Tổng thống Obama gặp Đạt Lai Lạt Ma, chọc giận Trung Quốc

Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố với nhà sư Tây Tạng lưu vong Đạt Lai Lạt Ma rằng Mỹ không ủng hộ Tây Tạng độc lập, nhưng ủng hộ tự do tôn giáo, nhân quyền, tự do ngôn ngữ…

Theo New York Times, cuộc gặp này diễn ra đã khiến Trung Quốc tức giận, dù Bộ Ngoại giao Trung Quốc yêu cầu huỷ cuộc gặp và doạ rằng quan hệ hai nước sẽ bị ảnh hưởng.

Chỉ một nhượng bộ khiêm tốn nhất Mỹ dành cho Trung Quốc là cuộc gặp Barack Obama - Đạt Lai Lạt Ma không diễn ra ở phòng Bầu dục mà ở phòng Bản đồ tại Nhà Trắng.

Báo chí không được tham dự cuộc gặp kéo dài 45 phút này. Hình ảnh và thông tin được Nhà Trắng cung cấp sau đó.

Theo đó, tại cuộc gặp, Tổng thống Obama khẳng định Mỹ phản đối việc Tây Tạng độc lập và xem Tây Tạng là một phần của Trung Quốc. Ông Obama ủng hộ các quyền và tự do tôn giáo của người Tây Tạng tại Trung Quốc, công nhận cách tiếp cận trung dung của Đạt Lai Lạt Ma, trong đó kêu gọi không đồng hóa cũng như không đòi độc lập cho Tây Tạng.

Tổng thống Mỹ cũng nêu lên vấn đề các nhà sư ở Tây Tạng tự thiêu phản đối chính quyền Trung Quốc.

Kết thúc cuộc gặp, Tổng thống Mỹ kêu gọi chính quyền Trung Quốc nối lại các cuộc đối thoại với Đạt Lai Lạt Ma, đang sống lưu vong ở Ấn Độ.

Việc Tổng thống Mỹ tiếp đón Đạt Lai Lạt Ma tại Nhà Trắng cho thấy Mỹ rõ ràng phớt lờ các cảnh báo và phản đối của Trung Quốc về chuyện này, tương tự hai lần trước đó khi Mỹ tiếp vị sư này vào các năm 2010 và 2011.

Nhưng lần này, trái ngược với các cuộc gặp trước, Nhà Trắng dường như bình tĩnh hơn từ gánh nặng ngoại giao qua chuyến thăm của Đạt Lai Lạt Ma, khi Mỹ đang cứng rắn hơn với Trung Quốc liên quan các tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc trước đó nói rằng cuộc gặp của Tổng thống Mỹ với nhà sư Đạt Lai Lạt Ma là “can thiệp chuyện nội bộ” của Trung Quốc, vì Trung Quốc cho rằng vị sư này gây bất ổn tại Tây Tạng.

Theo các nhà phân tích, trước các vấn đề lớn như Iran, biến đổi khí hậu và thương mại, quyết định của Trung Quốc về việc có hợp tác với Mỹ hay không đã chẳng mấy tác động đến việc ông Obama gặp Đạt Lai Lạt Ma. Các tổng thống Mỹ đã gặp nhà sư Tây Tạng này đều đặn kể từ thời tổng thống George Bush (cha).

Ngoài ra, hành trình của tổng thống Obama trong tháng 4 tới đây lại là một thách thức hơn nữa với Trung Quốc. Trong tháng 4.2014, ông Obama sẽ đến thăm bốn nước châu Á gồm Nhật Bản, Malaysia, Philippines và Hàn Quốc - tất cả đều có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Hoa Đông và Biển Đông.

Philippines đã nộp đơn kiện lên Tòa án của Liên Hiệp Quốc về tranh chấp với Trung Quốc trong vùng biển Đông, trong khi Nhật Bản và Trung Quốc đang căng thẳng cao độ về tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Mỹ trong một thời gian dài đã thể hiện quan điểm rõ ràng về các tranh chấp này, nay đang công khai yêu cầu Trung Quốc phải theo các cuộc đàm phán đa phương và theo các tiêu chuẩn quốc tế về giải quyết tranh chấp. Đó sẽ là nội dung chính trong thông điệp của ông Obama khi ông đến thăm lại khu vực này kể từ cuối năm 2012 đến nay.

Nhận xét về các động thái quyết đoán gần đây của Mỹ với Trung Quốc, ông Robert J. Barnett, giám đốc Chương trình nghiên cứu Tây Tạng hiện đại (Đại học Columbia, Mỹ) nói: "Có một sự thay đổi lớn trong môi trường quốc tế. Người Mỹ đã bước ra khỏi bóng tối và nói rằng sự quyết đoán của Trung Quốc trong các vấn đề hàng hải là mang tính gây rối. Sau nhiều năm thận trọng, nay Mỹ đang lên tiếng”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại