã và đang được áp dụng tại 40 đô thị Trung Quốc, giảm 14% giá trị các giao dịch bất động sản từ tháng 4/2013 tới tháng 8/2014, trong khi con số này tại Bắc Kinh và Thượng Hải lần lượt là 33% và 21%.
Nghiên cứu của MGI cũng cho biết, nền kinh tế Trung Quốc là "tác giả" của 1/3 lượng bùng phát nợ toàn cầu từ năm 2007, với "thủ phạm" lớn nhất là khoản vay của các doanh nghiệp phi tài chính, trong đó có các công ty phát triển nhà đất.
Ở mức 125% GDP, Trung Quốc đang sở hữu một trong những khoản nợ doanh nghiệp lớn nhất trên thế giới. Và theo MGI, "khoản nợ tăng nhanh thường là tiền đề của các cuộc khủng hoảng tài chính".
Mối lo ngại thường trực hiện nay đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, là sự kết hợp của một thị trường nhà đất thiếu khởi sắc cùng các khoản nợ khó bền vững của chính quyền địa phương sẽ tạo nên một làn sóng vỡ nợ trên khắp các tỉnh thành Trung Quốc.
Viễn cảnh này, nếu trở thành hiện thực, sẽ tàn phá hệ thống ngân hàng Trung Quốc và nhiều khả năng sẽ khiến nhà đầu tư và công ty có vốn tại các ngân hàng "ngầm" thua lỗ nặng.
Điều này tuy không ảnh hưởng nhiều tới nền kinh tế toàn cầu do tài khoản vốn của Trung Quốc chưa được tự do hóa hoàn toàn, nhưng sẽ gây tác động trực tiếp tới sự tăng trưởng của các đối tác trao đổi hàng hóa với Trung Quốc trong khu vực.
Theo một số nguồn tin của The Diplomat, Bắc Kinh đang hướng tới một mục tiêu tăng trưởng mới (7%) cho năm 2015. Nhưng các nhà kinh tế học cho rằng, mức này vẫn sẽ là một thách thức cho nền kinh tế Trung Quốc.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây đã hạ mức dự đoán tăng trường GDP của Trung Quốc xuống 6,8% cho năm 2015, trong khi khoa Kinh tế trường đại học Oxford cho rằng sau năm 2015, kinh tế Trung Quốc sẽ không còn có thể tăng trưởng trên mức 6%.
Hôm 28/2 vừa qua, Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay xuống 0,25 điểm phần trăm. Sự mong manh của kinh tế nước này cũng được thể hiện qua việc chỉ số sản xuất ở dưới mức 50 trong hai tháng liên tiếp.
Nhận xét về việc cắt giảm này, Tổ chức nghiên cứu ANZ cho rằng đây là một biện pháp nhằm "chống trả việc tăng trưởng chậm, nguy cơ lạm phát cao và phí vay cho doanh nghiệp tăng", khi Trung Quốc đang phải đối mặt với một dòng chảy vốn đáng kể.
Giải pháp
Theo nhà kinh tế học Liu Li-gang của viện nghiên cứu ANZ, các công ty Trung Quốc hiện đang có 1.000 tỉ USD nợ nước ngoài, 80% trong đó là vốn vay mượn từ các thị trường ngắn hạn. Tỉ giá thấp hơn cũng làm gia tăng chi phí trả nợ cho các công ty này.
Viện nghiên cứu ANZ cũng cho biết, họ dự kiến ngân hàng trung ương Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm lãi suất, cùng với đó là tăng thâm hụt ngân sách, từ 1,9% GDP trong năm 2014 lên mức 2,2% trong năm nay, để đạt mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.
Còn theo MGI, Bắc Kinh có thể tránh khủng hoảng nợ bằng cách ổn định tình hình tài chính tại các chính quyền địa phương, ví dụ như cho họ quyền áp đặt thuế nhà đất.
Một số phương án khác bao gồm đảm bảo giữ vững xếp hạng tín dụng và tăng tính minh bạch trong hệ thống tài chính.
Cụ thể hơn, đó là cải thiện hệ thống dữ liệu nhà đất, đơn giản hóa thủ tục phá sản, và tiếp tục tự do hóa hệ thống tài chính để giảm lệ thuộc vào các khoản tiền gửi ngân hàng và bất động sản, cũng như tạo ra một "phương án B" khả thi hơn.
Về phần mình, Bắc Kinh đã bắt đầu kiểm soát chặt chẽ hơn các khoản vay mượn của chính quyền địa phương, trong đó có việc bắt buộc các tỉnh thành phải ghi lại đầy đủ các dự án phi lợi nhuận.
Tuy nhiên, theo MGI, dù Trung Quốc trên giấy tờ hoàn toàn có khả năng chống chọi lại một cuộc khủng hoảng tài chính, câu hỏi được đặt ra là, liệu Trung Quốc có thể làm được điều đó mà không chịu nhiều tổn thất về mặt tăng trưởng GDP.
Một mặt lo ngại nguy cơ bị "sờ gáy" trong chiến dịch chống tham nhũng, mặt khác phải hoàn thành nhiệm vụ tránh khỏi một cuộc khủng hoảng tài chính, 2015 sẽ là một năm "đau đầu" đối với các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc.