BBC hôm 1/6 đưa tin, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ mới đây đã tái khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục nắm giữ "vai trò chủ đạo" tại châu Á.
Trả lời phỏng vấn của BBC, ông Carter cho hay Mỹ sẽ tiếp tục gìn giữ "hòa bình và phồn thịnh" khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tạo không gian cho phép "mỗi quốc gia đều có thể trở nên mạnh mẽ".
Những tuần gần đây, Mỹ và Trung Quốc liên tiếp có những màn "đấu khẩu" cả trên truyền thông lẫn giữa các quan chức cấp cao và học giả song phương.
Thậm chí, một số chuyên gia lo lắng rằng nếu Mỹ quyết tâm đưa máy bay và tàu chiến vào khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo đá mà Trung Quốc chiếm đoạt và cải tạo phi pháp trên Biển Đông thì rất có thể một trong 2 bên sẽ "phán đoán nhầm", dẫn đến xung đột quân sự.
Người đứng đầu Lầu Năm Góc từng nhiều lần lên tiếng mạnh mẽ chỉ trích hành động xây dựng đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông "là mối đe dọa đối với an ninh khu vực và tự do hàng hải".
Trước và trong Đối thoại Shangri-la - diễn ra từ 29-31/5 vừa qua ở Singapore, ông Carter cũng đã đanh thép yêu cầu Bắc Kinh phải "dừng lập tức và vĩnh viễn hoạt động xây đảo nhân tạo phi pháp" của mình.
"Không ai cản được quân đội Mỹ"
Ông Ashton Carter khẳng định, Mỹ không có ý định quân sự hóa căng thẳng tại Biển Đông, nhưng sẽ bằng mọi giá bảo đảm "không ai có thể ngăn cản được" tàu Mỹ tự do lưu thông trên vùng biển quốc tế ở Biển Đông.
"Chúng tôi sẽ bay qua và đi qua (Biển Đông). Chúng tôi sẽ tiếp tục thực thi những hành động của mình tại châu Á-Thái Bình Dương như trước đây... Không ai có thể ngăn cản được quân đội Mỹ" - ông Carter nói.
"Kể từ khi Thế chiến II kết thúc cho đến nay, Mỹ đã luôn là một trong những sức mạnh quân sự then chốt tồn tại ở châu Á-Thái Bình Dương. Chúng tôi sẽ duy trì sự hiện diện đó" - Bộ trưởng quốc phòng Mỹ bổ sung.
Lập trường của Bắc Kinh
Tại Đối thoại Shangri-la hồi cuối tuần trước, đại biểu Trung Quốc là Đô đốc Hải quân Tôn Kiến Quốc đã phản bác lại những chỉ trích của ông Carter về hành vi sai trái của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Tuyên bố hùng hồn "không có ý định quân sự hóa các đảo đá (mà Bắc Kinh chiếm phi pháp - PV) ở Biển Đông" của ông Tôn hoàn toàn đối lập với những gì mà sách trắng quốc phòng Trung Quốc nêu ra trong tuần trước.
Trong sách trắng, Bắc Kinh đã thể hiện rất rõ ý định tăng cường phát triển Hải quân viễn dương, nhằm bảo vệ những gì mà nước này coi là "lợi ích chiến lược" trong khu vực, bao gồm cả hành động xây đảo nhân tạo phi pháp bị dư luận quốc tế lên án.
Cũng trong phát biểu tại Đối thoại Shangri-la, Tôn Kiến Quốc dù không khiến quốc tế bất ngờ, nhưng vẫn phải thất vọng, khi ông này ngang ngược tuyên bố Bắc Kinh "sẽ không dừng các hoạt động (phi pháp) trên Biển Đông" để... "bảo vệ hòa bình và ổn định khu vực".
Trang Đa Chiều bình luận, vai trò chính trị, kinh tế và quân sự của Trung Quốc và Mỹ đều đang gia tăng ở châu Á-Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, trong vai trò nước lớn, vị thế của Trung Quốc đối với vấn đề Biển Đông lại đang bị cộng đồng quốc tế cô lập.
Tại Đối thoại Shangri-la, ngoài Mỹ thì các đại diện từ Anh và liên minh châu Âu (EU) cũng đều tỏ thái độ yêu cầu Trung Quốc phải tuân thủ quy tắc và luật pháp quốc tế trên Biển Đông.
Đại diện Hải quân Mỹ và Australia cũng cho biết, bọn họ sẽ không để ý đến việc Trung Quốc phản đối điều mà Bắc Kinh cho là "hành động thách thức" - tức hoạt động tuần tra, gìn giữ tự do hàng hải - tại Biển Đông.
Mỹ và Australia cũng sẽ tiếp tục thực thi các nhiệm vụ của mình tại vùng biển quốc tế. Đối với điều này, Trung Quốc đã "úp mở" về khả năng thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại Biển Đông "dựa trên mức độ đe dọa gặp phải".