Chiến dịch cứu hộ quy mô lớn đang được triển khai tại vùng biển phía nam đảo Lampedusa của Ý, cách bờ biển Libya 27km, với sự tham gia của 3 trực thăng cùng 20 tàu của Ý, Hải quân Malta các tàu thương mại.
Cho đến tối 19/4 (giờ Việt Nam) mới có 28 người được cứu sống, 24 thi thể được trục vớt và đưa lên một tàu quân sự của Ý, BBC đưa tin.
AP dẫn lời phát ngôn viên lực lượng bảo vệ bờ biển Ý cho biết, chiến dịch tìm kiếm hiện tập trung vào việc trục vớt thi thể nạn nhân.
Toàn bộ lực lượng ở Lampedusa đang tích cực tham gia giải quyết vụ tai nạn có thể trở thành cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất trên Địa Trung Hải từ trước đến nay.
Thủ tướng Malta Joseph Muscat thông báo, lực lượng cứu hộ đang “tìm kiếm những người sống trong số thi thể nổi trên mặt nước”. Báo Times of Malta dẫn lời ông Muscat nói rằng đây có thể là thảm họa di cư lớn nhất thời hiện đại trên Địa Trung Hải.
Một người sống sót nói được tiếng Anh kể rằng, có ít nhất 700 người trên tàu. Tàu bị lật khi nhiều người dồn về một bên để thu hút sự chú ý của một chiếc tàu thương mại đi qua với hy vọng được cứu, nhưng hậu quả khiến tàu bị lật úp.
Lampedusa là điểm cực nam của Ý, gần với châu Phi hơn vùng nội địa của Ý. Người dân địa phương nói rằng, từ tháng 1, khi Liên minh châu Âu (EU) kiểm soát việc tuần tra trên biên giới biển của châu Âu, khoảng 9.000 - 10.000 người di cư đã đến Lampedusa.
Khoảng 1.000 người di cư đang ở trong trung tâm giam giữ ở Lampedusa - hòn đảo có dân số chỉ 5.000 người.
Chiến dịch cứu hộ, trợ giúp người di cư mang tên Mare Nostrum do Ý phụ trách bị dừng từ năm ngoái, sau khi một số thành viên EU nói rằng, họ không đủ tiền để trang trải chi phí, trong khi nhiều người lo nó đang khuyến khích di cư.
EU đang triển khai hoạt động tuần tra biên giới hạn chế hơn mang tên Triton.
Vụ tai nạn mới nhất lại làm dấy lên những lời kêu gọi châu Âu phản ứng mạnh mẽ hơn với cuộc khủng hoảng di cư chết người ngày càng tồi tệ trên Địa Trung Hải. Chương trình Triton bị các tổ chức nhân đạo quốc tế và chính quyền Ý chê trách.
“Bi kịch đang diễn ra trên Địa Trung Hải, nếu EU và thế giới tiếp tục nhắm mắt, họ sẽ bị phán xét bằng những cụm từ khắc nghiệt nhất giống như trước đây nhiều người nhắm mắt trước những nạn diệt chủng”, Thủ tướng Malta Muscat nói.
Thủ tướng Ý Matteo Renzi nói rằng, châu Âu đang đứng nhìn “sự tàn sát có hệ thống trên Địa Trung Hải” một cách vô tình.
Ông Justin Forsyth, Giám đốc tổ chức từ thiện Save the Children, thúc giục EU tái khởi động các chiến dịch tìm kiếm. “Sự tồi tệ đang xảy ra trên Địa Trung Hải không phải một vụ tai nạn, mà là kết quả trực tiếp từ chính sách của chúng ta”, ông Forsyth nói.
Kể từ đầu năm nay, ít nhất 900 người di cư thiệt mạng khi cố vượt qua Địa Trung Hải. Chỉ trong tuần qua, lực lượng bảo vệ bờ biển Ý đã cứu 10.000 người khi tàu chở họ bị trục trặc.
Năm ngoái, số lượng kỷ lục 170.000 người chạy trốn đói nghèo và xung đột ở châu Phi và Trung Đông đã tìm đường sang châu Âu qua Ý. Vài ngàn người trong số đó đã bỏ mạng giữa hành trình.