Tại sao Trung Quốc chưa gây hấn với Nga?

Tại sao Trung Quốc lại bỏ qua cho Nga? Phải chăng Trung Quốc cũng e ngại sức mạnh của một cường quốc quân sự mạnh hàng đầu như Nga hay vì một lý do nào khác?

Ảnh minh họa
Đây là hình ảnh trong một cuộc tập trận chung giữa Nga và Trung Quốc gần đây.

Sự quyết liệt của Trung Quốc

Với sức mạnh gia tăng, Trung Quốc bắt đầu tranh chấp quyết liệt lãnh thổ, lãnh hải với các nước láng giềng. Sự quyết liệt này tăng tỉ lệ thuận với sức mạnh của Trung Quốc. Trong vài năm trở lại đây, Bắc Kinh liên tiếp “làm dậy sóng” trở lại các cuộc tranh chấp trên biển cũng như “đốt nóng” tình hình ở những khu vực biên giới tranh chấp trên đất liền.

Người ta có thể dễ dàng liệt kê một loạt bước đi, động thái của Trung Quốc cho thấy sự quyết liệt và có phần hung hăng của Trung Quốc trong “cuộc chiến” tranh giành lãnh thổ, lãnh hải với các nước khác. Gần đây nhất, Trung Quốc vừa tuyên bố thành lập một lực lượng bảo vệ bờ biển để có thể tiến hành các chuyến tuần tra thường xuyên hơn ở những vùng biển tranh chấp, trong đó có Biển Đông và biển Hoa Đông.

Ngoài ra, chưa có lúc nào mà lực lượng tàu thuyền Trung Quốc, cả tàu dân sự, bán quân sự, quân sự trá hình và tàu chiến, lại hoạt động mạnh mẽ khắp các vùng biển như thời điển này. Tàu thuyền Trung Quốc thường xuyên được đưa vào các vùng tranh chấp, gây ra những cuộc chạm trán nguy hiểm trên biển với tàu thuyền các nước khác. Trung Quốc thậm chí còn đưa cả máy bay, chiến đấu cơ đến bầu trời vùng biển tranh chấp. Những cuộc tập trận cũng được tổ chức ở cấp độ thường xuyên hơn.

Lập trường cứng rắn của Trung Quốc được sự cổ vũ của giới truyền thông. Sự cổ vũ này thậm chí còn “đẻ” ra những thứ như trò chơi trên mạng có tên Sứ mệnh Danh dự, trong đó người chơi có thể tham gia vào một cuộc chiến chống lại lưc lượng của Nhật Bản ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư – trung tâm của cuộc tranh chấp “nóng rừng rực” giữa Trung Quốc và Nhật Bản trong suốt nhiều tháng qua. Song song với những bước đi trên, chính phủ ở Bắc Kinh tiếp tục ra sức thúc đẩy việc phát triển, củng cố và mở rộng sức mạnh cho Hải quân, đặc biệt là đóng tàu sân bay, tàu ngầm hạt nhân và sử dụng những chiếc tàu chiến này để giành quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ, lãnh hải tranh chấp.

Không chỉ trên biển, trên đất liền, Trung Quốc cũng tỏ ra không kém phần cứng rắn. Những tháng vừa qua, người ta chứng kiến không ít cuộc đụng độ, đối đầu căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ ở khu vực biên giới hai nước (còn được gọi là Đường Kiểm soát Thực tế - LAC). Trung Quốc thường xuyên đưa quân xuyên qua biên giới, thâm nhập sâu vào vùng lãnh thổ do Ấn Độ kiểm soát để tuần tra rồi thậm chí còn dựng trại ở đây suốt nhiều ngày và đập phá cơ sở, thiết bị của phía Ấn Độ.

Trong khi gần xung quanh lãnh thổ Trung Quốc liên tục “có sóng gió” thì đường biên giới dài tới 4.300km giữa nước này với Nga lại khá yên bình. Đây là một điều đặc biệt khiến nhiều người chú ý và có phần ngạc nhiên.

Trung Quốc không “bỏ qua” Nga

Sở dĩ nhiều người ngạc nhiên về sự yên bình “bất thường” ở khu vực biên giới Nga-Trung là vì hai nước vốn có tranh chấp lãnh thổ căng thẳng và từng bùng nổ thành chiến tranh đẫm máu những năm 1970.

Tuy nhiên, bất chấp những tranh chấp lãnh thổ vẫn ngầm ngầm nóng bỏng ở bên trong, giới quan chức Trung Quốc gần đây vẫn tìm cách “né” hoặc nói giảm, nói tránh về vấn đề biên giới với Nga. Không những thế, ở thời điểm này, người ta còn thấy quan hệ Nga-Trung nồng ấm một cách khác thường. Hai nước liên tục tiến hành các cuộc tập trận chung và giới quan chức hai bên luôn miệng khẳng định về mối quan hệ hợp tác gắn bó.

Dù vậy, hàng triệu người Nga sống ở khu vực biên giới với Trung Quốc tin rằng, Bắc Kinh không “bỏ qua” cuộc tranh chấp với họ và việc Trung Quốc quyết liệt đòi chủ quyền ở khu vực biên giới với Nga không phải là vấn đề có hay không mà chỉ là vấn đề khi nào.

Rất có thể, tại thời điểm này, Trung Quốc hiểu rằng, họ không nên và không được gây bất hòa với một cường quốc lớn như Nga. Điều này sẽ gây bất lợi cho họ. Nhìn ra xung quanh vào thời điểm này, Trung Quốc rõ ràng đang bị bao vây bởi một vòng tròn các quốc gia đồng minh với Mỹ và cường quốc số 1 Châu Á cũng đối mặt với sự dè chừng, e ngại của các nước láng giềng khác sau những hành động quyết liệt, có phần hung hăng của nước này trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải.

Lập trường cứng rắn của Trung Quốc trong các cuộc tranh chấp trên biển và trên đất liền đã làm lợi cho Mỹ bởi nó diễn ra đúng thời điểm chính quyền của Tổng thống Barack Obama đang tích cực thúc đẩy việc thực hiện chuyển hướng trọng tâm về Châu Á-Thái Bình Dương. Đây được xem là một chiến lược nhằm kiềm chế sự nổi lên của Trung Quốc.

Khi Trung Quốc lấn tới trong các cuộc tranh chấp biên giới, biển đảo thì nước này đã đẩy các nước láng giềng ra xa họ hơn và tiến lại gần hơn với Mỹ. Điều đó lý giải tại sao liên minh Mỹ, Philippines hay Mỹ, Nhật Bản trở nên thân thiết hơn và quan hệ Mỹ, Ấn được tăng cường mạnh mẽ hơn. Cùng với đó, các nước có tranh chấp khác cũng đang nhìn về Trung Quốc với ánh mắt lo ngại và có ý đề phòng.

Trong bối cảnh như vậy, nếu Trung Quốc cũng tranh chấp quyết liệt lãnh thổ với Nga thì rõ ràng cường quốc Châu Á tự đẩy mình vào tình thế quá nguy hiểm. Nước này sẽ tự mình đối đầu với một “đội quân” các cường quốc hùng hậu như Mỹ, Nga, Ấn Độ và Nhật Bản cùng với một loạt các nước “vệ tinh” khác.

Bắc Kinh thừa hiểu về sự nguy hiểm này. Chính vì thế, giới lãnh đạo Trung Quốc đã có bước đi đầy tính toán là hòa dịu và thắt chặt mối quan hệ với Nga. Sở dĩ Trung Quốc chọn Nga là vì nước này không chỉ là một cường quốc quân sự mạnh, có uy mà bản thân Moscow cũng có chung một địch thủ với Bắc Kinh – đó là Mỹ.

Kết hợp với Nga, Trung Quốc không chỉ tạo được một thế đối trọng khá lợi hại mà còn giúp họ tránh được một cuộc đối đầu với nước mạnh như Nga. Tuy nhiên, người ta tin rằng, sau khi đạt được mục tiêu nhất định trong các cuộc tranh chấp trên biển và trên đất liền với các nước láng giềng Châu Á, Trung Quốc chắc chắn sẽ quay sang cuộc tranh chấp biên giới với Nga.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại