Giới quân sự Mỹ thực sự lo lắng về mối đe dọa từ Nga?
Vấn đề "mối đe dọa từ phía Nga" đã gây ra sự tranh cãi giữa chính quyền Mỹ và Lầu Năm Góc về những thách thức chính đang đe dọa an ninh quốc gia của Hoa Kỳ, cũng như về các phương án tùy chọn để giáng trả nguy cơ này.
Tạp chí trực tuyến của Mỹ The Daily Beast nhận định rằng, "trong khi Nhà Trắng tập trung vào thỏa thuận hạt nhân với Iran đã đạt được, với sự tham gia trực tiếp của Moscow, thì Lầu Năm Góc đang ngày càng lo ngại về sự trở lại của "gấu Nga".
Tổng thống Mỹ Barack Obama mới phát biểu rằng, ông nhận thấy mối nguy hiểm lớn nhất đối với các thế hệ tương lai là sự thay đổi khí hậu và thất vọng lớn nhất của ông trong thời gian làm người đứng đầu nhà nước là không thể củng cố nguyên tắc kiểm soát súng thành văn bản pháp lý.
Tạp chí The Daily Beast còn dẫn ra số liệu của một cuộc thăm dò dư luận do CNN thực hiện.
Về bản chất, người dân Mỹ cho rằng, "mối đe dọa lớn nhất" đối với Hoa Kỳ là các phiến quân Hồi giáo IS, Iran và Triều Tiên. Và "mối đe dọa từ phía Nga” đứng cuối cùng trong danh sách này.
Tạp chí The Daily Beast còn lưu ý rằng, tại Lầu Năm Góc đang diễn ra một quá trình rất khác thường. Họ thực hiện cuộc luân phiên quy mô lớn các nhà chỉ huy quân sự. Điều này nhằm mục đích gì?
Lầu Năm Góc luôn đưa ra luận thuyết “mối đe dọa từ Nga”
Mỗi ứng viên cho chức vụ cao trong Bộ Quốc phòng phải trả lời câu hỏi quan trọng nhất: Ai là mối đe dọa chính đối với an ninh quốc gia của Hoa Kỳ? Các tướng Mỹ đều gọi Nga là mối đe dọa chính đối với an ninh của Mỹ.
Theo họ, đây là quốc gia duy nhất có thể tiêu diệt Hoa Kỳ.
Có thể liệt kê một danh sách bao gồm: Tướng Joseph Dunford - tân Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân hay ứng cử viên cho vị trí Phó Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Paul Selva hoặc Tư lệnh tối cao NATO tại châu Âu Philip Breedlove và ứng cử viên cho chức Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Mỹ tướng Mark Milly.
Vậy tại sao giới chức quân sự Mỹ luôn coi Nga là mối đe dọa lớn nhất? Đó là do một số nguyên nhân sau đây:
Ngăn chặn sự hồi sinh của một cường quốc quân sự
Trước hết đó là bởi vì các tướng lĩnh Hoa Kỳ thích đối đầu với Nga trên tư cách “kẻ thù cũ", quen thuộc hơn là đối mặt với các mối đe dọa mới mà họ không thể đối phó nổi, ví dụ như Tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” IS.
Giới quân sự Mỹ cố gắng thuyết phục chính quyền Obama về “mối đe dọa hiện thực từ phía Nga”.
Họ làm như vậy vì lý do chính trị, bởi trước hết là muốn ngăn chặn sự trỗi dậy của một cường quốc quân sự giống như Liên Xô, có thể đe dọa vị trí độc tôn của Mỹ.
Ngoài ra, việc coi Nga là mối đe dọa lớn nhất cũng buộc chặt châu Âu vào “cỗ xe tù” của Mỹ, khiến EU không thể xích lại gần Nga, bao vây, cô lập Moscow với các nước trong khu vực, nhằm ngăn chặn ảnh hưởng ngày càng lớn của nước Nga đối với châu Âu.
Hơn nữa, các quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc cho rằng, quan điểm coi Nga là "mối đe dọa lớn nhất" sẽ mở đường cho các đợt cung cấp vũ khí Mỹ cho Kiev, đồng thời tăng cường quân bị đến đông Âu và Baltic, điều mà trước đây Hiệp ước không xâm phạm Nga-Mỹ không cho phép.
Tạp chí The Daily Beast cho biết, ngân sách Lầu Năm Góc cho năm 2015 cấp khoảng 1 nghìn tỷ USD cho mục đích "đáp ứng kịp thời các nhu cầu ngày càng tăng của các đồng minh và đối tác ở Trung và Đông Âu".
Nhưng, Nhà Trắng nói "không" với bất kỳ nỗ lực cung cấp vũ khí gây chết người cho Kiev.
Ngay cả nội bộ cơ quan quốc phòng Mỹ, không phải tất cả các quan chức chủ chốt đều tin rằng, cần phải thông qua những quyết định như vậy.
Lý do của những bất đồng này là dễ hiểu, bởi thực sự những quan chức quân sự Mỹ cũng không coi Nga là mối nguy hiểm thực sự.
Sự thật nguyên nhân Lầu Năm Góc sợ Nga
Trước cuộc khủng hoảng kinh tế Ukraine, Nga vẫn trong giai đoạn khôi phục nền kinh tế đã suy sụp sau khi Liên Xô tan rã, thực lực quân sự của Moscow vẫn không so được với Washington, chiến lược quân sự cũng không mang tính toàn cầu.
Vậy tại sao Nga luôn là “mối đe dọa với Mỹ”? Ở đây còn một lí do khác. Mượn Nga làm cái cớ để tăng ngân sách quân sự, bán vũ khí
Việc tuyên truyền về hình ảnh của “ngáo ộp” Nga cũng khiến cho chính quyền Mỹ phải tăng ngân sách quân sự, gia tăng nhân lực và củng cố cơ sở vật chất để “kiềm chế Nga” và duy trì địa vị bá chủ quân sự toàn cầu.
Đây là mục đích tối thượng của Mỹ và họ không bao giờ từ bỏ.
Theo tạp chí trực tuyến Mỹ, tất cả những người quả quyết về "mối đe dọa từ phía Nga" đều đại diện cho khối công nghiệp - quân sự Mỹ, mà theo truyền thống, khối này vẫn luôn định hướng phát triển nhằm vào việc chuẩn bị cho cuộc chiến với Liên Xô.
Trong thế giới tư bản của Mỹ, tất cả những chính sách mà Washington đưa ra đều do các trùm tư bản đứng sau giật dây.
Do đó, tất cả những hoạch định chiến lược, trước hết phải phục vụ cho quyền lợi của giới tài phiệt.
Mỹ dựng lên hình ảnh “ngáo ộp Nga” để tăng ngân sách quốc phòng và bán vũ khí?
Xây dựng hình ảnh nước Nga xâm lược sẽ khiến các nước đồng minh phải tăng cường ngân sách quân sự, tăng cường mua vũ khí Mỹ.
Cùng với ngân sách chi cho vũ khí của bản thân Hoa Kỳ, những nguồn lợi khổng lồ sẽ chảy vào túi các tập đoàn chế tạo vũ khí Mỹ.
Do đó, Mỹ luôn phải tìm kiếm “những mối nguy hiểm mới”, tiến hành “những cuộc chiến tranh mới” hay gây ra “những khu vực bất ổn mới” để thế giới luôn loạn lạc, giúp Lầu Năm Góc luôn sử dụng trực tiếp hay tiêu thụ hết kho vũ khí luôn thừa thãi của mình.
Sau đó, Bộ quốc phòng Mỹ sẽ tiếp tục ủy thác những những đơn hàng vũ khí mới cho các tập đoàn chế tạo vũ khí khổng lồ của mình.
Không phải ngẫu nhiên mà hai ông lớn Lockheed Martin, Boeing của Mỹ luôn dẫn đầu Top 100 doanh nghiệp quốc phòng lớn trên thế giới.
Vòng quay chiến tranh của Mỹ sẽ không bao giờ ngừng lại và trong đó Nga sẽ luôn là “động lực phát triển”, là “mục đích ngăn chặn”, là “nguyên nhân ngụy biện” của quân đội Hoa Kỳ, đồng thời cũng là “nguồn gốc lợi nhuận” của các ông trùm tư bản vũ khí Mỹ!