Những điểm đáng lưu ý trong lần trở lại châu Á của ông Obama

Tờ Diplomat ngày 21/11 đã đưa ra những dự đoán về các hoạt động quan trọng mà người đứng đầu Nhà Trắng sẽ thực hiện trong lần trở lại châu Á này của mình.

Thông báo của bà Susan Rice được đưa ra đã xoa dịu phần nào sự thất vọng sau khi Tổng thống Obama hủy bỏ chuyến thăm hồi tháng 10 vì lý do chính phủ nước này phải tạm thời đóng cửa một số hoạt động. AFP dẫn lời bà Rice cho rằng những người “bạn” của Mỹ tại châu Á xứng đáng nhận được sự chú ý ở “mức độ cao nhất”. Washington sẽ tiếp tục củng cố những cam kết lâu dài đối với khu vực, bất chấp có bao nhiêu điểm nóng xuất hiện ở những nơi khác.

Tuy bà Rice không tiết lộ lịch trình cụ thể của Tổng thống, nhưng tạp chí Diplomat đã đưa ra dự đoán về những hoạt động quan trọng trong lần trở lại này của ông.

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP có thể sẽ là tiến trình đàm phán kinh tế quan trọng nhất đang diễn ra trên chính trường thế giới ở thời điểm hiện tại. TPP là nơi hội tụ của các nền kinh tế đứng đầu khu vực Thái Bình Dương và tự do hóa thương mại theo cách thức có thể làm tăng tính cạnh tranh của các doanh nghiệp Mỹ trong khu vực. Đặc biệt, TPP đã “thẳng thừng” loại trừ Trung Quốc, một trong những yếu tố làm tăng sự hấp dẫn đối với nhiều nước, điển hình là Nhật Bản – quốc gia lo ngại về sự phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc và đang tìm cách thiết lập những chiến lược bảo hiểm rủi ro đáng tin cậy.

Do đó, việc tiếp tục thúc đẩy đàm phán TPP rất có thể sẽ là một trong những nội dung quan trọng trong chuyến công do của ông Obama tới châu Á lần này. Nhất là khi bà Rice cũng tuyên bố Washington sẽ thực hiện đúng cam kết đẩy mạnh quá trình đàm phán TPP nhằm thiết lập một trật tự mới tại khu vực.

Tuy nhiên, các cuộc đàm phán TPP cũng gặp phải một số rào cản sau những tiết lộ mới nhất của Wikileak về các điều khoản chống lại luật sở hữu trí tuệ. Những dự thảo bị rò rỉ cho thấy vẫn còn một chặng đường khá dài để các đàm phán có thể đạt được kết quả và mang lại lợi ích cho khu vực ở quy mô lớn.

Bên cạnh đó, chuyến thăm của ông Obama có thể nhằm mục đích tái khẳng định sự có mặt của Hạm đội 7 ở Thái Bình Dương. Bất chấp những thảm kịch gây ra bởi siêu bão Haiyan, việc Hoa Kỳ đã phản ứng nhanh nhạy và điều tàu sân bay đến cứu trợ Philippines là một lời nhắc nhở tại sao Mỹ lại để Hạm đội này trong khu vực một thời gian dài như vậy, cũng như đề cao giá trị của nó.

Theo Diplomat, chuyến đi của Tổng thống Mỹ cũng sẽ tập trung vào mối quan hệ với Trung Quốc. Nước này đã rất quan tâm đến việc thúc đẩy ý tưởng về một “thể thức mới trong mối quan hệ giữa các nước lớn”, nhưng Washington lại tỏ ra thờ ơ. Vì vậy, Diplomat nhận định: ông Obama không nên im lặng mà nên cân nhắc về tầm nhìn cho tương lai mối quan hệ hai nước, giải quyết các khác biệt trong vấn đề hòa bình, né tránh các hành vi đơn phương làm thay đổi cán cân quyền lực và tăng cường sự hợp tác về an ninh trong khu vực. Trong khi đó, bà Rice khi đưa ra thông báo đã cho rằng những căng thẳng trên khu vực đang đe dọa đến hòa bình và ảnh hưởng các lợi ích của Mỹ, đồng thời tiếp tục kêu gọi các bên liên quan cần tuân thủ luật pháp quốc tế.

Một điểm nhấn nữa trong chuyến thăm của Tổng thống được dự đoán là những cuộc thảo luận với thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye khi hai đồng minh của Mỹ ở khu vực Đông Bắc Á chưa thực sự hòa hợp trong thời gian gần đây. Cả Kyodo News và Yonhap News đều đang đưa ra dự đoán Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ nằm trong lộ trình của người đứng đầu Nhà Trắng.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại