Phái đoàn Trung Quốc do Tập Cận Bình đứng đầu đã hạ cánh xuống sân bay Seattle hôm 22/9 vừa qua, khởi đầu chuyến công du Mỹ rất được chờ đợi của lãnh đạo Trung Quốc.
Trong lúc Tập Cận Bình thưởng thức sơn hào hải vị trong bữa ăn cấp nhà nước tại Nhà Trắng hôm 25/9 tới đây, có lẽ không ai sẽ nhắc đến một "sự thật mất lòng" rằng tại Mỹ, chỉ 38% người dân nước này ủng hộ Trung Quốc, và 28% ủng hộ những gì ông Tập đang làm trên cương vị lãnh đạo.
Nhưng phần còn lại của thế giới lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Theo số liệu từ các cuộc thăm dò dư luận do Pew tiến hành từ 2014 đến nay, thái độ của người dân toàn cầu với Trung Quốc nhìn chung là tích cực, nhưng thái độ với Tập Cận Bình thì không được như vậy.
Một số châu lục như Nam Mỹ hay châu Phi rất ủng hộ Trung Quốc, một số khác thì "yêu ghét lẫn lộn". Nhưng lòng tin vào việc ông Tập sẽ "làm điều đúng đắn trong các vấn đề mang tính toàn cầu" nhìn chung thấp hơn hẳn.
Dưới đây là 2 bản đồ do Pew tổng hợp lại từ kết quả các cuộc thăm dò dư luận thể hiện quan điểm của người dân trên thế giới về Trung Quốc và Tập Cận Bình. Màu xanh lá cây thể hiện thái độ tích cực, trong khi màu đỏ thể hiện sự bất bình hoặc mất lòng tin.
Quan điểm của người dân toàn cầu về Trung Quốc
Quan điểm của người dân toàn cầu về ông Tập Cận Bình
Sự ủng hộ đến từ những khoản đầu tư
Có thể thấy, người dân ở các nước Pew tiến hành thăm dò dư luận có quan điểm tương đối tích cực với Trung Quốc, nhất là các nước châu Phi và Nam Mỹ, hai châu lục nơi những khoản đầu tư đến từ quốc gia đông dân nhất thế giới được cảm nhận một cách rõ rệt nhất.
Đơn cử như ở Nam Mỹ, Trung Quốc đã hứa sẽ chi 10 tỉ USD xây dựng đường sắt kết nối các cảng Brazil và Peru, đồng thời cho biết sẽ thiết lập một nguồn vốn chung trị giá 50 tỉ USD giữa một ngân hàng quốc doanh Trung Quốc và một ngân hàng quốc doanh Brazil.
Trong khi đó, tại châu Phi, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong một chuyến công du năm 2014 đã tiết lộ ý định nâng tổng nguồn vốn đầu tư của nước này tại lục địa đen lên mức 100 tỉ USD trước năm 2020.
Hiện nay, nền kinh tế của một bộ phân không nhỏ các quốc gia châu Phi đang phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc, trong đó có các nước tham gia cuộc thăm dò dư luận của Pew như Ethiopia, Ghana, hay Senegal, cả 3 đều có tỉ lệ ủng hộ Trung Quốc rất cao (trên 70%).
Các số liệu cũng cho thấy, người Pakistan (82% ủng hộ) và người Nga (79% ủng hộ) có quan điểm tích cực nhất về Trung Quốc.
Từ trước đến nay, quan hệ Trung Quốc-Pakistan vốn đã tốt đẹp, nay lại được củng cố bởi một bản hợp đồng khí đốt và cơ sở hạ tầng trị giá 46 tỉ USD với tên gọi Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan được kí kết hồi tháng 4/2015.
Do đó, cũng không lấy gì làm ngạc nhiên khi tỉ lệ người dân Pakistan có quan điểm tích cực về Trung Quốc lại cao như vậy.
Bên cạnh đó, quan hệ Nga-Trung cũng đang "ấm" lên trong thời gian qua, thể hiện qua việc lãnh đạo mỗi nước đều có mặt tại buổi lễ kỉ niệm 70 năm chiến thắng phát xít do nước kia tổ chức, cũng như bản hợp đồng khí đốt đầy tham vọng với trị giá lên tới 400 tỉ USD năm ngoái.
Ngờ vực
Tại châu Âu, Bắc Mỹ, và các nước láng giềng của Trung Quốc, quan điểm thay đổi hẳn. Trong đó, người dân Nhật Bản "dẫn đầu" với 89% tỉ lệ phản đối các chính sách của Bắc Kinh, và 87% tỉ lệ không tin tưởng vào sự lãnh đạo của Tập Cận Bình.
Căng thẳng giữa hai cường quốc Đông Á này đã có được hàng thế kỉ nay, và lên đến đỉnh điểm trong Thế chiến thứ hai. Nay khi hòa bình lặp lại, tranh chấp tại Điếu Ngư/Senkaku là một trong những lý do khiến người Nhật có quan điểm tiêu cực về người láng giềng phía Tây.
Đáng nói hơn là kết quả cuộc thăm dò dư luận về quan điểm của người dân thế giới về Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho thấy, việc có thiện cảm với một quốc gia nhất định không đồng nghĩa với việc sẽ "thích" lãnh đạo nước đó.
Ngay tại các nước có quan điểm tích cực về Trung Quốc, tỉ lệ người dân ủng hộ ông Tập vẫn rất thấp. Ví dụ điển hình là Brazil, nơi 60% người dân được hỏi có quan điểm tích cực về Trung Quốc, nhưng có tới 66% không ủng hộ Tập Cận Bình.