"Nghe tin Đại tướng mất như bị một cú đấm vào tim"

Nhà báo Niko Schvarz đã ba lần thăm Việt Nam, lần thăm đầu tiên vào năm 1965, sau khi thăm Triều Tiên trong cương vị thành viên ban lãnh đạo Hội nhà báo Uruguay.

Nhà báo Niko Schavrz quay lại Việt Nam tháng 11/1979, để dự phiên họp lần thứ 17 Ban chấp hành Tổ chức quốc tế các nhà báo (OIJ) với tư cách là đại diện Hội nhà báo Uruguay và Liên đoàn các nhà báo Mỹ Latinh (FELAP).

Năm 2011 ông trở lại Hà Nội trong cương vị đại sứ lưu động để chuẩn bị mở đại sứ quán của Uruguay tại Việt Nam.

Chính trong lần thăm đầu tiên, ông đã gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người đã để lại trong ông những ấn tượng sâu sắc. Đối với ông, vị tướng lỗi lạc nhưng rất dung dị này có những đóng góp to lớn cho cách mạng Việt Nam và phong trào cách mạng thế giới.

Ông Niko từng tham gia Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Uruguay từ năm 1962-1989 và là Phó giám đốc và phụ trách biên tập tờ El Popular (Nhân Dân), cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Uruguay, kể từ khi tờ báo này ra đời năm 1957 cho đến khi bị chính quyền độc tài đóng cửa năm 1973.

 	Nhà báo Niko Schavrz

Nhà báo Niko Schavrz

Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với nhà báo kỳ cựu vừa tròn 86 tuổi này về những kỷ niệm của ông trong lần gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp:

- Xin ông cho biết cảm xúc của ông khi biết tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần?

Nhà báo Niko Schvarz: Tôi cảm thấy rất đau buồn và như bị một cú đấm vào tim. Việc Đại tướng từ trần đã được báo trước, bởi tuổi của ông đã rất cao, thế nhưng không phải vì thế mà nỗi đau nhẹ đi trong tôi khi ông qua đời.

Tôi đã tới thăm nhà Đại tướng vào tháng 9/2011, khi được bổ nhiệm làm đại sứ lưu động có nhiệm vụ mở sứ quán của Uruguay tại Việt Nam. Thế nhưng tôi không được gặp ông vì phu nhân của Đại tướng, bà Đặng Bích Hà, và người con trưởng của Đại tướng thông báo với tôi rằng ông đang phải nhập viện.

Người nhà Đại tướng đã tặng tôi một cuốn sách rất đẹp với khoảng 300 bức ảnh của Đại tướng và tôi đã giữ nó như là một trong những vật quý giá nhất.

Cuốn sách đó ghi lại những khoảnh khắc trong cuộc đời của Đại tướng, và những lần ông đón tiếp các nhân vật nổi tiếng tại nhà riêng. Ngôi nhà này là một bảo tàng thực thụ, một phần của lịch sử và của cuộc đấu tranh trường kỳ và anh dũng vì độc lập và tự do của nhân dân Việt Nam.

Tất cả điều đó đã hiện lên trong óc tôi khi được tin Đại tướng từ trần hôm 4/10, chính vào ngày Uruguay và Việt Nam thỏa thuận đẩy nhanh đàm phán và sớm đi tới kí kết một Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA) và tái khẳng định quyết tâm thắt chặt quan hệ song phương.

- Được biết ông có dịp gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Điều gì ở Đại tướng để lại trong ông ấn tượng sâu sắc nhất?

Nhà báo Niko Schvarz: Tôi được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong hoàn cảnh rất kịch tính. Tôi tới Hà Nội năm 1965, khi Việt Nam chìm trong chiến tranh. Sau khi dựng ra sự kiện Vịnh Bắc Bộ, Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại ở miền Bắc trong khi chiếm đóng quân sự tại miền Nam.

Theo các số liệu nghiên cứu, Mỹ đã rải xuống Việt Nam số bom đạn lớn hơn số bom đạn được sử dụng trong toàn bộ thế chiến thứ hai, đồng thời thử nghiệm vũ khí hóa học và vũ khí sinh học mà hậu quả của nó kéo dài hàng thập kỷ. Tôi vẫn còn nhớ như in hình ảnh của các cháu nhỏ chạy trên đường sau khi cơ thể bị bom napalm đốt cháy.

Trong hoàn cảnh như vậy, Đại tướng vẫn dành thời gian và sự kiên nhẫn để kể cho tôi tất cả các chi tiết của chiến dịch Điện Biên Phủ. Trước một sa bàn lớn, Đại tướng đã giới thiệu tỉ mỉ từng giai đoạn của chiến dịch.

Chiến dịch Điện Biên Phủ được coi là điều thần kỳ của nghệ thuật quân sự vì đây là lần đầu tiên, một quân đội của nhân dân cầm súng đã đánh bại một cường quốc thực dân được trang bị đầy đủ vũ khí và kỹ thuật quân sự.

Trong lần thăm Hà Nội mới đây, tôi đã có được bản dịch tiếng Tây Ban Nha của cuốn sách “Điểm hẹn lịch sử” do nhà xuất bản Monte Ávila của Venezuela xuất bản, trong đó Đại tướng mô tả tỉ mỉ diễn biến từng ngày của chiến dịch kéo dài gần hai tháng đó.

- Đã có nhiều thời gian nghiên cứu về Đại tướng và được gặp Đại tướng, vậy ông đánh giá thế nào về con người và tài thao lược quân sự của Đại tướng?

Nhà báo Niko Schvarz: Đại tướng tập hợp, ở mức cao độ, một tích cách rất đặc biệt mà tôi thấy ở tất cả những người Việt Nam mà tôi từng được trò chuyện: tình cảm anh em, cư xử nhẹ nhàng, sự cống hiến và tôn trọng người khác, đồng thời có niềm tin vững chắc và kiên quyết bảo vệ lý tưởng của mình.

Chiến lược quân sự của ông được phản ánh trong cuốn sách “Chiến tranh nhân dân, quân đội nhân dân.”

Cuốn sách này được xuất bản tiếng Tây Ban Nha tại Cuba với lời tựa của Che Guevara. Trong cuốn sách đó (lần đầu tiên được xuất bản bằng tiếng Tây Ban Nha), Đại tướng khẳng định chiến tranh nhân dân không chỉ là chiến tranh du kích. Chiến tranh nhân dân không phải do một quân đội tiến hành, cho dù quân đội đó mang tính nhân dân đến đâu, mà là do toàn dân thực hiện. Toàn dân cần phải tham gia và đóng góp vào cuộc kháng chiến trường kỳ. Đây là một cuộc chiến trên các mặt trận quân sự, kinh tế và chính trị...

Trả lời phỏng vấn báo L’Humanité (Nhân đạo) của Đảng cộng sản Pháp nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhấn mạnh khái niệm chiến tranh nhân dân. Ông cho biết Pháp có ý định chiếm lại thuộc địa cũ (Đông Dương) và với mục tiêu đó đã cử tướng Leclerc làm tổng tư lệnh lực lượng viễn chinh Pháp tại đây, nhưng nhân vật này hiểu ngay rằng đây không phải là cuộc “dạo chơi” mà là cuộc đương đầu với cả một dân tộc.

Đại tướng cũng nhắc lại những lời đã nói với cựu Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert McNamara khi hai người gặp nhau năm 1995, rằng người Mỹ đã sử dụng sức mạnh ghê gớm của đại bác, máy bay, chất độc hóa học chống Việt Nam nhưng không hiểu nhân dân Việt Nam, không hiểu khát vọng độc lập và tự do của nhân dân Việt Nam. Chiến thắng pháo đài bay B-52 là chiến thắng của trí tuệ Việt Nam trước công nghệ và tiền bạc của Mỹ.

Với chiến thuật trên, Việt Nam đã thắng thực dân Pháp, quân chiếm đóng Nhật, đế quốc Mỹ và các thế lực tìm cách khuất phục Việt Nam. Tôi có dịp chứng kiến tinh thần chiến tranh nhân dân khi tới Việt Nam lần đầu tiên khi đi theo Quốc lộ 1 tới Vĩ tuyến 17. Lần đó tôi đã có dịp phỏng vấn vào ban đêm một số đơn vị bộ đội và cả một đơn vị nữ dân công, và được chứng kiến sự hủy diệt do các trận bom mà không quân Mỹ tiến hành nhằm vào cầu cống, đê điều, khu dân cư và trại dưỡng lão.

- Ông có thể bình luận gì về những đóng góp của Đại tướng đối với cách mạng Việt Nam và phong trào cách mạng trên thế giới nói chung?

Nhà báo Niko Schvarz: Những đóng góp của Đại tướng là rất quan trọng, và điều này được các nhân vật, lực lượng chính trị và xã hội ở tất cả các châu lục ghi nhận trong những ngày qua. Những đóng góp của ông còn thể hiện ở chỗ ông là học trò gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tham gia thành lập Việt Nam, mặt trận duy nhất tập hợp tất cả các lực lượng đấu tranh đánh đuổi Nhật-Pháp.

Sự tham gia rộng rãi của các lực lượng trong Mặt trận thực sự là một điều đặc biệt. Việt Nam tập hợp hầu như toàn dân trừ một nhóm bé nhỏ những kẻ bán nước để bảo vệ chủ quyền quốc gia. Trên thế giới có ít trường hợp thành lập được một mặt trận quy mô lớn như vậy và điều này cho phép Việt Nam giải phóng đất nước khỏi sự chiếm đóng của nước ngoài.

Sau đó Đại tướng được giao nhiệm vụ đứng đầu Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, đội quân đã cùng toàn dân làm nên Cách mạng tháng Tám, dẫn tới sự ra đời của nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, được Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố với toàn thế giới ngày 2/9/1945.

Ngoài ra, Đại tướng còn đóng góp cho sự nghiệp đoàn kết toàn dân trong cuộc kháng chiến vì độc lập và chủ quyền. Đây cũng là một phần của di sản bất diệt mà Đại tướng để lại cho các lực lượng cách mạng và tiến bộ trên toàn thế giới.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại