Trung Quốc đang chịu rủi ro vì "cơ chế kép" đối với Triều Tiên

Hải Võ |

Trong nhiều thập kỷ qua, xã hội quốc tế đều nhìn nhận Trung Quốc là nước viện trợ hàng đầu cho CHDCND Triều Tiên, thậm chí xem Bắc Kinh là "chuẩn đồng minh" của Bình Nhưỡng.

Hai cơ quan cùng tham gia vấn đề ngoại giao với Triều Tiên

Hàng loạt dấu hiệu quan hệ lạnh nhạt giữa song phương, điển hình trong vòng hơn 1 tháng qua là vụ Triều Tiên thử hạt nhân ngày 6/1 và phóng tên lửa tầm xa hôm 7/2, khiến dư luận phải nghi ngờ "sự hữu nghị Trung-Triều có phải chỉ là giả".

Trang Đa Chiều (Mỹ) cho biết, trên thực tế ở Trung Quốc tồn tại "cơ chế kép" trong chính sách quan hệ với Triều Tiên.

Theo đó, Ban liên lạc đối ngoại trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc (Ban liên lạc) cùng Bộ ngoại giao Trung Quốc có đóng góp khác nhau, trong phạm vi riêng của mỗi cơ quan, nhằm đạt được lợi ích cho Bắc kinh.

Dù vậy, trong vấn đề Triều Tiên, tiếng nói uy quyền chủ yếu đến từ Ban liên lạc, trong khi cơ quan ngoại giao chính thức của hai nước chỉ đóng vai trò trao đổi, kết nối về hình thức, thủ tục.

Cơ quan thuộc ĐCSTQ thường đi trước trong việc trao đổi, hiệp thương các hạng mục chính sách với Bình Nhưỡng, sau đó mới phản ánh trong các chính sách liên quan của Bộ ngoại giao.

Theo Đa Chiều, quan hệ Trung-Triều là một trường hợp đặc biệt trong lĩnh vực ngoại giao của Trung Quốc.

Một trường hợp đáng chú ý là vụ ban nhạc nữ Triều Tiên Moranbong hủy buổi diễn tại Bắc Kinh theo dự kiến từ 12-14/12/2015 và bỏ về nước chiều 12/12.

Khi trả lời về hoạt động của Moranbong hôm 9/12, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc cho hay: "Đối với vấn đề thăm và biểu diễn hữu nghị của đoàn văn nghệ Triều Tiên, tôi không nắm được lịch trình cụ thể".

Các thông tin sau khi Moranbong bỏ về Triều Tiên cho thấy sáng 12/10, Trưởng Ban liên lạc trung ương Trung Quốc Tống Đào đã đích thân tới Khách sạn dân tộc Bắc Kinh, nơi ban nhạc này ở, để thảo luận và thuyết phục họ ở lại biểu diễn.

Chiều cùng ngày, tiền nhiệm của ông Tống là ông Vương Gia Thụy - người có kinh nghiệm nhiều năm đàm phán với đảng Lao động Triều Tiên về vấn đề hạt nhân bán đảo - cũng tới đàm phán hơn 90 phút với phía Triều Tiên, nhưng không thay đổi được tình hình.

Tuy nhiên, các diễn biến này cho thấy sự "lệch pha" giữa các cơ quan của Trung Quốc trong vấn đề đối ngoại với Bình Nhưỡng.

Lợi và hại của "cơ chế kép"

Ban liên lạc trung ương Trung Quốc là cơ quan trực thuộc Trung ương ĐCSTQ, có nhiệm vụ chủ yếu là triển khai hoạt động ngoại giao về mặt đảng.

Do bối cảnh lịch sử cũng như mối quan hệ cấp cao được duy trì giữa ĐCSTQ và đảng Lao động Triều Tiên như một truyền thông, Ban liên lạc - một cách tự nhiên - đã giữ vai trò và tiếng nói lớn hơn Bộ ngoại giao trong quan hệ với Triều Tiên.

Trong tình hình quan hệ Trung-Triều lạnh nhạt, các cơ quan chính phủ hai nước gần như không thể trao đổi và hợp tác hiệu quả với nhau. Trung Quốc chỉ có thể truyền đạt ý kiến và thu nhận thông tin nhằm điều chỉnh chính sách thông qua Ban liên lạc.

Đa Chiều cho hay, trong giai đoạn cầm quyền của nhà lãnh đạo Kim Jong Il, ông Kim chỉ tin tưởng Ban liên lạc trung ương Trung Quốc mà không thừa nhận Bộ ngoại giao Trung Quốc.

Điều này lý giải nguyên nhân nhà lãnh đạo Triều Tiên thăm Trung Quốc rất nhiều lần, nhưng đều là các chuyến thăm không chính thức, và cơ quan phụ trách hoạt động này không phải là Bộ ngoại giao.

Khoảng 10 năm trở lại đây, Ban liên lạc đã đóng vai trò chủ đạo trong duy trì quan hệ Trung-Triều, nhưng theo Đa Chiều, điều này là "rất không bình thường" trong lĩnh vực ngoại giao giữa các quốc gia hiện đại và khó tránh khỏi mâu thuẫn giữa Bộ ngoại giao và Ban liên lạc.

Khi tình hình quốc tế thay đổi và vấn đề hạt nhân Triều Tiên trở thành trọng điểm quan tâm của các cường quốc phương Tây từ vài năm qua cho đến sau vụ thử hạt nhân mới đây, vai trò của Bộ ngoại giao Trung Quốc mới được nâng cao.

Đặc biệt, vị thế của Bộ ngoại giao Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên được đề cao dần kể từ khi ông Tập Cận Bình trở thành lãnh đạo nước này.

Theo giới quan sát quốc tế, ông Tập đang nỗ lực thực hiện chính sách chuyển hóa "quan hệ đồng minh hữu nghị máu thịt" thời Chiến tranh Triều Tiên thành quan hệ bình thường.

Vào năm 2013, Bắc Kinh đã công khai phủ nhận "quan hệ đồng minh" với Triều Tiên và từ đó đến nay luôn nhấn mạnh "mối quan hệ ngoại giao bình thường giữa 2 quốc gia".


Vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa của Triều Tiên đang làm lộ rõ bất cập trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc (Ảnh minh họa)

Vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa của Triều Tiên đang làm lộ rõ bất cập trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc (Ảnh minh họa)

Trung Quốc đang thay đổi cách ngoại giao với Triều Tiên

Trong khi Bộ ngoại giao Trung Quốc đưa ra các tuyên bố chỉ trích hành động của Triều Tiên và bỏ phiếu ủng hộ Liên Hợp Quốc gia tăng trừng phạt Bình Nhưỡng, thì các quan chức Ban liên lạc nhiều lần thăm Triều Tiên và thể hiện mối quan hệ tốt đẹp.

Đa Chiều bình luận, cách làm của Bắc Kinh ở chừng mực nào đó giúp hòa hoãn quan hệ Trung-Triều, nhưng lại khiến phương Tây cảm thấy "mờ mịt" về thái độ của Trung Quốc và chỉ trích Trung Quốc bao che Bình Nhưỡng.

Cho đến lúc này, thái độ không nhất quán trong chính nội bộ Trung Quốc về vấn đề Triều Tiên đang đưa đến hậu quả là lợi ích của chính họ gặp rủi ro.

Minh chứng rõ nhất là Mỹ và Hàn Quốc đã chính thức thảo luận việc bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD ở bán đảo ngay sau vụ Triều Tiên phóng tên lửa hôm 7/2.

Đa Chiều cho biết, "chế độ kép" trong ngoại giao từng giúp Trung Quốc đạt nhiều lợi ích, nhưng cơ chế này cần thay đổi trong môi trường ngoại giao mới, cho phép quan hệ Trung-Triều diễn biến bình thường thông qua kênh ngoại giao chính thức của song phương.

Chính việc Bắc Kinh bổ nhiệm Tống Đào - quan chức có nhiều năm công tác ở Bộ ngoại giao Trung Quốc - làm Trường Ban liên lạc trung ương Trung Quốc hồi tháng 11/2015, là tín hiệu cho thấy sự chuyển dịch này.

Sự bổ nhiệm này cũng là tín hiệu Trung Quốc gửi đến Mỹ và đồng minh, cho thấy trong tương lai quan hệ Trung-Triều sẽ phù hợp với lợi ích của khu vực Đông Bắc Á nói chung, cũng như triển vọng vấn đề hạt nhân được Bắc Kinh tiếp cận "một cách bình thường hơn".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại