Sau khi M. Gorbachev trở thành Tổng bí thư đảng Cộng sản Liên Xô (KPSS) vào đầu tháng 3/1985, Bí thư Khu ủy Kemerovo V. Bakatin được điều về làm việc tại Học viện Khoa học Xã hội trực thuộc Ủy ban Trung ương KPSS ở Moskva.
Chưa đầy 3 năm sau, V. Bakatin đã được M. Gorbachev ưu ái cất nhắc lên chức vụ Bộ trưởng Bộ Nội vụ, thay thế Alexander Vlasov được "đôn" lên làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Cộng hòa Liên bang Nga. Trong thực tế, người đứng đầu Bộ Nội vụ là một nhân vật đầy quyền thế ở lĩnh vực đối nội, giúp M. Gorbachev củng cố vị trí tối thượng của mình.
Trong cuộc chính biến bất thành của Ủy ban Nhà nước về tình trạng khẩn cấp (GKChP) vào cuối tháng 8/1991, đương kim Chủ tịch KGB Vladimir Kryuchkov (1924-2007), 1 trong 8 thành viên cao cấp đồng sáng lập GKChP do Phó tổng thống Liên Xô Gennady Yanayev (1937-2010) đứng đầu đã bị bắt giữ, V. Bakatin liền "nhảy" sang nắm giữ cơ quan trọng yếu này.
Kế đến, V. Bakatin thường công khai phàn nàn về cuộc đời đầy trắc ẩn trong các cuộc họp ban lãnh đạo KGB, ví dụ như ông nội đã bị các cấp trong KPSS bức hại, nhưng lại cố tình không đả động tới sự nghiệp thăng tiến "như diều gặp gió" của mình.
Hàng ngũ cấp dưới công tác tại KGB lúc ấy luôn bất ngờ trước những quyết định "trái khoáy" của viên sếp mới. Tiêu biểu là việc thực hiện kế hoạch bảo kê thu tiền từ các tổ chức tội phạm, kể cả với giới phạm nhân muốn được phóng thích nhằm bổ sung kinh phí cho các hoạt động thuộc phạm trù an ninh quốc gia và tố tụng hình sự (?!).
Sau khi đã có thực quyền trong tay, V. Bakatin bắt đầu áp dụng chiêu bài "cải tổ" do M. Gorbachev khởi xướng, sa thải tới 90% số lượng các sĩ quan và nhân viên thuộc biên chế KGB, khiến ông ta trở thành một nhân vật khét tiếng trên chính trường qua biệt danh "kẻ dọn dẹp".
Hành động bỉ ổi nhất là V. Bakatin đã đứng ra tổ chức một chiến dịch mang mật danh "Bồ câu trắng" dưới sự tư vấn của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), để giả danh dân chúng rầm rộ viết thư gửi tới Văn phòng Tổng thống, tạo dựng và tố cáo những hành vi "khuất tất" của các cán bộ KGB, góp phần làm giảm uy tín của cơ quan an ninh hàng đầu đất nước.
Trong cuốn sách có tựa đề "Sự cứu rỗi của KGB" phát hành sau khi đã về hưu, V. Bakatin trơ trẽn thừa nhận rằng: "Mục đích của công cuộc cải tổ không chỉ làm mục ruỗng, mà còn hủy hoại mọi cơ cấu nền móng khiến KGB không có cơ may phục hồi".
Hệ quả là đa phần những cán bộ an ninh dày dạn kinh nghiệm nhất đã lặng lẽ rời KGB, chuyển sang lĩnh vực bảo vệ giới chính khách thuộc đủ các đảng phái khác nhau, hoặc tháp tùng những nhà tài phiệt trọc phú mới phất.
Riêng những nhân vật kiên trung như Anh hùng Liên Xô Benjamin Maksenkov, hay nhà phân tích hàng đầu Basil Morgachev chuyên tổ chức các chiến dịch phản gián thành công trên địa bàn châu Âu đã bị thủ tiêu.
Nhưng "chiến tích" tệ hại nhất của V. Bakatin trên cương vị Chủ tịch KGB, là tiết lộ cho Đại sứ Mỹ Robert Strauss bản sơ đồ chi tiết các thiết bị theo dõi và nghe lén siêu hiện đại, mà Cơ quan An ninh Xôviết bí mật lắp đặt tại địa điểm mới của Tòa đại sứ Mỹ ở Moskva. Hành vi "động trời" này khiến cả ban lãnh đạo Liên Xô ngỡ ngàng..
Ngoài việc làm tan rã tổ chức KGB song hành với sự gia tăng của nạn tội phạm trên khắp đất nước, V. Bakatin còn tích cực thực hiện mưu đồ của quan thầy M. Gorbachev khiến thể chế Liên Xô nhanh chóng sụp đổ.
Ngay từ khi còn giữ cương vị đầy quyền uy ở Bộ Nội vụ, đích thân Bakatin đã khơi mào cho sự ly khai của các nước cộng hòa trong vùng Baltic, cũng là những địa danh đầu tiên tách ra khỏi Liên bang Xôviết.
Trong một phiên họp cuối năm 1990 của Hội đồng Xôviết Tối cao Liên Xô, Đại tá Victor Alksnis, Trưởng phân cục KGB tại Cộng hòa XHCN Estonia, cũng là thành viên Ủy ban Bảo vệ Hiến pháp và Quyền công dân của Quốc hội, đã một mực đòi Bộ trưởng Nội vụ V. Bakatin phải từ chức, bởi đã trang bị vũ khí cho các nhóm dân tộc ly khai bất hợp pháp trên nhiều vùng trong lãnh thổ Liên Xô.
Còn V. Bakatin lại lên tiếng "phản pháo" rằng: "Cơ quan nội vụ không can thiệp vào các sự kiện chính trị, cũng như không tham gia vào việc tranh chấp quyền lực giữa các nước cộng hòa với Chính phủ Liên bang"(!). Sau đó, V. Bakatin chẳng những không mất chức, mà còn được M. Gorbachev cử làm thành viên Hội đồng An ninh trực thuộc tổng thống.
Tới cuối năm 1991, khi Cộng đồng Các quốc gia độc lập (SNG) hình thành, V. Bakatin trở thành người đứng đầu một cơ quan mới mang danh Dịch vụ An ninh Liên cộng hòa (SMBs), cũng là tổ chức kế nhiệm KGB. Trong thực tế SMBs được liệt vào dạng "hữu danh vô thực", tồn tại chưa đầy 2 tháng rồi lặng lẽ cáo chung. Đây là chức vụ cuối cùng của kẻ tội đồ trước khi hồi hưu.
Là một nhân vật cáo già biết tận dụng bối cảnh lộn xộn thời hậu Xôviết, V. Bakatin đã nhanh chân nhận lãnh trách nhiệm làm người đứng đầu Ngân hàng Đô thị, một tổ chức tài chính rắp tâm ăn cướp số tiền tiết kiệm khổng lồ tích lũy bấy lâu của hàng trăm nghìn người dân Moskva. Đồng thời kẻ láu cá V. Bakatin cũng trở thành ủy viên Hội đồng cố vấn của Công ty Capital Vostok liên doanh giữa Nga và Thụy Sĩ, chuyên đầu tư xây dựng các quần thể nghỉ dưỡng cao cấp, cũng như trụ sở văn phòng xa xỉ trải dọc ven bờ biển Đen.
Ngoài ra, viên cựu Chủ tịch KGB còn kiếm bộn tiền qua vai trò tư vấn cho Công ty cổ phần Baring Vostok Capital Partners, hoạt động trong các lĩnh vực hàng đầu như dầu khí, sản phẩm tiêu dùng, công nghệ viễn thông và tài chính ở cả Nga lẫn SNG.
Nhờ thế lực từ người cha, cậu con trai cả Dmitry Bakatin mới 30 tuổi đã đảm nhiệm chức Giám đốc Ngân hàng Renaissance Capital, chuyên đầu tư vào các thị trường mới nổi do nhà tài phiệt truyền thông Boris Jordan sáng lập.
Hiện thời "doanh nhân thành đạt" D. Bakatin đang là Giám đốc điều hành tổ hợp đa ngành nghề Sputnik cũng thuộc sở hữu của B. Jordan; đồng thời D. Bakatin còn là thành viên Ban chấp hành Hiệp hội Hợp tác kinh doanh Nga-Mỹ.
Để tránh búa rìu dư luận về việc làm tan rã tổ chức KGB hùng mạnh, trong 2 năm kế tiếp sau khi về hưu, tội đồ V. Bakatin đã đưa cả gia đình sang Mỹ "ở ẩn", tá túc trong ngôi nhà của người "cùng hội cùng thuyền" O. Kalugin tại tiểu bang Alabama.
Sở dĩ V. Bakatin dễ dàng có thị thực nhập cảnh vào Mỹ là nhờ hành động "tâng công" với Đại sứ R. Strauss trước kia. Còn bản thân O. Kalugin đã bị Tòa án binh của Quân khu Moskva xử vắng mặt trong năm 2002, cùng bản án 15 năm tù về tội phản quốc vì làm gián điệp cho phương Tây.