Sáng ngày 30/5, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã có bài diễn văn trong khuôn khổ Đối thoại Shangri-la 14 tại Singapore.
Trong bài phát biểu của mình ông Carter "tố" Trung Quốc đã xâm chiếm và cải tạo trái phép hơn 800 hecta diện tích đất trên Biển Đông chỉ trong vòng 18 tháng.
Nhận xét của Bộ trưởng quốc phòng Mỹ đưa ra chỉ 1 ngày sau khi Lầu Năm Góc xác nhận các báo cáo cho biết Trung Quốc đã đưa pháo cơ giới lên một trong những đảo nhân tạo mà nước này xây trái phép trên Biển Đông - Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng cho hay.
Cụ thể, theo Wall Street Journal (Mỹ), hình ảnh Mỹ chụp được cho thấy 2 khẩu pháo cơ giới xuất hiện tại một trong những đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng cách đây khoảng một tháng.
Trong phát biểu hôm 30, Bộ trưởng Carter cho biết Mỹ "quan ngại sâu sắc" về quy mô hoạt động mở rộng, cải tạo đảo đá phi pháp của Trung Quốc cũng như khả năng Bắc Kinh cho quân sự hóa các khu vực này.
Theo ông Carter, động thái này của Bắc Kinh sẽ đưa tới "các nguy cơ tính toán sai lầm hoặc xung đột".
Trước những cáo buộc từ Lầu Năm Góc về việc Trung Quốc đưa vũ khí lên đảo nhân tạo, trong cuộc họp báo hôm thứ Sáu (29/5), phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã đưa ra câu trả lời "ngắn, khó hiểu và lảng tránh".
"Tôi không nắm được tình hình mà các bạn (báo chí - PV) nhắc tới. Trung Quốc đã nhiều lần nói rõ lập trường về vấn đề xây đảo nhân tạo (phi pháp - PV) ở Biển Đông" - bà Hoa cho biết.
Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân chiều 30/5 đã đăng bài xã luận dài trên tờ Thời báo Hoàn Cầu của nước này để đáp trả bài phát biểu của Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Carter trong buổi sáng.
Ông Lưu tỏ ra gay gắt - "Thời gian gần đây, có quốc gia ngoài khu vực (chỉ Mỹ - PV) luôn tìm cách 'làm to chuyện' về vấn đề biển Đông. Trung Quốc vô cùng quan tâm và lo ngại về điều này".
Bài phát biểu của Đô đốc Hải quân Trung Quốc Tôn Kiến Quốc sẽ là tiêu điểm trong ngày 31/5. Ảnh: EPA.
Vẫn với luận điệu trắng trợn thường thấy của chính phủ cũng như truyền thông Trung Quốc gần đây, Lưu Chấn Dân "lại" tuyên bố Trung Quốc "có chủ nguyên không thể tranh cãi với quần đảo Trường Sa (vốn thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam - PV) và vùng cận hải".
Lưu ngang ngược "đổi trắng thay đen", bao biện hành động phi pháp của Bắc Kinh rằng "Trung Quốc đã có thái độ kiềm chế, tìm cách đàm phán trực tiếp với các bên liên quan vì tình hình ổn định chung ở Biển Đông".
Kể từ năm 2014, hoạt động xây dựng, cải tạo phi pháp các đảo đá ở Biển Đông của Trung Quốc đã được Trung Quốc đẩy mạnh và khiến Mỹ không thể "ngoảnh mặt làm ngơ".
Đến tháng 5 năm nay, Lầu Năm Góc đã đưa tàu chiến, máy bay vào thực hiện nhiệm vụ trinh sát, gìn giữ tự do hàng hải trên Biển Đông. Các quan chức chính phủ cũng như quốc hội Mỹ đã nhiều lần khẳng định Mỹ sẽ "hiện diện quân sự mạnh mẽ" ở Biển Đông.
Mới đây, hôm 27/5, chính Bộ trưởng Ashton Carter cũng đã lên tiếng cảnh cáo Trung Quốc phải "dừng vĩnh viễn hoạt động xây dựng, cải tạo phi pháp ở Biển Đông".
Phát ngôn gây "giật mình" của Thứ trưởng Trung Quốc
Theo Hoàn Cầu, Lưu Chấn Dân lớn tiếng cáo buộc việc máy bay và tàu chiến Mỹ hiện diện ở Biển Đông "không phải để bảo vệ tự do hàng hải, mà là để 'khoe cơ bắp' và lực lượng quân sự".
Lưu đổ lỗi "chính hành động của Mỹ mới khiến tình hình Biển Đông bị 'quân sự hóa'", nhưng lại không nhắc gì đến việc nước này bị "bóc mẽ" vụ chuyển vũ khí lên đảo nhân tạo.
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cũng tỏ ra "ngây thơ" khi không ngại ngần tuyên bố - "Tự do hàng hải trên Biển Đông từ trước tới nay vẫn... không tồn tại bất cứ vấn đề gì, và tương lai cũng sẽ như vậy.
Việc xây dựng đảo nhân tạo (phi pháp) của Trung Quốc hoàn toàn 'hợp tình, hợp lý, hợp pháp' và không ảnh hưởng tới bất kỳ quốc gia nào."
Đồng thời, ông Lưu cũng có phát ngôn đầy nguy hiểm, tiết lộ "dã tâm quân sự" của Trung Quốc - "Sau khi công tác xây dựng hoàn thành, các chức năng của đảo nhân tạo sẽ là đa phương diện, mang tính tổng hợp, đáp ứng nhu cầu phòng vệ quân sự."
"Điều này (hoạt động xây đảo phi pháp của Trung Quốc - PV) không làm giảm quyền tự do hàng hải của các nước, mà còn có lợi cho việc cùng nhau đối phó với thách thức trên biển, giúp bảo vệ an ninh hàng hải tốt hơn." - Lưu Chấn Dân bao biện.
Lưu không quên nhắc tới việc Bắc Kinh mới đây đã cho xây dựng trái phép 2 ngọn hải đăng đa chức năng trên Đá Gạc Ma và Đá Châu Viên của Việt Nam, và ngang nhiên nói rằng "mục đích xây hải đăng là để phục vụ an toàn, tự do hàng hải".
Đối với phát biểu của ông Ashton Carter tại Đối thoại Shangri-la, Lưu Chấn Dân hống hách chỉ trích việc Mỹ nghi ngờ và quan ngại trước quy mô và tốc độ hoạt động xây dựng, cải tạo phi pháp của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Lưu Chấn Dân viện cớ Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC) "đang được Trung Quốc và ASEAN nỗ lực đẩy mạnh đi đến nhất trí" để "xua đuổi" Mỹ, bởi Washington không tham gia Bộ quy tắc này.
Giới quan sát cho rằng, đây cũng là tuyên bố thường thấy từ trước đến nay của Trung Quốc, khi họ luôn tìm cách đẩy Mỹ khỏi khu vực để được tự do "đàm phán" với các quốc gia trong khu vực theo chiến thuật "ỷ lớn bắt nạt nhỏ".
Mới đây, trong bản báo cáo "Chiến lược quân sự Trung Quốc 2015" (sách trắng), Bắc Kinh đã tuyên bố Trung Quốc sẽ "chủ động phòng thủ", đồng thời khẳng định hải quân của nước này sẽ được hoạt động ở phạm vi rộng hơn với nhiều quyền lực hơn.
Động thái này của Bắc Kinh được cho là đòn trả đũa các phát ngôn và hành động cứng rắn của Mỹ, được nhiều chuyên gia nhận định là Trung Quốc "có thể đã sẵn sàng và không ngại đối đầu với Mỹ".
Tuy nhiên, Thứ trưởng Lưu Chấn Dân vẫn không ngượng ngùng khẳng định - "Bắc Kinh kiên trì với đường lối phát triển hòa bình, hữu nghị với các nước láng giềng và là sức mạnh bảo vệ hòa bình, ổn định trong khu vực".
Sau bài diễn văn tại Đối thoại Shangri-la của Bộ trưởng quốc phòng Mỹ, Bộ quốc phòng Trung Quốc đã ngay lập tức có phản ứng và tuyên bố “Trung Quốc không phải là kẻ gây chuyện Biển Đông. Bắc Kinh rất biết kiềm chế”.
Tuy nhiên, phải đợi đến khi Đô đốc Tôn Kiến Quốc - phó Tổng tham mưu trưởng quân giải phóng Trung Quốc, người dẫn đầu đoàn đại biểu Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-la - có bài phát biểu vào ngày hôm nay (31/5), thì dư luận mới biết được tiếng nói thực sự của Bắc Kinh.