Quá nhỏ mọn với Philippines, quyền lực mềm TQ xuống dốc thảm hại

Minh Đức |

(Soha.vn) - Số tiền 1,6 triệu USD mà Trung Quốc đã so đo rất lâu trước khi quyết định trao cho Philippines chưa bằng 1/6 khoản viện trợ của Hàn Quốc.

Khoản viện trợ đầu tiên mà Trung Quốc tuyên bố sẽ hỗ trợ Philippines khắc phục hậu quả siêu bão Haiyan chỉ có giá trị vẻn vẹn 100.000 USD, một số tiền mà truyền thông và các nhà phân tích trên thế giới cho rằng quá ít ỏi, nếu không muốn nói là "bủn xỉn" so với khả năng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Số tiền này cũng quá nhỏ bé so với số tiền mà các quốc gia khác đã cam kết viện trợ cho Philippines, ví dụ Các tiểu vương quốc Arab thống nhất đã cam kết viện trợ 10 triệu USD, các nền kinh tế nhỏ hơn Trung Quốc như Hàn Quốc và Úc cũng cam kết viện trợ khoản tiền lần lượt là 10 triệu USD và 5 triệu USD.

Trong khi đó, ngay sau khi cơn bão qua đi, Mỹ đã triển khai lực lượng thủy quân lục chiến khoảng 90 người đến Philippines cùng khoản viện trợ trị giá 20 triệu USD.

Philippine tan hoang sau siêu bão Haiyan, đây là thời điểm họ cần sự chung tay của cộng đồng quốc tế để khắc phục hậu quả.
Philippine tan hoang sau siêu bão Haiyan, đây là thời điểm họ cần sự chung tay của cộng đồng quốc tế để khắc phục hậu quả.

Tạp chí The Diplomat (Nhật Bản) nhận định, cùng với việc đáp ứng nhu cầu về nhân lực cứu trợ thì việc hỗ trợ để giảm nhẹ hậu quả thiên tai được xem là một khoản đầu tư hiệu quả mà không tốn kém cho tương lai.

Joseph Nye, giáo sư tại Đại học Harvard, cựu Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã sử dụng thuật ngữ “quyền lực mềm” khi mô tả về những khoản đầu tư theo kiểu này. Theo ông Nye, “quyền lực mềm” là một quá trình thu phục lòng người, giúp quốc gia đó đạt được kết quả mong muốn bằng sự đồng thuận hay vì phải viện tới các hành động thể hiện "quyền lực cứng" như hành động quân sự hoặc trừng phạt kinh tế.

Sự thể hiện quyền lực mềm bằng cách hành động như cứu trợ thiên tai là một phần quan trọng của chính sách đối ngoại bởi nó mang lại lợi ích thương mại lâu dài. Các nỗ lực cứu trợ khổng lồ của Mỹ đối với thảm họa động đất sóng thần năm 2004 đã giúp Mỹ xây dựng một hình ảnh đầy thiện chí trong mắt Indonesia và đồng minh lâu năm Thái Lan.

Là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới nhưng Trung Quốc chỉ cam kết viện trợ cho Philippine số tiền chỉ 100.000 USD. Ảnh minh họa

Là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới nhưng ban đầu, Trung Quốc chỉ cam kết viện trợ cho Philippine số tiền vỏn vẹn 100.000 USD. Ảnh minh họa

Ông Jonah Blank, một nhà khoa học chính trị cao cấp tại tổ chức phi lợi nhuận RAND, cựu giám đốc chính sách đối ngoại khu vực Đông Nam Á và Đông Á tại Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ cho rằng, những nỗ lực cứu trợ của Mỹ trong thảm họa sóng thần có thể được xem là một trong những lý do cụ thể nhất khiến hầu hết các quốc gia Đông Nam Á tin tưởng, chứ không sợ hãi khi Mỹ triển khai kế hoạch tái cân bằng tại châu Á.

Trung Quốc cũng từng được công nhận là có quyền lực mềm đối với một số quốc gia khác. Năm 2007, cựu Chủ tịch, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã kêu gọi lãnh đạo cấp cao của đảng gia tăng quyền lực mềm của họ. Trước đó, kể từ năm 2004, chính quyền Trung Quốc đã bắt tay vào thực hiện một chiến dịch nhằm mục đích đưa ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc dẫn đầu thế giới bằng cách xây dựng hàng loạt Viện Khổng tử bằng quỹ phi lợi nhuận của chính phủ.

Theo Giáo sư Nye, một cường quốc đang lên như Trung Quốc nên sử dụng quyền lực mềm để khiến sức mạnh kinh tế, quân sự ngày càng phát triển của mình trở nên bớt đáng sợ trong mắt các quốc gia láng giềng.

Mỹ tiếp tục khẳng định quyền lực mềm tại ĐNA bằng những cam kết viện trợ khổng lồ cho Philippine.
Mỹ tiếp tục khẳng định quyền lực mềm tại ĐNA bằng những cam kết viện trợ khổng lồ cho Philippine.

Thật không may, chính phủ Trung Quốc đã bỏ lỡ hai bài học quan trọng liên quan đến quyền lực mềm. Bài học thứ nhất là quyền lực mềm được phát triển hiệu quả hơn thông qua xã hội dân sự. Tất cả mọi thứ, từ trường đại học tới các tổ chức văn hóa đại chúng, đều có một sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với các xã hội và nền văn hóa khác. Trung Quốc quá quan tâm đến vai trò của chính phủ, trong khi đó, đó lại là công cụ ít hiệu quả nhất, bởi tất cả những nỗ lực của chính phủ trong việc xây dựng quyền lực mềm hiếm khi mang lại hiệu quả.

Bài học thứ 2 là, cứu trợ thiên tai có lẽ là phương pháp hiệu quả nhất giúp lực lượng quân sự có được quyền lực mềm. Trung Quốc đã nhiều lần khẳng định chủ quyền của mình tại bãi cạn Scarborough tranh chấp với Philippines bằng cách triển khai tàu chiến hải quân, cảnh sát biển và tàu hải giám đến khu vực này. Sự thiếu hỗ trợ thiên tai cho Philippines sau bão Haiyan là một bằng chứng cho ý định lâu dài của Trung Quốc.

Sự lạnh nhạt này của Trung Quốc đối với Philippines đã phản ánh sự bất mãn của Bắc Kinh đối với việc Manila đã đã gửi đơn kiện lên Toà án Quốc tế về vấn đề tranh chấp chủ quyền tại Scarborough.

Đây là lần đầu tiên Trung Quốc bị khởi kiện lên Toà án Quốc tế, bởi vậy, nước này đang rất tức giận bởi nếu bị thua thì điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới tham vọng của Bắc Kinh ở biển Đông và khuyến khích các quốc gia khác nhờ Liên Hợp Quốc can thiệp để phản đối tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.

Trung Quốc thường nhấn mạnh rằng, tranh chấp chủ quyền trên biển Đông nên được giải quyết thông qua đàm phán song phương nhằm sử dụng sức mạnh cứng của họ mà các nước trong khu vực không theo kịp để đạt kết quả mong muốn.

Siêu bão Haiyan đã mang lại cho Bắc Kinh một cơ hội để chứng minh rằng họ có thể là một nước lớn có trách nhiệm trong khu vực, thể hiện mặt mềm mỏng hơn của mình đối với những tham vọng tại Đông Nam Á. Đáng tiếc là họ đã thất bại thảm hại.

Thời báo Hoàn Cầu, một tờ báo nhà nước được đánh giá là khá hung hăng, hiếu chiến thậm chí cũng đã có một bài bình luận cảnh báo rằng: "Hình ảnh quốc tế của Trung Quốc có tầm quan trọng sống còn đối với những lợi ích của đất nước. Nếu lạnh nhạt với Philippines, Trung Quốc sẽ phải chịu sự thiệt hại lớn".

Trước sự chỉ trích nặng nề từ cộng đồng quốc tế, hôm 14/11, phát ngôn viên Trung Quốc Tần Cương đã tuyên bố trong phiên họp báo thường kì rằng nước này sẽ tăng viện trợ cho Philippines lên 1,6 triệu USD. Đồng thời, chủ tịch Tập Cận Bình đã gọi điện chia buồn với Tổng thống Philippines Benigno Aquino.

Song động thái "chữa cháy" này của Trung Quốc dường như vẫn không xoá được tiếng xấu, bởi nó khiến hình ảnh của Trung Quốc trong mắt thế giới trở thành keo kiệt và so đo với những ngay cả người đang phải trải qua tình cảnh khốn đốn.

Nhiều chuyên gia trên thế giới nhận định, việc Trung Quốc để các tác nhân chính trị ảnh hưởng tới việc viện trợ nhân đạo cho Philippines đã làm giảm đi sự tin cậy từ các quốc gia trên thế giới. Ông Joseph Cheng, giáo sư ngành khoa học chính trị tại Đại học City ở HongKong cũng đồng tình khi cho rằng "việc viện trợ và cứu trợ cho các thảm họa thiên nhiên không nên bị ảnh hưởng bởi các mối quan hệ chính trị".

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại