Giới quan sát quốc tế gần đây chỉ ra, Trung Quốc đang đứng trước sức ép lớn tại biển Đông khi Mỹ, Nhật Bản và mới đây nhất là Ấn Độ đang thảo luận để tiến tới hiện thực hóa các cuộc tuần tra chung nhằm khẳng định quyền tự do hàng hải ở khu vực này.
Tuy nhiên, những hành động mang tính chất trả đũa của Bắc Kinh đa số xuất hiện trên vùng biển Nhật Bản, làm dấy lên suy đoán về một chiến thuật theo kiểu "vây Ngụy cứu Triệu" mà Trung Quốc đang tiến hành.
Trong vài tháng vừa qua, căng thẳng Trung-Nhật đã leo thang ở biển Hoa Đông, đặc biệt là quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà hai bên tranh chấp.
Bộ quốc phòng Nhật Bản hôm 8/2 thông báo, một tàu tình báo lớp Dongdiao của quân đội Trung Quốc đã nhiều lần tiếp cận vùng cận hải bán đảo Boso của Nhật trong thời gian từ 4-8/2.
Trước đó, tờ Asahi Shimbun (Nhật Bản) hôm 1/2 đưa tin, một máy bay do thám Y-9 cùng một máy bay cảnh báo sớm Y-8 của Trung Quốc bị Tokyo cáo buộc di chuyển về phía trung tâm biển Nhật Bản và bị Lực lượng phòng vệ trên không của Nhật Bản (ASDF) chặn lại.
Vào ngày 2/2, một biên đội tàu hải quân Trung Quốc cũng bị cho là đi qua Eo biển Tsugaru quan trọng của Nhật Bản.
Vì sao Mỹ phải chuyển trọng tâm chiến lược sang biển Đông?
Trang Đa Chiều (Mỹ) gần đây đánh giá, những phản ứng của Trung Quốc không khó hiểu nếu xét trên trọng tâm chiến lược của Washington.
Khi Mỹ "xoay trục" sang biển Đông thì Bắc Kinh sẽ chống lại bằng cách leo thang căng thẳng ở biển Hoa Đông và ngược lại.
Kể từ sự kiện tàu khu trục USS Fort Worth tuần tra biển Đông tháng 5/2015, Mỹ đã đẩy mạnh chiến lược "tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương" với trọng điểm là khu vực biển Đông.
Động thái của Mỹ trở nên cứng rắn bởi Trung Quốc đã đẩy nhanh một cách đáng lo ngại tiến độ hoạt động xây dựng, cải tạo trái phép các đảo nhân tạo mà nước này chiếm đóng phi pháp trên biển Đông.
Một tàu tình báo lớp Dongdiao của hải quân Trung Quốc (Ảnh tư liệu)
Đánh giá về quyết tâm của Mỹ trong việc kiềm chế sự bành trướng của Bắc Kinh ở biển Đông, Đa Chiều chỉ ra các nguyên nhân căn bản.
Thứ nhất, Mỹ lo ngại tình hình biển Hoa Đông "quá nóng", dẫn đến xung đột vũ trang bùng phát. Mối quan ngại này lên cao sau khi Trung Quốc tuyên bố lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Hoa Đông vào tháng 11/2013.
Động thái này khiến Washington và Tokyo phải đánh giá lại về mức độ sẵn sàng của Bắc Kinh cho khả năng xung đột nổ ra.
Việc Mỹ-Trung "trở mặt" ở biển Hoa Đông đồng nghĩa với hai nước rơi vào tình trạng đối đầu ở chuỗi đảo thứ nhất trên Thái Bình Dương để tìm ra kẻ thắng người thua.
Thứ hai, đã tới lúc Washington cần xây dựng "thế trận" kiềm chế Trung Quốc hiệu quả ở biển Đông, nhằm ổn định lòng tin của đối tác và đồng minh.
Sau khi Mỹ-Nhật ký kết Hiệp ước hợp tác quốc phòng mới vào tháng 4/2015 và Nhật Bản thông qua Luật an ninh mới cho phép đưa quân đội ra chiến đấu tại nước ngoài, "thế trận" Mỹ-Nhật đối đầu Trung Quốc ở biển Hoa Đông về cơ bản đã hình thành.
Tại biển Đông, Washington đang có những thuận lợi nhất định khi được Nhật, Philippines, Australia và khả năng lớn là Ấn Độ ủng hộ, bên cạnh đó là sự phản đối của dư luận quốc tế với hoạt động bành trướng ngang ngược của Bắc Kinh.
Thứ ba, Mỹ quan ngại kế hoạch "Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21" do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng, với trọng tâm là biển Đông.
Điều này phần nào thể hiện trong hoạt động tuần tra nhằm khẳng định quyền tự do hàng hải trên vùng biển quốc tế ở biển Đông.
Nếu Trung Quốc được tự do "lộng hành" trên biển Đông, rất có thể trong tương lai không xa Bắc Kinh sẽ trở thành kẻ áp đặt luật chơi riêng của họ ở khu vực này và sẽ quá muộn để Mỹ/đồng minh can thiệp.
Trung Quốc "vây Ngụy cứu Triệu"?
Theo Đa Chiều, hành động gây sức ép và thách thức ngược lại Mỹ-Nhật mà Trung Quốc đang tiến hành ở biển Hoa Đông là phản ứng tất yếu của Bắc Kinh nhằm tạo ra đối trọng với vấn đề biển Đông.
Trang này cho rằng, không khó nhận thấy Trung Quốc tìm mọi cách để không bị cuốn vào hướng đi của Mỹ là "việc nào ra việc đó", tức tách bạch vấn đề biển Đông và biển Hoa Đông, mà muốn gộp chung vấn đề biển Đông và biển Hoa Đông để giải quyết.
Nói cách khác, Bắc Kinh muốn Mỹ theo "luật chơi" của họ ở Tây Thái Bình Dương và chấp nhận đối đầu Trung Quốc đồng thời ở biển Đông cũng như tranh chấp Trung-Nhật.
Đa Chiều nhận định, chiến lược "hiểm" này cho Trung Quốc thêm "vốn liếng", cụ thể là chuỗi đảo thứ nhất, trên bàn đàm phán với Mỹ về biển Đông.
Cách làm của Bắc Kinh cũng lợi dụng tình hình Mỹ gặp khó khăn ở nhiều điểm nóng chính trị trên thế giới như Trung Đông hay Ukraine.
Cục diện này sẽ tiếp diễn trong năm 2016 khi Mỹ tuyên bố mở rộng cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS) sang Libya hồi cuối tháng 1.
Tuy vậy, tại cuộc họp báo ngày 4/2 vừa qua, người phát ngôn Bộ ngoại giao Mỹ John Kirby tái khẳng định nước này chắc chắn sẽ tiếp tục hoạt động tuần tra ở các vùng biển quốc tế cho phép trên toàn thế giới nhằm bảo vệ quyền tự do hàng hải, đặc biệt ở châu Á-Thái Bình Dương.