Vì sao chuyến thăm Việt Nam của ông Tập "vượt trên bình thường"?

Hải Võ |

Chuyến thăm Việt Nam cấp Nhà nước của Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có điểm khác biệt so với những người tiền nhiệm của ông.

Ông Tập Cận Bình thăm Việt Nam bằng "song trùng thân phận"

Khoảng 11h50 trưa thứ Năm (5/11), đoàn đại biểu do Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình dẫn đầu đã tới Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm Việt Nam cấp Nhà nước trong hai ngày.

Hãng tin Chinanews (Trung Quốc) cho biết, chỉ trong 3 ngày ngắn ngủi (5-7/11), Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tiến hành thăm cấp Nhà nước đối với Việt Nam và Singapore, trong đó ông tham dự các hoạt động ngoại giao với mật độ dày đặc.

Theo đó, Chủ tịch Trung Quốc sẽ xuất hiện tại nhiều hoạt động thúc đẩy chính trị, kinh tế, văn hóa...Tại Việt Nam, ông Tập Cận Bình đã có cuộc hội đàm với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào chiều 5/11.

Trong lịch trình thăm và làm việc tại Việt Nam, nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng hội kiến Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Ông Tập dự kiến có bài phát biểu 10 phút trước Quốc hội Việt Nam vào sáng nay.

Theo Chinanews, chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Tập Cận Bình được giới quan sát nước này đánh giá là "chuyến công du mang tính lịch sử" đối với tiến trình phát triển quan hệ Việt Nam-Trung Quốc và là một bước quan trọng để thúc đẩy xây dựng "vận mệnh chung" Trung Quốc-ASEAN.

Hãng tin này chỉ ra, bên cạnh những điểm "bình thường" của một chuyến thăm ngoại giao cấp Nhà nước, điều "vượt trên bình thường" là nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nhận được quy cách tiếp đón cao nhất từ phía Việt Nam.

Trong lễ đón chiều 5/11 tại Phủ Chủ tịch, 21 phát đại bác đã vang lên từ Hoàng thành Thăng Long vào lúc 15h15 để chào mừng Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình.

Sau đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình duyệt Đội danh dự Quân đội nhân dân Việt Nam.

Một chi tiết "trên bình thường" được Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) chú ý tới, đó là so với những người tiền nhiệm, chuyến thăm Việt Nam được ông thực hiện bên cạnh trong vai trò Chủ tịch Trung Quốc, là vai trò Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc.

Theo Hoàn Cầu, chi tiết này làm nổi bật đặc thù chuyến công du Việt Nam, nhấn mạnh hai nước cùng là các quốc gia xã hội chủ nghĩa do đảng Cộng sản lãnh đạo. Chuyên thăm của ông Tập Cận Bình vừa là đẩy mạnh quan hệ hai nước, cũng thắt chặt quan hệ hai Đảng.


Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm cùng Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 5/11 tại Văn phòng Trung ương Đảng. Ảnh: Xinhua

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm cùng Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 5/11 tại Văn phòng Trung ương Đảng. Ảnh: Xinhua

Nhấn mạnh quan hệ hai Đảng trong quan hệ hai nước

Chủ tịch Tập Cận Bình đã gọi chuyến thăm Việt Nam là "sang làm khách nhà láng giềng, đồng chí".

Đài phát thanh trung ương Trung Quốc (CNR) cho hay, những năm gần đây, Việt Nam-Trung Quốc thường xuyên tổ chức các chuyến thăm lẫn nhau của lãnh đạo cấp cao.

Điều này thể hiện song phương nắm chắc phương hướng lớn, phát huy vai trò to lớn đối với lợi ích cốt lõi của Việt Nam-Trung Quốc.

Phóng viên Lưu Nhạc của đài CNR viết: "Phần lớn người dân Trung Quốc không hề lạ lẫm đối với người láng giềng 'sông liền sông, núi liền núi' Việt Nam. Hai nước có truyền thống hữu nghị sâu sắc. Người dân Việt Nam rất chờ đợi chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình."

Chuyên gia Hứa Lợi Bình thuộc Viện khoa học xã hội Trung Quốc nhận định, chuyến thăm Việt Nam cấp Nhà nước của ông Tập có ý nghĩa "kế thừa và phát huy" vô cùng trọng yếu đối vơi quan hệ hai Đảng, hai nước trong nhiều năm tới.

Ông Hứa cho biết, Việt Nam là điểm giao quan trọng trong chiến lược xây dựng "Con đường tơ lụa" và "Con đường tơ lụa trên biển" thế kỷ XXI mà Bắc Kinh theo đuổi.

Hứa Lợi Bình phân tích: "Chiến lược 'một vành đai, một con đường' của Trung Quốc chắc chắn sẽ 'chắp cánh' cho mối quan hệ hợp tác Việt-Trung bay cao."

Ông này cũng cho rằng, dù song phương còn một số bất đồng, nhưng Việt Nam-Trung Quốc có thể thông qua giao lưu, trao đổi giữa hai Đảng, Chính phủ để giải quyết mâu thuẫn từ góc độ chiến lược và lâu dài.

Trong cuộc hội đàm giữa Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí cùng nỗ lực kiểm soát tốt và giải quyết thỏa đáng bất đồng trên biển, không để ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định, lành mạnh của quan hệ hai nước.

Trong cuộc hội kiến với Chủ tịch Tập Cận Bình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, cao về vấn đề trên biển; nhất là “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc” bằng các hành động thực tế, nhất quán.

Theo Thủ tướng, song phương cần sử dụng tốt cơ chế đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt - Trung, kiên trì thông qua hiệp thương và đàm phán hữu nghị, tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được.

Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam-Trung Quốc cần "chân thành và thẳng thắn trao đổi, nghiên cứu vấn đề phi quân sự hóa ở Biển Đông; bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông".


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Ngày hôm nay (6/11), bên cạnh chương trình phát biểu tại Quốc hội, Chủ tịch Trung Quốc sẽ đến đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thời báo Hoàn Cầu cho rằng, hoạt động này là cơ hội rất tốt để song phương cùng nêu cao tín niệm chung về chủ nghĩa cộng sản, cũng như mối quan hệ hợp tác truyền thống hình thành trong quá khứ.

Tờ này bình luận, các hoạt động của ông Tập không đơn thuần là một chuyến thăm ngoại giao, mà còn là động thái quan trọng để làm mềm mỏng quan hệ với khu vực ASEAN, trong đó Việt Nam là một nhân tố quan trọng.

Chuyên gia Phan Kim Nga thuộc Viện khoa học xã hội Trung Quốc trả lời phỏng vấn của Hoàn Cầu cho biết: "Việt Nam, Trung Quốc là một trong số ít quốc gia xã hội chủ nghĩa do đảng Cộng sản lãnh đạo.

Phương châm và đường lối phát triển lớn của quốc gia do Đảng đề ra. Do đó, mối quan hệ hai Đảng chiếm vị trí hết sức quan trọng trong quan hệ hai nước."

Chính vì vậy, chuyến thăm Việt Nam bằng "song trùng thân phận" của Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới thực sự mang ý nghĩa "vượt trên bình thường".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại