Nhiều quốc gia Đông Âu đồng tình với quan điểm của Tổng thống mới của Ba Lan rằng cần có một lực lượng thường xuyên của NATO tại khu vực này để đề phòng các nguy cơ từ phía Nga.
Báo Đài Tiếng nói nước Mỹ (VOA) trích lời ông Kei Giles, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Xung đột London và là một chuyên gia Chương trình Nga châu Âu của Viện Chatham, cho biết: “Càng tiến về phía Tây Âu sẽ càng nhận rõ những lo lắng của các quốc gia tại đây”.
Ông cho rằng hành động của Nga tại Ukraine làm dấy lên nhiều mối lo ngại về ý định của nước này đối với các nước thuộc Liên Xô cũ.
“Đây không phải là một vấn đề mới. Đó là việc mà Ba Lan nói riêng và các quốc gia vùng Baltic nói chung đã đề cập trước đó.
Chỉ là trước khi xảy ra khủng hoảng tại Ukraine, sự việc chỉ được nhìn nhận trong khối NATO và ở một vài khía cạnh là trong khu vực châu Âu. Tất nhiên, giờ thì những quan ngại đó đã được chứng minh là đúng”, ông nói.
Ba Lan có đường biên giới chung với khu vực Kaliningrad của Nga.
Đây là vùng có sự hiện diện quân sự dày đặc, ngăn cách với đất liền Nga bởi Lithuania và vùng biển Baltic. Moscow cho rằng sự hiện diện thường xuyên của NATO ở Ba Lan là một hành động xâm lược.
Giles lập luận rằng Kremlin đang cố gắng lấy lại tầm ảnh hưởng toàn cầu của mình bằng cách tăng cường sức mạnh bên ngoài biên giới.
“Tôi cho rằng một trong những điểm chính giúp tăng cường sự hiện diện của NATO ở các quốc gia tiền tiêu là chặn đứng các cơ hội dễ dàng dành cho Nga.
Moscow thường xuyên lặp lại rằng một số nước vùng Baltic là lãnh thổ của Nga trước kia và Nga có thể dùng sức mạnh quân sự khi cần thiết để lặp lại trật tự”, Giles phân tích.
Việc Nga tiến quân vào Georgia năm 2008 đã khiến các nước thuộc Liên Xô cũ choáng váng.
Không giống như NATO, Nga đã tổ chức một vài cuộc tập trận quy mô lớn như một lời cảnh báo gửi đến các hàng xóm phương Tây và cả Ukraine.
Lời đáp trả của NATO
Hồi tháng 6 vừa qua, NATO tuyên bố Mỹ có thể củng cố thêm sức mạnh cho các đồng minh, những nước lo sợ mối đe dọa từ Nga như Ba Lan và các nước Baltic bằng cách cung cấp thêm hàng trăm xe tăng và điều hàng nghìn quân đến đây.
Đây sẽ là cuộc triển khai quân sự lớn nhất ở Đông Âu kẻ từ thời Xô Viết.
Robert Pszczel, người đứng đầu Cơ quan Thông tin NATO có trụ sở tại Brussels, cho rằng: “Không có một ý định hay ẩn ý gì chống lại người Nga.
Nhưng các thành viên NATO cần phải đáp trả lại những thách thức an ninh mà Nga đem tới thông qua các hành động của mình”.
Kể từ khi xảy ra khủng hoảng Ukraine, các phương tiện truyền thông Nga thường lên tiếng chỉ trích NATO khi cho rằng khối này đã phá vỡ lời hứa không bành trướng sang phía Đông và lôi kéo các quốc gia Liên Xô cũ gia nhập khối.
Kremlin muốn Ukraine tuyên bố trở thành một nước trung lập và không bao giờ gia nhập NATO. Các nhà phân tích cho rằng việc Nga hỗ trợ quân sự cho lực lượng nổi dậy là để đảm bảo mục tiêu này.
Pszczel cho rằng thái độ của Nga đối với Ukraine cho thấy nước này vẫn còn định kiến về quyền của các quốc gia Xô Viết cũ.
“Chúng tôi không can dự vào quyền lợi của các nước thành viên thuộc các tổ chức khác như Tổ chức Hiệp ước An ninh Chung hay tổ chức hợp tác Thượng Hải.
Vì vậy, chúng tôi cũng hy vọng các nước khác, bao gồm cả Nga, không can thiệp vào quyền lựa chọn con đường riêng của các nước khác”, ông nói.
Pszczel nhận định thêm, dù quan hệ Nga-NATO lên xuống thất thường từ năm 2010 đến nay nhưng nhìn chung hai bên đều khá hợp tác.
“Tôi cho rằng nói một cách công bằng thì cả hai bên đều nỗ lực phát triển quan hệ hợp tác, đặc biệt là từ sau cuộc khủng hoảng Ukraine.
Chúng tôi cũng bắt tay trong cuộc chiến chống khủng bố, giải quyết các vấn đề ở Afghanistan và trong những trường hợp khẩn cấp. Danh sách hợp tác cũng khá dài”, ông bổ sung.
Mục đích ban đầu
Một số nhà phân tích lập luận rằng những căng thẳng với Nga khiến NATO quay trở lại với mục đích ban đầu của mình, đó là kiểm soát các cuộc xâm chiếm châu Âu của Nga.
Như Pszczel khẳng định NATO sẵn sàng hợp tác với Nga trong nhiều lĩnh vực nhưng quả bóng là nằm bên sân của Moscow.
Giles cũng đồng tình với quan điểm trên. “Nếu như Nga vẫn giữ quan điểm truyền thông của mình khi coi NATO là một mối đe dọa thì rất khó để khối này thực hiện các hành động thân thiện nhằm giảm bớt căng thẳng.
Tư tưởng cũng như hành động chuẩn bị cho các cuộc xung đột lớn của Nga thực sự không mang tính hợp tác”, ông nói.
Vào tháng 10 tới, cuộc tập trận lớn nhất của NATO sẽ được tổ chức với sự tham gia của khoảng 36.000 quân đến từ 30 quốc gia.
Giống như những cuộc tập trận đã lên lịch khác của NATO, Nga cũng được mời tham dự các hoạt động trên biển và trên đất liền xung quanh khu vực các nước Italy, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.