Thông tin từ hạm đội Thái Bình Dương (Mỹ) cho biết tàu đổ bộ USS Ashland của hải quân nước này vừa mới thực hiện tuần tra định kỳ ở Biển Đông hôm 26-2 sau khi tham gia cuộc tập trận quân sự Hổ mang vàng 2016 ở Thái Lan.
Tàu USS Ashland đang hướng về quân cảng Sasebo, Nhật Bản để thực hiện các hoạt động cứu trợ nhân đạo và thiên tai.
Vì chúng tôi là một quốc gia nhỏ nên chúng tôi rất tôn trọng nguyên tắc thế giới phải tuân thủ theo luật. Nói một cách khác, chúng ta không thể sống trong thế giới mạnh được yếu thua.
Ngoại trưởng Singapore VIVIAN BALAKRISHNAN
Trung Quốc không dám “hạ” Mỹ
Chỉ huy trưởng tàu USS Ashland Dan Duhan cho hay các sĩ quan và thủy thủ trên tàu làm việc với tinh thần chuyên nghiệp cao khi thực hiện các hoạt động tuần tra định kỳ trên Biển Đông.
Ông Dan Duhan nói những cuộc tuần tra như thế này giúp ích nhiều hơn trong công tác huấn luyện sĩ quan trên tàu cũng như giúp các thủy thủ canh gác trên tàu áp dụng những kỹ năng của họ vào thực tế theo luật biển quốc tế.
Hạm đội Thái Bình Dương cho biết trong những tháng gần đây, các tàu hải quân nước này đã thực hiện những hoạt động tuần tra tương tự trong khu vực hoạt động của hạm đội 7 bao gồm tàu khu trục tên lửa lớp Arleigh Burke như USS Curtis Wilbur, USS Lassen, USS Preble, tàu đổ bộ tấn công đa năng USS Essex, tàu tuần dương USS Chancellorsville trang bị tên lửa dẫn đường và tàu tác chiến ven biển USS Fort Worth.
Giáo sư Carl Thayer - Học viện Quốc phòng Úc - nhận định rằng khi Mỹ thực thi chiến dịch bảo đảm tự do hàng hải, Trung Quốc sẽ có “những phản ứng mang tính hình thức” và điều đó sẽ không tạo ra môi trường rủi ro hơn đối với các hoạt động của Mỹ.
“Chắc chắn Trung Quốc sẽ không dám bắn hạ máy bay do thám Poseidon của Mỹ” - ông Thayer cho biết. Tuy nhiên, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ gia tăng các hoạt động đối đầu cả trên không lẫn trên biển để thiên hạ biết đến.
Trung Quốc đang cố gắng xoa dịu những người theo chủ nghĩa dân tộc ái quốc trong nước và thuyết phục các quốc gia ASEAN rằng chính Mỹ mới là nguyên nhân gây căng thẳng.
“Theo tôi, việc Trung Quốc lắp đặt hệ thống radar trên đảo Phú Lâm và các đảo nhân tạo ở Biển Đông mới thật sự đáng lo ngại hơn” - ông Thayer cảnh báo.
Trung Quốc đang gia tăng xây dựng năng lực tình báo, giám sát và do thám, từ đó sẽ có thể phản ứng nhanh hơn đối với hành động xâm nhập của các tàu và máy bay quân sự nước ngoài.
Mối đe dọa với Việt Nam
“Trung Quốc sẽ xây dựng năng lực mạnh theo thời gian để rồi sau đó âm mưu độc chiếm không gian hàng hải.
Đây là một mối đe dọa tiềm tàng đối với Việt Nam và các tàu tiếp tế cho các đảo mà Việt Nam đang quản lý” - giáo sư Thayer lên tiếng cảnh báo.
Ông Thayer cũng gợi ý giải pháp: “Việt Nam cần vận động các quốc gia ASEAN tăng cường hợp tác, chẳng hạn như đẩy mạnh Diễn đàn cảnh sát biển ASEAN.
Ngoài ra, Việt Nam nên tham gia các cuộc tuần tra chung với Philippines. Cuối cùng, Việt Nam nên thảo luận với Mỹ về loại tập trận quân sự nào mà hai bên có thể cùng thực hiện được”.
Trong khi đó, nhà nghiên cứu độc lập của Mỹ David Brown - từng làm ngoại giao - nhận định: “Việc Trung Quốc đưa tên lửa đất đối không đến đảo Phú Lâm, đảo lớn nhất ở quần đảo Hoàng Sa, không gây ngạc nhiên cho tôi.
Nó đơn giản chỉ là bước đi mới nhất trong chiến dịch âm mưu làm bá chủ Biển Đông của nước này. Chiến thuật từng bước độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh là rất rõ”.
Theo ông Brown, Trung Quốc có vẻ tin chắc các lực lượng của họ và Mỹ không thể chung sống hòa bình trong khu vực được gọi là “Chuỗi đảo thứ nhất” (kéo dài từ Đài Loan đến Singapore).
Do đó, những động thái gây căng thẳng gần đây của Bắc Kinh không chỉ đe dọa các quốc gia Đông Nam Á mà còn ngăn cản lực lượng hải quân của Mỹ và các nước đồng minh tiếp cận Biển Đông và biển Hoa Đông.
Nhưng ông cũng nhận định Mỹ và Nhật sẽ không khuất phục trước sức mạnh quân sự đang gia tăng của Bắc Kinh, vì họ có lợi ích chiến lược trong tuyến đường giao thương hàng hải quan trọng kéo dài từ eo biển Singapore đến Đông Bắc Á.
Các hoạt động tự do hàng hải của hải quân Mỹ và các cuộc diễn tập chung với lực lượng hải quân của một số nước Đông Nam Á có thể được xem là một phản ứng toàn diện đối với các tuyên bố chủ quyền lãnh hải sâu rộng và phi lý của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, chỉ hành động của Mỹ và các nước đồng minh Nhật Bản và có thể cả Úc là chưa đủ để phản ứng với các hành động khiêu khích của Trung Quốc.
ASEAN phải nhận thức rằng những áp lực mà Trung Quốc đặt lên Việt Nam và Philippines hiện nay sẽ được nối tiếp bởi các động thái làm suy yếu Malaysia, Singapore và Indonesia.
“Trừ khi ASEAN đồng lòng, còn không chúng ta sẽ nhìn thấy Trung Quốc tiếp tục gia tăng các nỗ lực tạo ra “những thực tế” trên Biển Đông” - ông Brown kết luận.
“Về việc Trung Quốc “la làng” tự bảo vệ mình và cáo buộc Mỹ mới là bên quân sự hóa ở Biển Đông, tôi cho rằng chúng ta không nên nghe những tuyên bố của Trung Quốc ở Biển Đông bởi rõ ràng đây là những tuyên bố dựa trên các yêu sách chủ quyền sai trái.
Chúng ta phải hiểu rằng những người phát ngôn của Trung Quốc đang ở một vị trí khó khăn để bảo vệ các chính sách sai trái, vô căn cứ và không thể biện hộ được về mặt đạo đức của nước này”.
GS Jonathan London (ĐH Thành thị Hong Kong)