“Săn hổ” tạm lắng, đơn tố cáo tham nhũng người dân gửi ngày một nhiều

Khánh Nguyên |

Số lượng khiếu nại các quan chức tham nhũng từ người dân trình lên chính phủ ngày càng nhiều, cho thấy chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình đang rất phổ biến, thậm chí, giới lãnh đạo cũng có thể bị tố cáo.

Hầu như ngày nào cũng vậy, cơ quan chống tham nhũng của Trung Quốc (TQ) đều công bố dữ liệu cho thấy số lượng cán bộ bị điều tra và trừng phạt đang tăng dần lên.

Chỉ trong tháng 3 và tháng 4.2015 đã có 19 giám đốc điều hành chủ chốt của các công ty nhà nước bị tạm giữ.

Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương (CCDI) cho hay họ đã nhận được rất nhiều đơn từ tố cáo của người dân.

Theo dữ liệu của CCDI, trong quý 1/2015, cơ quan này nhận 6.000 khiếu nại của người dân liên quan đến các quan chức ở tỉnh Tân Cương, miền đất giàu tài nguyên phía Tây TQ, con số này đã tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chi nhánh của CCDI ở các tỉnh nhỏ hơn cũng có số liệu tương tự.

Chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập đã trừng phạt những chính trị gia mà từ trước nay vẫn được coi là “không ai dám đụng chạm”, thường được ví von như những “con hổ”.

Theo Tân Hoa Xã, từ khi chiến dịch bắt đầu cách đây hai năm, hơn 100 “con hổ” đã bị điều tra.

Thế nhưng sau một loạt các hoạt động và bối cảnh chính trị diễn ra trong hai năm qua, cuộc chiến “săn hổ” dường như tạm lắng hơn trước. Nhiều người cho rằng chiến dịch đã thay đổi chiến thuật.

Dễ nhận ra, năm nay là năm chiến dịch “săn hổ” tập trung vào việc buộc tội các quan chức bị bắt giữ năm ngoái hay trước đó vì nghi ngờ tham nhũng.

Điển hình nhất là hồi đầu tháng 4, cựu thành viên Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang bị buộc tội nhận hối lộ, lạm dụng quyền lực, tiết lộ bí mật nhà nước nhưng chưa xác định thời điểm ra hầu tòa.

Những cuộc điều tra gần đây tập trung vào các lãnh đạo địa phương và các quan chức tham nhũng đã bỏ trốn ra nước ngoài.

Ông Vương Kỳ Sơn, người đứng đầu CCDI cho rằng chiến dịch chống tham nhũng đang gặp phải sự đối kháng trong chính nội bộ đảng.

Ông đã từng ví công việc của mình như bác sĩ tự làm phẫu thuật cắt bỏ túi mật của bản thân.

Tờ Nhân dân nhật báo, trong môt bài viết đăng ngày 21.5 đã nói nên chờ thời điểm mà những “con hổ” lơ là, truy tố những tên tuổi lớn sẽ là chiến thuật gây “cú sốc và nỗi kinh hoàng”, nhưng trận chiến lâu dài thì cần phải nghĩ xem “ai sẽ là con hổ lớn tiếp theo?”

Ông Huang Jing, giáo sư Đại học Quốc gia Singapore, hy vọng sẽ có thêm một “con hổ” nữa sa lưới trong năm nay.

Nhưng ông cho rằng đây là thời điểm ý nghĩa để ông Tập chọn các mục tiêu cẩn thận hơn, bởi dù thế nào thì chủ tịch TQ cũng cần có người ủng hộ trong đợt đề cử lãnh đạo Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị tại kỳ chuyển đổi lãnh đạo tiếp theo năm 2017.

Trang web của CCDI dẫn dữ liệu cho thấy những khiếu nại quan chức tham nhũng đến từ nhiều vùng miền trong cả nước.

Thành phố Zunyi ở miền nam có 6.200 đơn khiếu nại năm ngoái, tăng 50% so với năm trước đó, đầu năm 2015 thì có hơn 1.800 đơn khiếu nại.

Toàn tỉnh Quý Châu thì có số đơn từ tố cáo tham nhũng tăng 21% trong hai tháng đầu năm nay.

Tại thành phố Thành Đô, năm 2014 có gần 9.800 trường hợp nộp đơn cáo buộc hối lộ, lạm dụng xe công cho việc cá nhân.

Còn ở tỉnh Quảng Đông, năm 2014, các nhà điều tra nhận tổng cộng 64.000 đơn thư tố cáo của người dân.

Theo ông Jorgen Delman, một chuyên gia về các vấn đề TQ tại Đại học Copenhagen, “hầu hết những đơn từ tố cáo tham nhũng đều là những đơn từ vô danh.

Họ kỳ vọng rằng khi cá nhân dám nói lên một sự việc nào đó, thì các nhà điều tra sẽ vào cuộc xử lý và cho họ thấy kết quả”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại