Quan hệ Việt-Trung "vượt qua ý nghĩa thông thường"
Vào lúc 10h45, Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bước vào phòng họp Diên Hồng, trong tiếng vỗ tay của gần 500 đại biểu Quốc hội.
Mở đầu bài phát biểu, ông Tập bày tỏ vinh dự khi được thăm Quốc hội và phát biểu tại cơ quan quyền lực nhà nước tối cao của Việt Nam.
Trong bài, Chủ tịch Trung Quốc cho biết: "Trong quá trình đấu tranh giành độc lập và giải phóng dân tộc, chúng ta đã sát cánh chiến đấu, hỗ trợ lẫn nhau, xây dựng tình hữu nghị thâm hậu.
Trong sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa mang bản sắc riêng, chúng ta học tập, giúp đỡ lẫn nhau, tạo dựng thành quả to lớn..."
Ông nhận định: "Quan hệ Việt-Trung đã vượt qua ý nghĩa của một mối quan hệ song phương thông thường, mang ý nghĩa chiến lược vô cùng quan trọng."
Nhận định về phát biểu này của ông Tập Cận Bình, chuyên gia Kiều Tỉnh - nguyên Trưởng Phân xã Thông tấn xã Việt Nam tại Bắc Kinh và Hồng Kông - phân tích rằng đây là động thái nhấn mạnh Trung Quốc muốn thắt chặt và đưa quan hệ song phương lên một tầm cao mới.
Ông Kiều Tỉnh cho hay: "Hiện nay, bên cạnh Trung Quốc, Việt Nam có quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện (ĐTHTCLTD) với khá nhiều nước. Đối với Mỹ, sắp tới có khả năng cũng nâng lên cấp quan hệ này.
Nói ý này nghĩa là ông Tập nhấn mạnh, trong số các mối quan hệ ĐTHTCLTD của Việt Nam, ông muốn quan hệ Việt-Trung ‘hơn’ so với các nước khác.
Về vấn đề này có 2 ý. Thứ nhất, Trung Quốc tỏ ra coi trọng quan hệ Việt-Trung.
Kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền thì đến nay, Trung Quốc đã có sự thay đổi chiến lược ngoại giao nhằm nâng tầm quan hệ Việt-Trung so với các quan hệ khác, đặc biệt là so với quan hệ Việt-Mỹ sắp tới đây, khi mà quan hệ Việt-Mỹ đang tiến triển rất nhanh.
Thứ hai, ông Tập muốn nói, vị thế của Việt Nam trong chiến lược và chính sách của Trung Quốc sẽ được nâng cao hơn.
Trong cuộc hội đàm với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày 5/11, ông Tập nêu ra 7 kiến nghị và tuyên bố trên cũng không nằm ngoài những kiến nghị đó.
Vì vậy, có thể thấy rõ, Trung Quốc mong muốn quan hệ Việt-Trung trong thời gian tới được nâng cao hơn, từ đó có thể giải quyết các vấn đề khác.
Việc nâng tầm quan hệ Việt-Trung cũng nhằm mục đích đưa Trung Quốc trở thành đối tác được ‘ưu tiên’ trong các quan hệ đối tác của Việt Nam."
Ông Kiều Tỉnh nhận xét thêm: "Phát biểu này cũng là bước đi phù hợp của ông Tập Cận Bình để tiếp cận ASEAN, bởi Việt Nam là quốc gia xã hội chủ nghĩa duy nhất trong khối này và do Đảng Cộng sản lãnh đạo.
Trung Quốc luôn nhận thức được sự gần gũi về ý thức hệ giữa hai nước và việc nêu cao vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng nhằm khẳng định vai trò của Đảng Cộng sản Trung Quốc hiện nay."
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng hội kiến Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sáng 6/11. Ảnh: Xinhua
Câu nói khác với những người tiền nhiệm
Nói về quan hệ hai nước, ông Tập trích dẫn câu ngạn ngữ Trung Hoa: "Huynh đệ đồng tâm, kỳ lợi đoạn kim" (anh em đồng lòng thì đủ sắc bén để cắt vàng).
Theo ông, "gen hòa bình" đã đi sâu vào lòng người dân Trung Quốc: “Dân tộc Trung Hoa luôn yêu chuộng hòa bình. Gen 'hòa' của dân tộc chưa bao giờ biến dị.
Từ hơn 2.400 năm trước, cổ nhân Trung Quốc đã đề ra 'lễ chi dụng, hòa vi quý'. Nguyện vọng hòa bình đã ám rễ trong tâm tưởng người Trung Quốc, dung hòa vào dòng máu dân tộc Trung Hoa."
Ông Kiều Tỉnh bình luận: "Câu nói về "gen hòa bình" của ông Tập Cận Bình nhận được sự quan tâm đáng kể của truyền thông bởi đây là lần đầu tiên, một nhà lãnh đạo Trung Quốc đưa ra một tuyên bố như vậy tại Việt Nam.
Trong tình hình quốc tế hiện nay, sự trỗi dậy của Trung Quốc đang bị phương Tây mô tả như một mối đe dọa bành trướng.
Với tuyên bố này trước Quốc hội Việt Nam, ông Tập muốn tái khẳng định trước truyền thông Việt Nam và quốc tế rằng Trung Quốc không phải là một nguy cơ đối với hòa bình và ổn định khu vực. Và điều này gây chú ý hơn bởi những người tiền nhiệm của ông không ai từng nói như vậy.
Thông điệp 'Trung Quốc trỗi dậy hòa bình' cũng là điều mà Chủ tịch Trung Quốc từng nhiều lần chuyển tải đến dư luận quốc tế trong các chuyến công du của mình."
Trong bài phát biểu, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh thực tiễn đã chứng minh là nhân dân, hai Đảng, hai nước đã lựa chọn đúng con đường phát triển và cả hai dân tộc cần phải kiên định lòng tin, chung tay tiến lên, quyết không để thế lực nào cản trở sự hợp tác đó.
Ông Kiều Tỉnh đánh giá: "Trong cuộc hội đàm với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Tập cũng nhắc lại phương châm 16 chữ và '4 tốt', đồng thời từ trước đến nay Trung Quốc vẫn thường cảnh báo về 'sự tác động của các thế lực bên ngoài' đối với quan hệ Việt-Trung.
Đây cũng là một bước nhấn mạnh khác để bày tỏ kỳ vọng Việt Nam coi trọng và đề cao quan hệ với Trung Quốc hơn, trong khi phát triển đồng đều quan hệ với các nước khác."
Cũng trong bài nói của mình, Chủ tịch Tập Cận Bình dẫn ngạn ngữ “mất hàng ngàn vàng mua láng giềng gần” và nói rằng rằng đây là câu nói mà nhân dân hai nước đều dùng, đều tâm đắc.
"Người Trung Quốc thường nói, (hương) thân mong thân hơn, láng giềng mong gần gũi hơn.
Hàng xóm láng giềng khó tránh những khi va chạm, nhưng song phương cần kiên trì xuất phát từ đại cục quan hệ hai nước, thông qua thảo luận hòa bình hữu nghị, kiểm soát và xử lý tốt mâu thuẫn," ông Tập nói.
Chuyên gia Kiều Tỉnh chỉ ra, phát biểu này trên thực tế không phải là điều mới mẻ.
"Từ trước đến nay Trung Quốc vẫn thường lấy 'đại cục, tầm nhìn lớn, tầm cao chiến lược' để đưa ra tuyên bố rằng hai nước láng giềng khó tránh khỏi có va chạm, nhưng quan trọng là song phương quản lý và xử lý tốt bất đồng, không để ảnh hưởng đến quan hệ."
Ảnh: Xinhua
Dẫn thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Một điểm đáng chú ý là, trong bài phát biểu của mình, nhà lãnh đạo Trung Quốc nhắc khá nhiều đến Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ông Tập Cận Bình cho rằng chuyến thăm Việt Nam của mình trở nên có ý nghĩa hơn khi được thực hiện trong năm 2015, kỷ niệm 125 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ông cũng nhấn mạnh tình hữu nghị truyền thống Việt-Trung là do các nhà lãnh đạo tiền bối hai nước như Chủ tịch Mao Trạch Đông, Thủ tướng Chu Ân Lai và Chủ tịch Hồ Chí Minh đích thân xây đắp, là tài sản quý báu của hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước, cần phải hết sức quý trọng và gìn giữ.
Chủ tịch Trung Quốc dẫn câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Việt Trung tình nghị thâm, đồng chí gia huynh đệ", khẳng định "hai nước chúng ta có chế độ chính trị giống nhau, quan niệm lý tưởng tương thông, lợi ích chiến lược nhất quán".
Ở phần cuối bài phát biểu, ông Tập tiếp tục dẫn 2 câu thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian hoạt động cách mạng ở Trung Quốc 1942-1943: "Núi cao lên đến tận cùng, Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non".
Theo ông Kiều Tỉnh, việc Chủ tịch Trung Quốc đưa ra các điểm nhấn liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh là một cách để thể hiện sự gần gũi và để nêu cao mối quan hệ "huynh đệ-đồng chí" truyền thống của hai Đảng, hai nước.
Đặc biệt, khi ông Tập nói điều này trước Quốc hội - cơ quan quyền lực tối cao đại diện cho nhân dân Việt Nam, ông có thể chuyển tải thông điệp đến toàn bộ người dân Việt Nam.
Ông Kiều Tỉnh bình luận: "Cần phải biết, rất hiếm trường hợp nguyên thủ nước ngoài sang thăm có cơ hội phát biểu trước Quốc hội Việt Nam, vì vậy có thể xem đây là cơ hội lớn để ông Tập Cận Bình chuyển tải thông điệp về tư tưởng, chiến lược của mình.
Việc ông nhận được sự đón tiếp chính thức của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng thể hiện rõ sự nhấn mạnh mối quan hệ hai Đảng trong chuyến thăm này."
Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kết thúc bài phát biểu tại Quốc hội lúc 11h12 sáng nay. Ông bắt tay các vị đại biểu Quốc hội trước khi rời hội trường Diên Hồng.
Trưa nay, Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hội kiến Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
Kết thúc chuyến thăm Việt Nam, vào khoảng 17h55 (giờ địa phương), máy bay chở đoàn đại biểu Trung Quốc do Chủ tịch Tập Cận Bình dẫn đầu đã đáp xuống sân bay Changqi, bắt đầu chuyến thăm Singapore cấp Nhà nước.