Reuters: Poroshenko đang “hủy hoại thanh danh” ông Obama

Đức Dũng |

Dù Mỹ và EU đã rất nỗ lực nhưng “dự án Ukraine” vẫn đang nằm dưới nguy cơ cao sẽ thất bại.

Nếu như chính quyền hiện nay ở Kiev sụp đổ, Mỹ, EU, Quỹ Tiền tệ Quốc tế sẽ rơi vào tình cảnh cực “trớ trêu” do đã làm tổn thất quan hệ với Nga chỉ vì Ukraine.

Nhận định trên được các chuyên gia phân tích chính trị của hãng tin Reuters đưa ra.

Theo đó, những thù hằn chính trị ở Ukraine sẽ đe dọa không chỉ tương lai nước này mà còn cả uy tín của Tổng thống Mỹ B.Obama khi ông Obama luôn ủng hộ chính quyền Kiev.

Trong chuyến thăm mới đây đến Ukraine, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố rằng ông đang trò chuyện với các quan chức Ukraine nhiều hơn cả nói chuyện với vợ mình.

Theo báo cáo của Văn phòng Biden, tính từ đầu năm 2014, ông Biden đã có đến 40 cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Poroshenko, 16 lần với Thủ tướng Yatsenuk, 4 chuyến thăm đến Kiev cùng với rất nhiều lần gặp gỡ với Poroshenko và Yatsenuk ở Washington cũng như ở châu Âu.

“Mặc dù vậy, bất đồng trong nội bộ liên minh cầm quyền Ukraine vẫn đang gia tăng và nhiều cuộc cải cách cần thiết vẫn chưa được thúc đẩy.

Nếu như chế độ cầm quyền hiện nay ở Ukraine sụp đổ thì Mỹ, EU và IMF sẽ rơi vào tình cảnh “trớ trêu” do đã phá hỏng mối quan hệ với Nga chỉ vì Ukraine.

Chính quyền ông Obama cùng giới lãnh đạo EU đã thực hiện rất nhiều nỗ lực để đảm bảo cho việc thực hiện thành công các cuộc cách mạng ở Ukraine trong tháng 2/2014” - bài báo của Reuters nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo Reuters, những nỗ lực trên vẫn không đem lại kết quả và “dự án đang nằm dưới mối đe dọa sẽ sụp đổ”.

“Nếu như kịch bản này xảy ra thì Ukraine sẽ mất đi khả năng giải quyết bất ổn và tham nhũng, đồng thời khiến chính sách đối ngoại của ông Obama sẽ bị đánh giá là chính sách sai lầm” - tác giả bài báo của Reuters nhận định.

Trước đó, trong thời gian đầu sau khi thay đổi chính quyền ở Ukraine, “tất cả các tin tức từ Ukraine đều mang tính tích cực”.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland còn liệt kê loạt danh sách các cuộc cải cách do chính phủ Ukraine đề xuất và tuyên bố rằng Ukraine “đã bắt đầu gây dựng một dân tộc mới trong các điều kiện riêng của mình”.

“Đây sẽ là “vết nhơ” khó rửa đối với chính quyền ông Obama - một chính quyền đã vượt qua nhiều điều không may mắn trong chính sách đối ngoại ở Syria, Libya, Iraq và Afghanistan.

Trong vòng vài tháng qua, các cuộc cải cách ở Ukraine hầu như đã bị ngừng lại, rất nhiều trong số đó chỉ nằm trên giấy” - tác giả bài báo của Reuters nhận định.

Ngoài ra, các cuộc xung đột giữa phe Poroshenko với phe Yatsenyuk đã ngày càng trở nên căng thẳng hơn.

Thậm chí, trong một cuộc họp mới đây, Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Arsen Avakov còn hắt cả ca nước vào mặt Tỉnh trưởng Odessa Mikhail Saakashvili.

Theo các thông tin do Reuters có được từ nguồn tin giấu tên là quan chức cao cấp trong chính quyền Ukraine, trong quá trình tiếp xúc với Tổng thống Poroshenko ở Kiev, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cảnh báo rằng giới lãnh đạo hiện nay ở Ukraine “chỉ còn cơ hội cuối cùng để sửa chữa và kết quả này sẽ rất quan trọng đối với Mỹ”.

Khi đó, ông Biden cũng đã tuyên bố rằng “sự chịu đựng (của chính quyền Mỹ) đã tới hạn”.

Theo nhận định của Reuters, trong giai đoạn hiện nay, việc chính quyền của Thủ tướng Yatsenyuk từ chức đang được coi là phương án khả thi nhất để giải quyết tình hình nhưng kịch bản này lại sẽ tác động tiêu cực đáng kể để ảnh hưởng của Mỹ tại Ukraine.

“Washington coi Yatsenyuk, người sử dụng tốt tiếng Anh, như là hy vọng chính để tiến hành các cuộc cải cách ở Ukraine.

Tuy nhiên, theo một nguồn tin khác gần gũi với Poroshenko, Washington đã đồng ý làm việc với bất cứ Thủ tướng nào khi liên minh hiện nay vẫn đang cầm quyền” - Reuters bình luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại