Tiết lộ món quà bất ngờ Chủ tịch Trương Tấn Sang tặng TT Obama

Theo thông lệ ngoại giao, sau cuộc gặp, hai nguyên thủ quốc gia tặng quà cho nhau. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tặng Tổng thống Mỹ một món quà bất ngờ mang nhiều ý nghĩa.

Tháng 7-2013. Thủ đô Washington, nước Mỹ. Trong phòng Bầu Dục ở Nhà Trắng, cuộc Hội đàm giữa Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang với Tổng thống Mỹ Barack Obama diễn ra đã vượt quá thời hạn dự kiến chừng hơn 30 phút. Các phóng viên quốc tế và Việt Nam, trong đó có cả một số phóng viên từ vài tờ báo của người Việt ở Mỹ, đứng chôn chân ở ngay hành lang cạnh Vườn Hồng nổi tiếng, phía trước các nhân viên mật vụ của Nhà Trắng, thỉnh thoảng lại nhích lên một chút để tiến gần đến cửa ra vào hơn! Chờ đợi nhưng không sốt ruột, bởi vì khi cuộc hội đàm càng lâu thì có nghĩa là các vấn đề được nêu ra trong quan hệ Việt - Mỹ càng đa dạng, càng có nhiều điều để hai nguyên thủ của hai nước bàn thảo với nhau cặn kẽ hơn.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Washington tháng 7-2013.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Washington tháng 7-2013.

Rồi cũng đến lúc các nhân viên mật vụ Mỹ ra hiệu để các phóng viên ào vào trong phòng Bầu Dục. Tại đó, ở cuối phía bắc phòng Bầu Dục, phía trước chiếc lò sưởi, bên dưới bức chân dung Tổng thống Mỹ G.Washington lồng khung mạ vàng, Tổng thống Mỹ B.Obama và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ngồi chờ các nhà báo trên hai chiếc ghế có chỗ tựa cao. Theo thông lệ ở Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ ngồi bên trái, Chủ tịch nước Việt Nam ngồi bên phải tính theo hướng ra phía trước. Phía trên lò sưởi, 4 chiếc chậu gốm nhỏ trồng loại cây thường xuân Thụy Điển xanh um làm cho căn phòng trở nên dịu mắt, thân thiện.

Trong bộ đồ vét thẫm màu, cà vạt kẻ ca rô màu nâu nhạt, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trông hoàn toàn thoải mái sau hơn một giờ hội đàm với Tổng thống Mỹ. Có lẽ Chủ tịch đang ngồi đúng vào chiếc ghế mà nhiều nhân vật danh tiếng trên thế giới đã từng ngồi ở đó, từ các nguyên thủ quốc gia của các siêu cường cho tới các nhà hoạt động chính trị lừng danh, nhiều người trong số họ thậm chí là đối thủ của nhau! Trên thế giới có hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ và không phải bất cứ một nhà lãnh đạo nào cũng có thể đàng hoàng ngồi ở đó để đàm đạo với Tổng thống Mỹ. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, với phong thái tự tin, lịch thiệp, lắng nghe Tổng thống Mỹ thông báo với các nhà báo quốc tế về việc ít phút trước đó, đã cùng với Chủ tịch nước Việt Nam nhất trí nâng quan hệ hai nước Việt - Mỹ lên tầm đối tác toàn diện!

Đến lượt mình, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang từ tốn phát biểu, khẳng định Việt Nam là một thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, đang nỗ lực tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước, hội nhập toàn diện vào sân chơi toàn cầu, cùng chung tay đóng góp vào duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Việt Nam và Hoa Kỳ đang cùng các đối tác khác hoàn tất đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), xây dựng và củng cố cấu trúc khu vực châu Á-Thái Bình Dương với ASEAN là trung tâm. Trong tiến trình này, một nước Việt Nam độc lập, cường thịnh với chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, đa phương hóa, đa dạng hóa, có lợi cho các nước, trong đó có Hoa Kỳ… Với tinh thần “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”, Việt Nam và Hoa Kỳ đã đi được chặng đường dài trên con đường xây đắp mối quan hệ hợp tác và xây dựng, trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi…

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma tại Nhà Trắng.

Tinh thần “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai” hiển hiện ngay trong căn phòng Bầu Dục này! Tham gia cuộc hội đàm cùng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, với phía Mỹ có Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh (nay là Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao), con trai của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, người đã rất nỗ lực trong tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ; có Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, con trai Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, một nhà chỉ huy quân sự kiệt xuất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; người phiên dịch cho Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với Tổng thống B.Obama là anh Phạm Xuân Hoàng Ân, con trai của nhà tình báo chiến lược, “điệp viên hoàn hảo” Phạm Xuân Ẩn. Bản thân Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thời chiến tranh từng phụ trách đội du kích bí mật ở Đức Hòa, Long An, bị tù đày ở Phú Quốc… Tất cả những con người ấy, có mặt tại đây, trong phòng Bầu Dục này, để xây dựng mối bang giao ở thời hiện tại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Theo thông lệ ngoại giao, sau cuộc gặp, hai nguyên thủ quốc gia tặng quà cho nhau. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tặng Tổng thống Mỹ một món quà bất ngờ mang nhiều ý nghĩa: Một chiếc cân bằng gỗ!

Sau này, trong một lần gặp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại nhà riêng ở đường Phan Đình Phùng, tôi hỏi ông về ý nghĩa của món quà, không ngần ngừ, ông nói: “Đó là sự cân bằng lợi ích! Giữa Việt Nam với các nước và giữa các nước với nhau, không phân biệt nước nhỏ hay nước lớn, giàu hay nghèo. Thế giới chỉ có thể tồn tại và phát triển trong hòa bình dựa trên sự cân bằng đó!”.

Có lẽ điều đó là hoàn toàn chính xác nếu như nhớ lại đúng hơn một tháng trước đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tới thăm đất nước Trung Hoa tươi đẹp. Trong cuộc gặp gỡ và hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, chính sách cơ bản, nhất quán, lâu dài của Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam coi trọng quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện với Trung Quốc. Trên chiếc chuyên cơ từ Bắc Kinh trở về Việt Nam đúng vào Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21-6, Chủ tịch nước nói với anh em báo chí đi theo đoàn: “Quan hệ giữa Việt Nam với nước láng giềng Trung Quốc phải dựa trên sự cân bằng lợi ích, không xâm phạm lợi ích của nhau, hai bên cùng có lợi thì mới bền được!”.

Đến giữa tháng 11, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chủ trì tiếp đón Tổng thống Nga V.Putin, một người bạn lớn của nhân dân Việt Nam. Chuyến thăm diễn ra ngắn gọn chỉ trong vòng có một ngày, thế nhưng lại chất chứa biết bao tình cảm giữa những người bạn mà theo như lời của Tổng thống V.Putin, “không bao giờ phản bội”. Đấy là mối quan hệ giữa hai quốc gia từng có quan hệ thân tình trong quá khứ, gắn kết với nhau bởi lợi ích trong hiện tại và cả trong tương lai. Hai nước Liên bang Nga và Việt Nam cùng nhau tìm kiếm những phương thức đối phó với những nguy cơ và thách thức mới, bảo vệ tinh thần thượng tôn pháp luật trong công việc quốc tế, bảo vệ tính chất duy nhất không gì thay thế của những công cụ chính trị-ngoại giao trong giải quyết tranh chấp, bảo vệ quyền của bất kỳ quốc gia nào được tự mình lựa chọn con đường phát triển…

Khi mà nền chính trị thế giới đôi khi vẫn bị chi phối bởi lợi ích của các nước lớn thì bên cạnh những hoạt động Nhà nước vô cùng bận rộn, những chuyến công du nước ngoài, tham gia các hoạt động ngoại giao trong năm Quý Tỵ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, đã hiện thực hóa kế sách giữ nước trong thời đại toàn cầu hóa, xác lập sự cân bằng lợi ích giữa Việt Nam với các cường quốc. Chiếc cân mà Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tặng Tổng thống B.Obama ở Nhà Trắng được làm bằng gỗ; nó rất mong manh nên nếu người ta quá nặng tay sẽ làm nó bị gãy hỏng. Trước sóng gió của thời đại, Việt Nam thực hiện chính sách đối ngoại kiên định nhưng linh hoạt, thông minh, mềm dẻo, để bảo đảm đất nước có thể tồn tại và phát triển. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, anh Tư Sang, là người đại diện và tham gia thực hiện kế sách ấy, một cách ung dung, tự tại.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại