Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 3/3, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cho biết sở dĩ Brussels không thông qua quyết định miễn thị thực cho công dân Ukraine là do nước này đã không thực hiện các cam kết thực hiện cuộc chiến chống tham nhũng.
Ông Jean-Claude Juncker thậm chí còn lên tiếng khẳng định rằng Ukraine sẽ không “có cửa” gia nhập EU hoặc NATO trong vòng 20-25 năm nữa.
“Chắc chắn Ukraine sẽ không thể gia nhập EU trong vòng 20-25 năm nữa và quy chế thành viên NATO cho Ukraine cũng sẽ như vậy”- Jean-Claude Juncker tuyên bố.
Theo nhận định của giới phân tích, việc quan chức cao cấp của EU thẳng thừng đưa ra tuyên bố trên là do nhiều lý do khác nhau.
Thứ nhất, những vấn đề nội tại hiện nay của EU khiến quá trình tiếp tục kết nạp thành viên mới trở nên khó khăn hơn nhiều.
Thứ hai, nội bộ EU không có thiện cảm để kết nạp thêm Ukraine. Điều này thể hiện rất rõ qua việc Hà Lan thời gian tới sẽ tổ chức cuộc trưng cầu dân ý liên quan đến quá trình liên kết của Ukraine với EU.
Kết quả thăm dò dư luận xã hội cho thấy hiện đa số người dân Hà Lan đang sẵn sàng nói “không” với quá trình liên kết với EU của Ukraine.
Trong khi đó, triển vọng gia nhập NATO thậm chí còn bi đát hơn đối với Ukraine.
Khác với EU, NATO vẫn đang tiếp tục quá trình mở rộng và cũng không đòi hỏi các nước muốn gia nhập NATO phải đáp ứng được các tiêu chí Masstricht (Hiệp ước Masstricht, đặt ra các tiêu chí về kinh tế cần thiết để quốc gia nào đó gia nhập EU).
Việc gia nhập NATO đối với Ukraine còn dễ hơn việc gia nhập EU.
Tuy nhiên, những tuyên bố của ông Jean-Claude Juncker cho thấy NATO hoàn toàn không muốn xung đột với Nga vì tiếp nhận một thành viên đang có nhiều vấn đề đáng ngại như Ukraine.
Một Thổ Nhĩ Kỳ “ngang bướng” luôn đặt NATO vào mối rủi ro đối đầu với Nga hiện là quá đủ đối với NATO.
So với trước kia, hiện EU vẫn chưa hứa hẹn điều gì mới với Ukraine. Cả NATO và EU trước đó đã phát đi các tín hiệu cho rằng họ không mong đợi một thành viên như Ukraine.
Những tuyên bố của giới lãnh đạo EU và NATO hiện đang đặt Tổng thống Ukraine Poroshenko vào tình thế hết sức khó xử.
Ông Poroshenko từ trước đến nay vẫn sử dụng con bài “tương lai gia nhập EU và NATO” để giải thích cho việc gia tăng tiền điện nước, cắt giảm chi tiêu cho các lĩnh vực xã hội và hủy hoại mối quan hệ với Nga.
Và khi “tương lai” này trở nên u ám, con bài này sẽ dẫn đến những tác dụng ngược lại khi bị người dân phản ứng mạnh mẽ. Không loại trừ khả năng ngay chính giới cộng sự của Poroshenko sẽ quay lại cáo buộc Tổng thống phá hỏng các nỗ lực gia nhập EU của Ukraine.
Thêm một điểm bất lợi nữa đối với Ukraine đến từ các tuyên bố của Liên Hợp Quốc.
Ủy ban nhân quyền của Liên Hợp Quốc đã lên tiếng yêu cầu Ukraine chấp hành các văn kiện do chính quyền địa phương Donbass (miền Đông Ukraine) và Nga đưa ra cho công dân vùng này.
Yêu cầu này của Liên Hợp Quốc trên thực tế đã phủ nhận những tuyên bố của Kiev về việc các “phần tử khủng bố” đang nắm giữ vai trò lãnh đạo Lugansk và Donetsk, đồng thời thừa nhận rằng ở Ukraine đang xảy ra xung đột.
Ngoài ra, bản báo cáo của Liên Hợp Quốc còn lên án mạnh mẽ chính sách bao vây, cô lập Crimea do Kiev tiến hành.
Tương lai sẽ ra sao?
Theo phân tích của giới chuyên gia, việc EU và NATO đưa ra những tuyên bố trên cho thấy hai tổ chức này dường như đang muốn “cách Ukraine càng xa càng tốt”.
Chính sách của EU với Ukraine dường như đang thay đổi. Châu Âu đang dần thừa nhận sự thất bại trong “cuộc thử nghiệm ở Ukraine” của mình nên muốn hướng đến đối thoại với Moscow.
Việc châu Âu ngừng kéo dài các lệnh cấm vận chống Nga sẽ là tín hiệu rõ ràng nhất cho mong muốn đối thoại với Nga của EU.
Về mặt lý thuyết, hiện Ukraine vẫn có cơ hội để ngăn chặn quá trình “nghiêm túc hóa” mối quan hệ của EU với Nga nhưng để làm được điều này, Kiev phải bằng cách nào đó làm mất uy tín của Moscow.
Tuy nhiên, tham vọng này của Ukraine sẽ khó có thể thực hiện được vì Nga vẫn đang theo đuổi quan điểm ôn hòa đối với các hành động không tương xứng của Kiev và chỉ phản ứng theo nguyên tắc “qua lại” (Nếu Ukraine ngăn chặn đường đi của xe tải Nga thì Nga cũng sẽ ngăn chặn đường đi của xe tải Ukraine).
Nỗ lực cuối cùng của Ukraine nhằm “bôi nhọ” Nga cũng không đem lại kết quả. Ngoại trưởng Ukraine Pavel Klimkin lên tiếng yêu cầu Ủy ban nhân quyền của Liên Hợp Quốc đến Crimea để theo dõi tình hình nhân quyền tại đây.
Chính phủ Nga công khai chào đón đoàn thanh tra của Ủy ban nhân quyền và cả các chính trị gia phương Tây đến Crimea.
Sau các chuyến thăm của các chính trị gia phương Tây và các tổ chức của Liên Hợp Quốc, hai phương án được đưa ra về chủ quyền của Nga đối với Crimea.
Phương án đầu tiên là hợp pháp hóa chủ quyền của Nga đối với Crimea. Phương án thứ hai là trả lại Crimea cho Ukraine với điều kiện phải trục xuất hơn 2 triệu người Crimea mong muốn không phải quay trở lại với Ukraine.
Tất cả các chính trị gia, các tổ chức quốc tế đều lựa chọn phương án đầu tiên.
Sự kiện này cho thấy phương Tây đang thực sự muốn thúc đẩy đối thoại với Nga và không muốn kết nạp thêm Ukraine để gia tăng đối đầu với Nga.
Rõ ràng, giấc mơ “trời Âu” vẫn đang thực sự xa vời đối với Ukraine.