Nga đã có "chiến lược rút lui"
Cho tới nay, kế hoạch về một lệnh ngừng bắn của Nga ở Syria đang khá hiệu quả, chỉ có một số vi phạm nhỏ.
Điều phối viên nhân đạo của LHQ tại Syria, ông Yacoub el-Hillo đánh giá, lệnh ngừng bắn này là "cơ hội tốt nhất cho tương lai hòa bình và ổn định lâu dài mà người dân Syria có được trong vòng 5 năm qua".
Những từ ngữ ca ngợi thỏa thuận ngừng bắn được ông Hillo đưa ra một cách khá thận trọng, nó cho thấy Syria mới giành được cơ hội tốt nhất để có được hòa bình và ổn định, chứ chưa phải là dân chủ và tái thống nhất.
"Thỏa thuận ngừng bắn là một bước đi lớn trong việc phân vùng quốc gia này. Một Syria trước đây không thể hồi sinh nữa, nhưng ít nhất thì nó cũng giúp chấm dứt cảnh bắn giết" - nhà báo, nhà sử học người Canada Gwynne Dyer nhận định.
Khi Nga bắt đầu can thiệp quân sự vào Syria 5 tháng trước đây, một lệnh ngừng bắn, một kết quả như hiện nay là dường như là điều nằm ngoài tầm với.
Ở thời điểm đó, cuộc nội chiến cướp đi sinh mạng của hơn 300.000 người Syria, khiến một nửa dân số nước này phải rời bỏ nhà cửa, đã được "xác định" là sẽ kéo dài nhiều năm nữa.
Không quân Nga đã không tốn nhiều thời gian để thành công trong việc ngăn chặn sự sụp đổ của chính quyền Assad cũng như cuộc "chinh phạt" rộng khắp Syria mà các lực lượng Hồi giáo cực đoan đang nhanh chóng tiến hành.
Song, Nga không có ý định sẽ duy trì mãi chiến dịch quân sự tốn kém và không có hồi kết trong một cuộc chiến tranh đã rơi vào bế tắc. Họ cần "chiến lược rút lui", và họ đã có được nó.
Ông Dyer chỉ ra, chiến lược chính trị của Nga là bảo vệ quyền kiểm soát của Assad trên lãnh thổ đông dân cư sinh sống hơn, "chặt" đường vận chuyển vũ khí và tay súng tình nguyện qua biên giới Thổ cho nổi dậy Syria rồi gây chia rẽ liên minh phiến quân Hồi giáo - phi Hồi giáo.
Trong khi đó, "chiến lược của Mỹ được tính toán để tiêu diệt cùng một lúc IS và chế độ Assad mà không cần sự trợ giúp của bất cứ lược lượng trên bộ nào, trừ người Kurd ở Syria".
Ông Dyer cho rằng, chiến lược của Mỹ là "không tưởng".
Thậm chí, nhiều quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ và Lầu Năm Góc cũng đều nhận thức được rằng, kết quả thực tế của chiến lược này sẽ trao Syria vào tay Hồi giáo cực đoan, và bí mật vui mừng khi Nga can thiệp nhằm cứu chính quyền trung ương Syria.
Chiến lược của Nga còn chưa đầy một bước nữa là "xong"
Các cuộc không kích của Nga đã giúp quân đội của Assad đuổi các tay súng nổi dậy ra khỏi những thành phố chiến lược ở Syria. Trong một tháng qua, quân đội Syria, liên minh với người Kurd, đã cắt đứt tuyến đường tiếp viện chính từ Thổ Nhĩ Kỳ của phiến quân.
Nga chỉ còn nốt một phần chiến lược cần phải thực hiện: chia rẽ liên minh giữa các nhóm phiến quân Hồi giáo và phi Hồi giáo.
Tới nay, khi mà đối lập "ôn hòa" chấp nhận tuân thủ lệnh ngừng bắn tạm thời, còn các nhóm phiến quân Hồi giáo cực đoan thậm chí còn không được mời tham gia nó, thì Nga dường như đã gần chạm tay tới thứ mình cần.
Quân đội Syria, với sự yểm trợ của Nga và các đồng mình, đã giành lại nhiều thành phố trọng yếu tại Syria.
"Nếu Mỹ chấp nhận thực tế không mấy ngọt ngào rằng lệnh ngừng bắn tạm thời cho phép chính quyền Assad giữ vững quyền kiểm soát lãnh thổ hiện tại của mình (với 2/3 dân số Syria), thì nội chiến Syria sẽ co lại thành cuộc chiến của cả thế giới chống Hồi giáo cực đoan
Nếu lệnh ngừng bắn tạm thời trở thành lệnh ngừng bắn vĩnh viễn, thì cuộc chiến ở Syria sẽ chỉ còn diễn ra tại khu vực IS kiểm soát ở phía đông và bắc Syria, lãnh thổ do al-Nusra và đồng minh Ahrar al-Sham của chúng ở tây bắc".
Như vậy, Nga không chỉ thành công trong chiến lược mà nước này đã đề ra với Syria, mà còn có được cơ hội để cùng Washington tái thiết lập mối quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn nữa.