Thâm ý trong cú ra đòn mới của "trùm an ninh Trung Quốc" là gì?

Thủy Thu |

Sau các chiến dịch "đả hổ" hay "săn cáo", ông Tập Cận Bình và "trùm an ninh" Vương Kỳ Sơn tiếp tục bắt tay trong nỗ lực nâng tầm cuộc chống tham nhũng của Trung Quốc năm 2016.

Tháng 2/2016, tại phiên họp sắp xếp nhân sự tổ chức thanh tra trung ương, chính phủ Trung Quốc đã phê chuẩn tiến hành thanh tra đợt 1 năm 2016 với 32 đơn vị đảng ủy, đồng thời tổ chức tái thanh tra đối với bốn tỉnh Liêu Ninh, An Huy, Sơn Đông và Hồ Nam.

Trước đó vào tháng 10/2014, tại hội nghị báo cáo Bộ chính trị Trung Quốc của Tiểu tổ lãnh đạo công tác thanh tra, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố: “Cần tăng cường tổ chức tái kiểm tra thanh tra.

Trong 31 tỉnh đã được thanh tra đều cần phải tổ chức tái kiểm tra thanh tra, ra đòn mã hồi thương sẽ khiến cho cán bộ các cấp ý thức được trách nhiệm và hậu quả việc làm của bản thân”.

Trước đó, Bí thư Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc (CCDI) Vương Kỳ Sơn cũng nhận định việc tung đòn "hồi mã thương" nhằm vào các quan chức, cơ quan từng qua kiểm tra là cần thiết để buộc họ phải "tự giác".


Bí thư CCDI Vương Kỳ Sơn dự Hội nghị bố trí công tác thanh tra 2016 tại Bắc Kinh, Trung Quốc hôm 23/2. Ảnh: Xinhua

Bí thư CCDI Vương Kỳ Sơn dự Hội nghị bố trí công tác thanh tra 2016 tại Bắc Kinh, Trung Quốc hôm 23/2. Ảnh: Xinhua

"Hồi mã thương" và lý do ra đòn

"Hồi mã thương" là bước đi tiếp theo trong chiến dịch chống tham nhũngđả hổ đập ruồi” của chính phủ Trung Quốc, được đề ra tại hội nghị bố trí công tác thanh tra đợt 2 năm 2014.

Tại hội nghị đợt 3 cùng năm, ông Vương Kỳ Sơn tiếp tục nhắc đến vấn đề “hồi mã thương”.

Ông cho rằng, giám sát không phải là hoạt động chỉ trong chốc lát mà cần sử dụng nhiều lần "hồi mã thương" đối với các tỉnh thành đã thanh tra qua nhằm kiểm soát chặt chẽ khả năng dính líu tham nhũng của các quan chức.

Hồi năm 2014, trong quá trình chuẩn bị triển khai công tác thanh tra đợt 3, Phó bí thư CCDI Trương Quân cho rằng, ba hình thức thanh tra thường được nhắc đến là: "Điểm huyệt", tuần tra và hồi phỏng (tức tái thanh, kiểm tra).

Ông Trương lý giải, hồi phỏng là hình thức tổ chức thanh tra lại những cơ quan đã từng được thanh tra qua.

Thậm chí, ngay cả khi các tín hiệu tham nhũng chưa rõ ràng nhưng nếu ra đòn "hồi mã thương" trước, thì sau đó trong quá trình kiểm tra có thể sẽ phát hiện được nhiều vấn đề mới.


Cảnh sát Trung Quốc tập trung tại trụ sở chính quyền tỉnh Liêu Ninh hồi năm 2014, khi một số quan chức lãnh đạo thành phố Thẩm Dương, thủ phủ tỉnh này bị cáo buộc tham nhũng. Ảnh: Reuters

Cảnh sát Trung Quốc tập trung tại trụ sở chính quyền tỉnh Liêu Ninh hồi năm 2014, khi một số quan chức lãnh đạo thành phố Thẩm Dương, thủ phủ tỉnh này bị cáo buộc tham nhũng. Ảnh: Reuters

Ra đòn lúc này liệu thời cơ đã chín muồi

Trang Đức Thủy - Phó chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu xây dựng liêm chính thuộc Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc đánh giá, Chính phủ Trung Quốc đã thanh tra quá bán các tỉnh thành của nước này và tin rằng năm 2016 là thời điểm hợp lý để bắt đầu chiến dịch "hồi mã thương".

Thứ nhất, điều kiện đã chín muồi. Trong quá trình tái thanh tra thường lệ và thanh tra chuyên trách từng hạng mục, Bắc Kinh đã tích lũy được ít nhiều kinh nghiệm kiểm tra.

Thứ hai, thời cơ cũng đã chín muồi, do trong quá trình thanh tra, chính phủ đã phát hiện không ít trường hợp vi phạm, đồng thời cũng phát hiện ra dấu chân của những “hổ lớn". Việc tóm gọn những “hổ” này đã thu hút được sự chú ý rất lớn của xã hội Trung Quốc.

Theo ông Trang, việc Bắc Kinh ra đòn ở thời điểm này được chính phủ Trung Quốc lý giải là điều tất yếu.

Một mặt để kiểm tra giám sát chính xác, khẳng định chắc chắc thành quả của những lần thanh tra trước.

Mặt khác, mục đích là để rà soát lại quá trình thanh tra trước, tự giác hoàn thiện và đúc rút kinh nghiệm thanh tra; đồng thời kiểm tra thêm những bằng chứng mới cho những vấn đề nổi cộm trước.

Đòn "hồi mã thương" sẽ khiến "hổ lớn" lộ diện?

Việc Bắc Kinh tái thanh tra bốn tỉnh Liêu Ninh, Sơn Đông, Hồ Nam và An Huy nằm ngoài dự đoán của dư luận Trung Quốc. Bởi từ trước đến nay, bốn tỉnh này chưa phát hiện ra các vụ vi phạm lớn và cũng rất ít cán bộ cao cấp "ngã ngựa".

So với lần thanh tra đầu, bốn tỉnh đều phát hiện những vụ vi phạm điển hình.

Ở Liêu Ninh xảy ra vụ án tham nhũng mua quan bán chức; An Huy lại xảy ra sự việc lợi dụng chức quyền, mưu lợi cá nhân; ở Sơn Đông là vụ án bức thư hơn 400 chữ hé lộ tình trạng mua chức quy mô lớn.

Ở tỉnh Hồ Nam tiêu biểu là vụ án hối lộ bầu cử, giao dịch chức quyền, mua bán các gói thầu xây dựng và chuyển nhượng đất.

Tính đến tháng 2/215, Trung Quốc đã tiến hành "đả hổ" trên toàn bộ 31 tỉnh với 8 đợt thanh tra.

Tổ trưởng tổ thanh tra Trung ương đợt 8 Ninh Diên Lệnh cho biết, CCDI đã xử lý, lập án điều tra hơn 40 quan chức cấp cao tham nhũng như Tô Vinh, Thân Duy Thần, Chu Minh Quốc v.v…

Theo Tuần báo kinh tế Trung Quốc, trong 31 tỉnh thành đã thanh tra qua, số lượng cán bộ bị sa thải ở mỗi tỉnh Sơn Đông, An Huy và Hồ Nam đều là 2 người, Liêu Ninh 1 người. So với các tỉnh khác số lượng cán bộ cấp cao bị sa thải ở bốn tỉnh này rất nhỏ.

Trong 7 quan chức này này có 4 vị là phó chủ tịch Chính hiệp tỉnh, hai vị là phó thường vụ tỉnh ủy và 1 vị là phó chủ tịch tỉnh.

Đặc biệt, trường hợp vi phạm kỷ luật của ông Vương Mẫn từng giữ chức Ủy viên thường vụ tỉnh ủy Sơn Đông, Bí thư thành ủy Tế Nam là một trường hợp điển hình.


Cựu Bí thư thành ủy Tế Nam Vương Mẫn. Ảnh: SCMP

Cựu Bí thư thành ủy Tế Nam Vương Mẫn. Ảnh: SCMP

Chiến dịch này sẽ diễn ra liên tục

Sau lần thanh tra này, rất nhiều câu hỏi được đặt ra cho chính phủ Trung Quốc. Liệu chiến dịch này sẽ còn được tiếp diễn hay những cơ quan đơn vị và tỉnh thành đã được điều tra sẽ được thả lỏng? Theo Tân Hoa Xã, toàn Trung Quốc vẫn còn hơn 70 cơ quan đơn vị chưa bị "sờ gáy".

Nếu chính phủ Trung Quốc tiến hành thanh tra ba vòng, mỗi vòng cử 15 tổ công tác thanh tra nhiều đợt thì vẫn đủ nhân lực để thực hiện tiếp các đợt thanh tra tiếp theo.

Trước mắt những đơn vị tỉnh thành nào sẽ bị thanh tra tiếp theo vẫn còn bỏ ngỏ.

Bắc Kinh tin rằng chiến dịch "hồi mã thương" phát hiện thêm những con cá lọt lướt và giúp "hướng cho những cán bộ từ suy nghĩ “không dám vi phạm” đến “không thể vi phạm” và “không muốn vi phạm”".

Bên cạnh đó, Giáo sư Trúc Lập Gia của Học viện hành chính quốc gia Trung Quốc đánh giá, công tác thanh tra của chính phủ Trung quốc mang tính quy phạm, thường lệ và lâu dài. Vì thế, công tác thanh tra sẽ được thực hiện nhiều lần.

Năm 2016, sau khi kết thúc lần thanh tra thứ nhất đối với bốn tỉnh trên, chắc chắn chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục thanh tra nhiều tỉnh thành khác nhằm duy trì lòng tin của xã hội.

Chiến dịch "hồi mã thương" của CCDI có ảnh hưởng lớn đến việc thanh lọc nội bộ đảng Cộng sản Trung Quốc, không chỉ sa thải được những quan chức thoái hóa mà còn củng cố mục tiêu tập trung quyền lực chính trị vào sự lãnh đạo của ông Tập.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại