Tại sao Triều Tiên phạt công dân Mỹ án khổ sai?

Giới phân tích gọi bản án này là "cái cớ" để Bình Nhưỡng đòi hỏi một chuyến thăm của một nhân vật cấp cao từ Washington.

Mỹ, Triều Tiên, Kenneth Bae, án khổ sai, lá bài
Kenneth Bae

Công dân Mỹ Kenneth Bae đã bị phía Triều Tiên tạm giữ 6 tháng trước khi bị đem ra xét xử và lĩnh án 15 năm lao động khổ sai vì "những hành động thù địch" chống phá nhà nước, theo báo chí Triều Tiên.

Hành động này có thể sẽ dẫn đến một chuyến thăm của một nhân vật Mỹ cấp cao như lịch sử từng chứng kiến nhiều trường hợp tương tự.

Kenneth Bae, một công dân bang Washington được bạn bè mô tả là một người Thiên chúa giáo ngoan đạo. Nhà điều hành tour du lịch này là người Mỹ thứ 6 bị bắt giữ ở Triều Tiên kể từ năm 2009.

Những người khác cuối cùng đều được trả tự do mà không phải thụ án, một số trường hợp sau các chuyến thăm của các nhân vật cấp cao Mỹ tới Bình Nhưỡng, trong đó có hai cựu Tổng thống Bill Clinton và Jimmy Carter.

Với các mối quan hệ Mỹ - Triều vốn đã lạnh giá càng trở nên tồi tệ sau khi Bình Nhưỡng phóng tên lửa cách đây hơn một năm, Triều Tiên đang tìm kiếm một cuộc gặp tương tự như vậy, theo Ahn Chan-il, Giám đốc Viện Thế giới về các nghiên cứu Triều Tiên ở Hàn Quốc.

"Triều Tiên đang sử dụng Bae như một quân bài để yêu cầu một cuộc gặp như vậy diễn ra. Một nhân vật quan trọng của Mỹ tới Bình Nhưỡng cũng sẽ làm bóng tài lãnh đạo của Kim Jong-un", ông Ahn bình luận.

Nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un đã lên nắm quyền sau khi cha ông, Kim Jong-il, qua đời hồi tháng 12/2011. Triều Tiên đã phải đối mặt với sự chỉ trích tăng cao của cộng đồng quốc tế quanh những tham vọng hạt nhân của nước này. Các cuộc hội đàm về giải giáp gồm Triều Tiên, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Nga đã đổ vỡ năm 2009.

Một số vòng cấm vận của Liên Hợp Quốc cũng không khiến Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân. Thậm chí nước này còn khẳng định không những phải duy trì mà còn phải phát triển vũ khí hạt nhân để tự bảo vệ mình trước một Washington thù địch.

Giọng điệu của Bình Nhưỡng gần đây đã dịu bớt, tiếp sau những tuần lễ với hàng loạt lời đe dọa, kể cả chiến tranh hạt nhân và tấn công tên lửa. Đã có một số dấu hiệu thăm dò về ngoại giao, và cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn, một khởi nguồn khiến Triều Tiên, kết thúc ngày 30/4.

Ở Washington, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết bộ này đang làm việc với Đại sứ quán Thụy Điển ở Bình Nhưỡng để xác nhận tin tức về bản án dành cho Bae. Washington không có quan hệ ngoại giao chính thức với Bình Nhưỡng và dựa vào Thụy Điển để giải quyết các vấn đề ngoại giao liên quan đến công dân Mỹ tại đây.

Phiên xử Bae về các tội danh "thực hiện những hành động thù địch" chống lại Triều Tiên diễn ra tại Tòa án Tối cao ngày 30/4, theo tin từ hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA.

Theo báo chí Triều Tiên, Bae bị bắt hồi đầu tháng 11 ở Rason, một đặc khu kinh tế tại khu vực đông bắc Triều Tiên giáp với Trung Quốc và Nga. Bạn bè và đồng nghiệp cho biết Bae ở thành phố Dalian của Trung Quốc và thường xuyên tới Triều Tiên để chăm sóc các trẻ mồ côi.

Mỹ, Triều Tiên, Kenneth Bae, án khổ sai, lá bài
Hai phóng viên Laura Ling và Euna Lee được cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton giúp giành lại tự do sau khi bị tạm giữ ở Triều Tiên hồi tháng 8/2009.

Trường hợp của Bae có nhiều điểm tương đồng với một vụ việc hồi năm 2009. Sau khi Bình Nhưỡng phóng một tên lửa tầm xa và thử hạt nhân lần thứ 2 dưới lòng đất cùng năm đó, hai phóng viên Mỹ là Laura Ling và Euna Lee đã bị kết án 12 năm lao động khổ sai vì lẻn sang Triều Tiên từ biên giới Trung Quốc.

Sau đó, hai người được ân xá vì các lý do nhân đạo và được trả tự do về nước theo cựu Tổng thống Clinton, người đã gặp tới Triều Tiên gặp gỡ lãnh đạo nước này, khi đó là ông Kim Jong-il. Các cuộc hội đàm Mỹ - Triều đã diễn ra sau đó trong năm.

Vào năm 2011, cựu Tổng thống Carter cũng tới Triều Tiên và giành được tự do cho tù nhân Mỹ Aijalon Gomes, người bị kết tội 8 năm lao động khổ sai vì vượt biên trái phép từ Trung Quốc.

Eddie Jun, người Mỹ gốc Triều Tiên, được trả tự do năm 2011 sau khi Robert King, đặc sứ Mỹ về nhân quyền Triều Tiên, có chuyến đi tới Bình Nhưỡng. Jun bị tạm giữ nửa năm vì một tội danh không được nêu cụ thể.

Các nhà chức trách Mỹ và Liên Hợp Quốc cáo buộc Triều Tiên đối xử tệ với những người đối lập. Tuy nhiên, các công dân nước ngoài bị bắt thường kể nhiều câu chuyện khác nhau về cảnh họ bị giam cầm ở Triều Tiên. Hai phóng viên Mỹ bị phạt án khổ sai năm 2009 cho biết họ ở trong một nhà khách thay vì ở một trại lao động như báo chí lo ngại.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại