"Quân đội Mỹ nên tiếp thu những bài học của Tướng Giáp"

Trung Phạm |

(Soha.vn) - Sẽ rất sáng suốt nếu quân đội Mỹ biết rút ra những bài học từ cuộc đời binh nghiệp trường kỳ và lỗi lạc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đó là bình luận của Scott Sharon, trợ lý biên tập Tạp chí quan hệ quốc tế World Policy Journal dành cho nước Mỹ trong bài viết với tựa đề: “Nước Mỹ có thể học được gì từ một chiến sĩ du kích” đăng tải ngày 9/10.

 	Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Sở chỉ huy Quân chủng Phòng không - Không quân năm 1972

Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Sở chỉ huy Quân chủng Phòng không - Không quân năm 1972

Chúng tôi xin trận trọng gửi tới bạn đọc bài viết này của Scott Sharon:

Một trong những chiến thuật gia quân sự vĩ đại cuối cùng của của thế kỷ 20, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vừa qua đời ở tuổi 103.

Vị chỉ huy người Việt Nam này là kiến trúc sư của các cuộc chiến đánh bại Thực dân Pháp những năm 1940, 1950 và sau đó là cỗ máy chiến tranh của Mỹ tại chiến trường miền Nam.

Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tướng Giáp đã chỉ huy quân đội chiến thắng các trận đánh nổi tiếng như Điện Biên Phủ và sau đó buộc chế độ Sài Gòn phải sụp đổ. Ngoài vai trò là một sĩ quan cao cấp, Võ Nguyên Giáp còn là một nhà báo, Bộ trưởng Nội vụ, Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng tư lệnh Việt Minh.

Tướng Giáp gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1931. Cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông đã xây dựng được Quân đội nhân dân Việt Nam với quân số ban đầu chỉ là một đơn vị nhỏ ở miền Bắc Việt Nam để chống lại quân xâm lược Nhật Bản.

Theo báo The Washington Post, vũ khí của Quân đội Việt Nam lúc bấy giờ chỉ là những vũ khí thô sơ, số lượng hạn chế và hoàn toàn bị áp đảo bởi hỏa lực của Đế quốc Nhật rất hùng mạnh một thời.

Sau khi Nhật Bản đầu hàng năm 1945, đội quân của Tướng Giáp nhanh chóng mở rộng lên đến 5.000 người và được Tổ chức tình báo chiến lược OSS (tiền thân của CIA) tiếp viện vũ khí hiện đại. Sau khi Nhật Bản thất trận, Việt Minh tiếp tục quay sang chiến đấu với Thực dân Pháp.

Các kỹ chiến thuật mà quân đội của Tướng Giáp áp dụng để hạ gục quân đội Pháp được thể hiện rất rõ nét trong bài phỏng vấn của ông trên kênh truyền hình PBS về trận chiến Điện Biên Phủ.

“Có một mâu thuẫn tồn tại trong chiến tranh xâm lược là, để đánh chiếm một vùng đất, đối phương phải phân tán lực lượng nhưng họ lại phải tập hợp các lực lượng cơ động vào để tấn công. Chúng tôi đã tận dụng được mâu thuẫn này và buộc Navarre phải phân tán lực lượng của mình”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại.

Tướng Giáp cũng giải thích rất chính xác về việc chiến lược quân sự này đã đóng một vai trò quan trọng như thế nào đối với thành công của quân đội mình.

“Chúng tôi ra lệnh cho quân đội tiến lên theo nhiều hướng khác nhau, những hướng có tầm quan trọng chủ chốt đối với kẻ thù mặc dù sự hiện diện của họ là không đáng kể. Vì vậy, đối phương không có lựa chọn nào khác là phải phân tán quân đội của họ ra”.

Sau khi Việt Nam đánh bại Đế quốc Thực dân Pháp, Tướng Giáp được tôn vinh như một anh hùng dân tộc.

Nhưng sau đó, theo Hiệp định Geneva, Việt Nam bị chia cắt thành hai miền Nam - Bắc, phân định bởi Vĩ tuyến 17. Bị Mỹ và chính quyền Sài Gòn bội ước, hủy bỏ tổng tuyển cử nên quân đội Việt Nam lại tiếp tục phải phát động chiến tranh giải phóng đất nước.

Động lực thúc đẩy Việt Nam đấu tranh chính là quyết tâm mãnh liệt bảo vệ toàn vẹn nền độc lập. Xét về hỏa lực, quân đội Việt Nam thua xa đối phương nhưng chính niềm tin bất diệt, quyết tâm thống nhất đất nước đã khiến Việt Nam trụ vững trước mưa bom bão đạn của Mỹ.

Bên cạnh đó, lợi thế về địa hình đã cho phép Việt Nam tận dụng triệt để chiến thuật chiến tranh du kích mà Tướng Giáp từng sử dụng đánh bại Thực dân Pháp một thập kỷ trước đây. Với việc xây dựng đường mòn Hồ Chí Minh những năm 1950, và mở rộng vào năm 1965, các lực lượng của Tướng Giáp đã thiết lập một mạng lưới vận tải lớn, cung cấp vũ khí, trang thiết bị và các vật liệu thiết yếu khác vào miền Nam.

Với những chiến lược lỗi lạc trong chiến tranh, Tướng Giáp được so sánh với nhiều danh tướng khác trên thế giới như tướng Erwin Rommel hay Thống chế Douglas MacArthur. Quân đội của Tướng Giáp luôn làm chủ chiến thuật đánh đột kích, liên tục tấn công, sau đó rút lui vào rừng núi, rồi lại tấn công từ nhiều hướng cùng một lúc càng làm cho kẻ thù hoang mang.

Mặc dù chưa bao giờ tham gia bất kỳ học viện quân sự nào nhưng tài chỉ huy của Tướng Giáp lại đóng vai trò rất quan trọng trong việc đánh bại hàng trăm ngàn binh lính Pháp và nửa triệu lính Mỹ, để cuối cùng giành lại tự do cho nhân dân của ông.

Sẽ rất sáng suốt nếu Quân đội Mỹ biết rút ra những bài học từ cuộc đời binh nghiệp trường kỳ và lỗi lạc của Tướng Giáp. Chiến tranh du kích là phương tiện để đánh bại một siêu cường hay ít nhất cũng làm cho một quân đội hùng mạnh phải kiệt quệ.

Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 50 chiến thắng Điện Biên Phủ, Tướng Giáp đã chỉ rõ tư tưởng này cho các nhà báo nước ngoài thấy: “Nếu một quốc gia quyết tâm vùng dậy, họ sẽ rất mạnh mẽ”.

Ông cũng từng cảnh báo chính phủ Mỹ: “Bất cứ lực lượng nào muốn áp đặt ý chí của mình lên các dân tộc khác, chắc chắn họ sẽ chuốc lấy thất bại”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại