Tổng thống Nga Putin đại thắng Tổng thống Mỹ Obama

Bảo Vĩnh |

Thỏa thuận ngưng bắn một tuần ở Syria được thông qua tại Hội nghị an ninh Munich được các báo Mỹ ghi nhận là chiến thắng của Tổng thống Nga Putin trước Tổng thống Mỹ Obama.

Báo Newsweek có bài viết “Chiếu tướng ở Syria: Nga làm chủ bàn cờ thế nào”, trong khi tờ The Wall Street Journal (WSJ) dùng tựa “Chiến thắng ở Syria của Putin”, nói rằng Tổng thống Mỹ Barack Obama mất 5 năm để nhấn mạnh việc không có giải pháp quân sự nào cho nội chiến Syria.

Nhưng kết quả tại Hội nghị an ninh ở Munich (Đức) hôm 12.2 là “sự kết thúc những hành động thù địch”, cho thấy Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chứng minh ông Obama sai.

Trên lý thuyết, thỏa thuận ngưng bắn mà Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đàm phán với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov sẽ giúp kết thúc cuộc chiến trên cả Syria trong một tuần và cho phép lực lượng giúp đỡ nhân đạo vào Syria.

Thỏa thuận này được cho là sẽ giúp nối lại đàm phán hòa bình, vốn bị sụp đổ trong tháng 2, khi chế độ Tổng thống Syria Bassar Assad gây sức ép tấn công quân nổi dậy với sự yểm trợ của máy bay Nga.

Trên thực tế, đây lại là một chiến thắng khác của Nga.

Máy bay Nga tăng cường ném bom thành phố Aleppo, buộc hàng ngàn dân thường sơ tán đến biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, thông qua một hành lang hiện nằm ngoài tầm kiểm soát của chế độ Assad.

Ông Lavrov nói thời hạn ngưng bắn một tuần là cần thiết để xác định các “phương thức” ngưng bắn, nhưng lý do thật là để chế độ Assad hoàn tất việc bao vây Aleppo đang do quân nổi dậy kiểm soát, theo WSJ.

Như vậy, máy bay Nga sẽ có một tuần không kích vào quân nổi dậy dù rằng các nhà ngoại giao quốc tế kêu gọi chấm dứt các hành động thù địch.

Các nhà quan sát và phân tích quân sự nói rằng ông Putin đang sử dụng “chiêu bài” quen thuộc.

Một năm trước, quân ly khai thân Nga ở đông Ukraine tăng cường tấn công tổ hợp đường sắt chiến lược Debaltseve, ngay sau khi thỏa thuận ngưng bắn do châu Âu làm trung gian bắt đầu có hiệu lực.

Họ vây quân chính phủ Ukraine ở một góc thành phố này, một động thái mà người Nga gọi là “đóng ấm đun nước”.

Igor Sutyagin, nhà nghiên cứu cấp cao về Nga ở tổ chức nghiên cứu an ninh - quốc phòng Royal United Services Institute (Anh) nói rằng chiến lược này cho phép ông Putin giữ vai trò kiến tạo hòa bình, đồng thời gây sức ép bằng một chiến dịch đánh phủ đầu.

Thỏa thuận ngưng bắn không ngăn cản cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) và Mặt trận al-Nusra (một nhánh con của Al-Qaeda), theo ông Kerry.

Theo WSJ, điều này có nghĩa ông Putin vẫn rộng thời gian thực hiện thành công các mục tiêu chiến lược và quân sự.

Khả năng thành phố lớn nhất Syria là Aleppo thất thủ, cùng việc các lực lượng nổi dậy khác ở tây Syria phải buông súng, sẽ giúp ông Assad củng cố lực kiểm soát ở phần đất màu mỡ, đông dân nhất nước.

Lúc đó, cuộc đàm phán hòa bình trong tháng 3 có thể “đông lạnh” cuộc nội chiến ở tại chỗ, một chiến thuật mà Nga sử dụng để giành lợi thế sau thỏa thuận ngưng bắn ở đông Ukraine năm 2015.

Nga sẽ có thể xử lý quân khủng bố IS sau, trong khi chế độ của Tổng thống Assad có thể nhờ vào các cuộc không kích của Mỹ làm giảm khả năng của quân khủng bố IS, để ông Assad xử lý các đối thủ trực tiếp hơn.


Hai Ngoại trưởng Nga - Mỹ sau cuộc họp báo thông báo thỏa thuận ngưng bắn

Hai Ngoại trưởng Nga - Mỹ sau cuộc họp báo thông báo thỏa thuận ngưng bắn

Đây không phải là “Nga bị sa lầy” như ông Obama từng dự báo hồi năm ngoái, khi Moscow quyết định can thiệp quân sự vào Syria.

WSJ nói rằng ông Putin từng đánh cược là sẽ không để chế độ Assad bị lật đổ bằng cách mở các cuộc không kích.

Nay với thỏa thuận ngưng bắn, ông Putin cứu được ông Assad, củng cố chế độ Assad và loại bỏ bất kỳ nỗ lực nào muốn ông này phải ra đi, như một điều kiện cho cuộc đàm phán hòa bình.

Giáo sư Andranik Migranyan của Học viện quốc gia quan hệ quốc tế (nơi đào các quan chức ngoại giao hàng đầu của nước Nga) nói: “Chiến lược của Nga là đàm phán từ vị thế mạnh mẽ vì chế độ Assad”.

Ông Putin đã củng cố được vị thế chiến lược của Nga ở phía đông Địa Trung Hải, bằng một cuộc can thiệp quân sự mạnh mẽ nhưng hạn chế, tránh thương vong.

Ông cũng củng cố quan hệ với Iran, chứng minh với thế giới Hồi giáo rằng ông là một thế lực xứng đáng được công nhận.

Các nước theo đạo Hồi dòng Sunni như Ai Cập, Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã phải ngưng phản đối "ván cờ" của ông Putin.

Nga cũng giành được tầm ảnh hưởng ngoại giao mà ông Putin sẽ tận dụng để buộc Mỹ và châu Âu phải có thêm các nhượng bộ.

Nhiều khả năng là châu Âu và Mỹ sẽ nới lỏng lệnh cấm vận, một khi họ đã dần chấp nhận việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại