Hồi tuần trước, Tổng thư ký Hội đồng an ninh quốc gia Thái Lan Paradorn Pattanathabutr phát biểu trong cuộc gặp với các nhà khoa học, nghiên cứu biển Đông của nước này rằng Bangkok rất quan ngại những căng thẳng ngày càng gia tăng liên quan tới tranh chấp trên biển Đông và muốn tham gia tìm hướng giải quyết.
Trước đó, hồi tháng 4, tại ĐH Thammasat ở Bangkok đã diễn ra hội thảo về biển Đông giữa các nhà nghiên cứu Việt Nam cùng giới học giả và chuyên gia quốc phòng Thái Lan.
Trong đó, đại diện nước chủ nhà tuyên bố với vai trò điều phối viên quan hệ ASEAN - Trung Quốc năm nay, Thái Lan sẽ tích cực thúc đẩy tiến trình giải quyết tranh chấp trên tinh thần hòa bình và tôn trọng luật quốc tế.
Đến ngày 23.5, tờ The Nation, nhật báo tiếng Anh hàng đầu Thái Lan, đăng bài xã luận cho rằng các nước ASEAN không liên quan trực tiếp đến tranh chấp như Thái Lan, Indonesia và Singapore có thể đóng góp nhiều hơn vào giải quyết tranh chấp.
Vấn đề biển Đông có tác động đến an ninh, ổn định của cả khối ASEAN và cả khu vực tây Thái Bình Dương. Bài báo còn khuyến cáo Trung Quốc rằng nếu không có những bước đi tích cực cụ thể thì nỗ lực ngoại giao của Bắc Kinh “sẽ bị xem là những lời hứa sáo rỗng và làm xói mòn thiện chí với ASEAN”.
Với tinh thần trên, Thái Lan đang là một trong những thành viên ASEAN tích cực góp phần tìm cách tăng cường đoàn kết trong khối, giảm căng thẳng trong khu vực, trước mắt là mau chóng tiến tới Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC).
Nước này đã đề xuất một cuộc họp giữa đại diện các thành viên ASEAN vào tháng 8 để thống nhất quan điểm về biển Đông, chuẩn bị cho cuộc họp ASEAN -Trung Quốc vào tháng 9.2013 với trọng tâm là COC.
“Không thể không làm gì”
Trả lời phỏng vấn của Thanh Niên tại Bangkok, cựu Giám đốc Viện Nghiên cứu Đông Á thuộc ĐH Thammasat là ông Surachai Sirikrai nhận định: “Những diễn biến gần đây nhất cho thấy vấn đề ngày càng phức tạp, đe dọa an ninh cho cả khu vực. Là thành viên ASEAN và là một nước Đông Nam Á, Thái Lan không thể không làm gì (về biển Đông). Nếu không sẽ bị ảnh hưởng về chính trị lẫn kinh tế”.
Một số ý kiến cho rằng trước đây, Thái Lan không muốn tham gia quá sâu vào vấn đề biển Đông một phần là do quan hệ đối tác khá chặt chẽ về kinh tế lẫn quân sự với Trung Quốc, phần nữa là nước này vừa trải qua một giai đoạn nhiều biến động về chính trị cũng như phải đối phó bất ổn tại miền nam.
Tuy nhiên, theo ông Surachai, tranh chấp biển Đông ngày càng trở nên nổi cộm trong quan hệ ASEAN - Trung Quốc, đe doạ phá vỡ quan hệ hợp tác này nếu căng thẳng tiếp tục leo thang. Và với vai trò điều phối viên luân phiên quan hệ ASEAN - Trung Quốc năm nay, Thái Lan sẽ phải có nhiều động thái tích cực, ông Surachai nhận định.
Trong khi đó, Giáo sư Thanyathip Sripana thuộc ĐH Chulalongkorn bác bỏ quan niệm rằng Thái Lan thờ ơ về biển Đông. “Thái Lan rất quan tâm nhưng ban đầu muốn để các bên tự giải quyết. Tuy nhiên, thực tế không như mong muốn và đây là thời điểm thích hợp để chính phủ Thái Lan tham gia nhiều hơn”, bà Thanyathip nói với Thanh Niên.
Trước câu hỏi Thái Lan sẽ làm được gì trong giải quyết tranh chấp biển Đông, các chuyên gia nước này cho rằng Bangkok sẽ tích cực đóng vai trò trung gian, cùng tìm ra hướng giải quyết thích hợp nhất.
Trước mắt có thể là đàm phán với Trung Quốc thông qua một bộ COC toàn diện, thích hợp. “Tuy nhiên phải thừa nhận rằng đó là nhiệm vụ khó khăn đối với chính phủ Thái Lan khi mà Trung Quốc quá cứng rắn, muốn giành hết về phía mình”, Giáo sư Thanyathip nhận định.