Tình hình biển Đông: Mỹ phải làm gì để dập tắt tham vọng của TQ?

Long Nam |

Có nhiều vấn đề Mỹ cần đẩy mạnh thực hiện để góp phần gìn giữ tự do hàng hải, đối phó với sự hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông và không bị Bắc Kinh "nhìn bằng nửa con mắt".

Ý đồ của Trung Quốc

Tạp chí National Interest (Mỹ) ngày 26/2 đăng tải bài phân tích của chuyên gia về chính trị và an ninh Trung Quốc Dean Cheng đánh giá, việc lắp đặt tên lửa ở Hoàng Sa và cải tạo đảo nhân tạo ở Trường Sa (trái phép) là một phần trong kế hoạch dài hơi của Bắc Kinh nhằm thống trị Biển Đông.

Trung Quốc đã ngang ngược tuyên bố chủ quyền đối với 80% diện tích biển Đông, bao gồm quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam, thông qua yêu sách "đường chín đoạn" phi lý, bất chấp sự phản đối từ các nước ASEAN và xã hội quốc tế.

Trung Quốc đang ngày càng trở nên hung hăng với những tuyên bố chủ quyền vô giá trị của mình. Bộ trường Quốc phòng Mỹ Ashton Carter chỉ ra, từ tháng 12/2013, Bắc Kinh đã tiến hành bồi lấp, cải tạo trái phép hơn 11.73 km2 diện tích đảo, đá ở biển Đông.

Ngoài ra, Trung Quốc đang xây một loạt các cơ sở hạ tầng trái phép ở Trường Sa và Hoàng Sa, bao gồm các đường băng dài hơn 3 km.

Những đường băng này được xây với ý đồ hạ cất cánh các loại máy bay như Concorde và dài hơn các đường bằng dành cho Su-27. Quân đội Trung Quốc cũng mở rộng phi pháp cơ sở hạ tầng không quân cho phép triển khai máy bay quân sự thế hệ mới như J-11.

Mới đây nhất, Trung Quốc bố trí phi pháp hệ thống tên lửa đất đối không HQ-9 trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Việc triển khai hệ thống này tạo ra vùng nguy hiểm có bán kính 200 km quanh quần đảo Hoàng Sa và đánh dấu sự gia tăng đáng ngại về quy mô cũng như sức mạnh của quân đội Trung Quốc đóng (phi pháp) ở đây.


Trung Quốc cho tàu hải cảnh và tàu cá dân sự trá hình hoạt động dày đặc trên biển Đông để che mắt dư luận và phủ nhận quân sự hóa. (Ảnh minh họa: Xinhua)

Trung Quốc cho tàu hải cảnh và tàu cá "dân sự" trá hình hoạt động dày đặc trên biển Đông để che mắt dư luận và phủ nhận quân sự hóa. (Ảnh minh họa: Xinhua)

Che mắt dư luận bằng con bài "dân sự hóa"

Trung Quốc không chỉ dựa vào sức mạnh quân sự để củng cố các tuyên bố chủ quyền phi pháp của mình.

Bắc Kinh sở hữu một trong những đội tàu bảo vệ bờ biển lớn nhất thế giới và đang bổ sung hàng chục nghìn tàu (có quy mô tương đương nhiều tàu tuần dương thời Thế chiến II) vào lực lượng này.

Ở Biển Đông, Trung Quốc sử dụng tàu hải cảnh và tàu cá “dân sự” để quấy rối hoặc thậm chí phá hủy tàu của các nước khác.

Như để che mắt dư luận, Trung Quốc muốn tuyên bố rằng mình không quân sự hóa các tranh chấp, viện lý do rằng những tàu trên là tàu dân sự của lực lượng thực thi pháp luật.

Việc sử dụng tàu chấp pháp cũng gửi thông điệp chính trị bóng gió rằng Biển Đông là "lãnh thổ quốc gia" của Trung Quốc. Do đó, Trung Quốc tiến hành tuần tra Biển Đông bằng lực lượng dân sự thay vì quân đội.

Điều này còn được củng cố bằng cơ chế hành chính chứa nhiều âm mưu nguy hiểm.

Với ý đồ kiểm soát và chiếm đoạt các đảo, đá trên biển Đông, Trung Quốc ngang nhiên lập ra cái gọi là "thành phố Tam Sa", có trụ sở chính quyền đặt phi pháp trên đảo Phú Lâm, và trao cho quyền quản lý hành chính (trái phép) các đảo đá kể trên.


Động thái quân sự hóa biển Đông rõ rệt nhất của Bắc Kinh bị lộ khi ảnh vệ tinh tố cáo nước này đưa trái phép các hệ thống tên lửa HQ-9 hiện đại và radar lên đảo Phú Lâm của Việt Nam. (Ảnh: Stratfor)

Động thái quân sự hóa biển Đông rõ rệt nhất của Bắc Kinh bị lộ khi ảnh vệ tinh tố cáo nước này đưa trái phép các hệ thống tên lửa HQ-9 hiện đại và radar lên đảo Phú Lâm của Việt Nam. (Ảnh: Stratfor)

Vào năm 2014, Bắc Kinh đã sử dụng một con bài mới khi triển khai giàn khoan Hải dương 981 xâm phạm chủ quyền Việt Nam và tác nghiệp trái phép.

Vương Nghi Lâm, chủ tịch của Tập đoàn Dầu khí Hải dương Quốc gia Trung Quốc (CNOOC), đơn vị sở hữu Hải dương 981, trắng trợn gọi giàn khoan này là “lãnh thổ quốc gia di động”.

Việc tăng cường gây hấn của Trung Quốc, được triển khai bằng các phương tiện dân sự có hỗ trợ của quân đội, rõ ràng là nhằm thiết lập thế thống trị trên Biển Đông, NI khẳng định.

Biển Đông là một trong những tuyến vận tải biển bận rộn nhất thế giới, vận chuyển số hàng hóa trị giá 5.3 nghìn tỷ USD mỗi năm.

Theo NI, Mỹ đã "bỏ bê" khu vực chiến lược này quá lâu.

Tính đến mùa hè này, Mỹ đã không thực hiện chiến dịch tự do hàng hải (FONOP) "thực chất" quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép ở Trường Sa trong ba năm, thậm chí kể cả khi Mỹ mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận đa quốc gia mang tên Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC).

Mỹ không có phản ứng trực tiếp nào đối với các động thái gần đây của Trung Quốc ngoài việc Ngoại trưởng John Kerry lên tiếng chỉ trích Bắc Kinh. Washington dường như đang thực hiện chính sách “giải trừ leo thang”, một cách nói giảm của chủ trương nhượng bộ - tạp chí của Mỹ đánh giá.

Trung Quốc đòi "dằn mặt" cả thế giới

NI nhận định, giới lãnh đạo Trung Quốc dường như không muốn dừng leo thang ở Biển Đông. Trái lại, việc triển khai HQ-9 mới đây là hành vi leo thang quân sự và Bắc Kinh biết rõ điều đó.

Bắc Kinh phát đi lời cảnh báo dành cho Washington rằng: Những ngày Mỹ có thể ung dung đi lại ở khu vực sắp hết.

Một hoặc hai dàn tên lửa đất đối không thế hệ mới ở Hoàng Sa sẽ không làm thay đổi không gian chiến lược.

Nhưng điều này sẽ thay đổi một khi các đường băng (xây trái phép) ở Trường Sa được hoàn tất. Khi đó Trung Quốc có thể chuyển thêm nhiều tên lửa hơn đến các cứ điểm mà nước này vẫn ngông cuồng xây dựng ở Đá Vành Khăn và Bãi Cỏ Mây, thuộc chủ quyền Việt Nam.

NI chỉ ra, nếu Trung Quốc tạo một mạng lưới phòng không tích hợp – gồm tên lửa thế hệ mới, các chiến đấu cơ đặt tại nhiều cứ điểm rải rác và khu trục hạm Type 052D, kết nối bằng hệ thống máy bay cảnh báo sớm và radar trên đất liền, thì đối phó Trung Quốc sẽ trở thành nhiệm vụ phức tạp với Mỹ.

Sẽ không còn là một vài va chạm nhỏ lẽ nữa mà có thể phát triển thành xung đột toàn diện. Các nỗ lực khẳng định quyền tự do hàng hải bên trong hệ thống phòng không này sẽ vấp phải thái độ hung hăng của Bắc Kinh.

Ngoài ra, nhiều nhà quan sát dự đoán Trung Quốc sẽ thua trong vụ kiện với Philippines theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).

Việc gia tăng quân sự hóa ở Hoàng Sa và Trường Sa cho thấy Bắc Kinh muốn kiểm soát chặt chẽ hai quần đảo này, bất chấp phán quyết của Tòa thường trực quốc tế The Hague (PCA).


Vào tháng 12/2013, tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Cowpens của Mỹ hoạt động tại vùng biển quốc tế ở Biển Đông đã bị 1 chiến hạm khác thuộc hải quân Trung Quốc cắt ngang và dừng trước tàu Mỹ chỉ 500 m, buộc USS Cowpens chuyển hướng khẩn cấp để tránh va chạm. Ảnh: US Navy

Vào tháng 12/2013, tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Cowpens của Mỹ hoạt động tại vùng biển quốc tế ở Biển Đông đã bị 1 chiến hạm khác thuộc hải quân Trung Quốc cắt ngang và dừng trước tàu Mỹ chỉ 500 m, buộc USS Cowpens chuyển hướng khẩn cấp để tránh va chạm. Ảnh: US Navy

Mỹ phải làm gì để kiềm chế tham vọng của Trung Quốc?

Tạp chí NI phân tích, trong tình hình leo thang hiện nay, Mỹ phải thể hiện được giá trị siêu cường đi đầu của mình. Washington cần phải đưa ra các phản ứng mạnh mẽ và nhất quán hơn.

1. Triển khai tàu tuần duyên của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ đến châu Á

Trung Quốc đã thành công trong việc che mắt dư luận về tình hình Biển Đông khi trói tay các nước bằng trò chơi "dân sự" trá hình. Nhờ đó, Trung Quốc không ngần ngại tuyên bố rằng nước này không quân sự hóa Biển Đông.

Washington không thể thua trong cuộc chiến dư luận này, NI khẳng định. Lực lượng Bảo vệ Bở biển của Mỹ cần đóng vai trò tích cực hơn. Chẳng hạn như cử một hoặc hai tàu tuần duyên của họ đến Sasebo, Nhật Bản hoặc Singapore.

Việc này sẽ cho phép Mỹ tham gia thường xuyên hơn vào hoạt động thực thi pháp luật dân sự, phối hợp với các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

2. Thúc đẩy hợp tác hàng hải

NI chỉ ra, việc Trung Quốc bố trí các hệ thống tên lửa phi pháp và thúc đẩy hoạt động cải tạo đảo nhân tạo trái phép ở biển Đông đã gây sức ép lớn lên các quốc gia trong khu vực vốn phải chịu trách nhiệm giám sát vùng đặc quyền kinh tế và hàng ngàn km bờ biển của mình.

Theo NI, khi quân đội Mỹ thay thế máy bay tuần tra hàng hải đời cũ P-3 Orion bằng P-8 Poseidon hiện đại hơn, họ nên cân nhắc bán hoặc chuyển nhượng những máy bay này cho các nước trong khu vực mà có thể dùng năng lực bay kéo dài để giám sát lãnh hải hiệu quả hơn.

Thậm chí trong trường hợp này, Mỹ không nên áp dụng các ràng buộc của Quy tắc Mua bán Vũ khí Quốc tế (ITAR).

3. Tăng cường hợp tác chính trị và quân sự với khu vực

Vấn đề ITAR liên quan đến vấn đề lớn hơn, đó là các rào cản pháp lý cho hợp tác quân sự. Vẫn còn hạn chế trong quan hệ của Mỹ với một số quốc gia Đông Nam Á.

Bài phân tích trên NI cho rằng, Mỹ cần duy trì các nguyên tắc phổ quát của mình nhưng cũng cần ưu tiên các mục tiêu chiến lược, bao gồm việc duy trì ổn định trong một khu vực trọng yếu của thế giới như biển Đông.

4. Duy trì hiện diện mạnh mẽ

NI khẳng định, từ các vụ quấy rối tàu USNS Impeccable và USNS Victorious của Mỹ năm 2009 cho đến gần như đâm phải tàu USS Cowpens năm 2013, hành động của Trung Quốc cho thấy nước này đang "xem người Mỹ bằng nửa con mắt".

Cần phải làm rõ rằng Mỹ sẽ không vì bị đe dọa mà nhượng bộ quyền lợi và từ bỏ đồng minh cùng đối tác của mình - tờ tạp chí cho biết.

5. Bắt Trung Quốc phải trả giá cho hành vi gây hấn

Sự hung hăng của Trung Quốc đã gây ra hệ lụy tiêu cực và điều này cần phải thay đổi. Ít nhất, Mỹ cần "gạch tên" Trung Quốc khỏi RIMPAC 2016 - nơi mà Bắc Kinh có cơ hội để thu thập thông tin tình báo không chỉ của Mỹ mà của các đồng minh quan trọng như Australia và Nhật Bản.

Vào năm 2014, Bắc Kinh cử một tàu gián điệp đi theo các tàu tham dự tập trận của mình mà Chỉ huy RIMPAC Samuel Locklear vẫn có thái độ hoan nghênh.

Động thái đáng kể hơn là Mỹ có thể chấp nhận áp dụng quy tắc bảo vệ đồng minh đối với Philippines giống như những gì nước này đang làm với Nhật Bản.

NI cho hay, động thái đó sẽ giúp Mỹ gửi tín hiệu cảnh cáo tới Bắc Kinh rằng bất kỳ hành vi bành trướng nào của nước này đều sẽ gặp phải phản ứng thực sự của Mỹ. Điều này sẽ buộc Trung Quốc phải e dè hơn với tham vọng "bá quyền" của mình trên biển Đông.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại