Xu hướng phe nổi dậy chính thống bí mật bắt tay với quân chính phủ đang lan rộng ra các thành phố khác, bao gồm cả Homs và Hama.
Ảnh minh họa.
Các nguồn tin tình báo và quân sự của Debkafile cho biết, những thỏa thuận riêng, bí mật giữa quân chính phủ và phe nổi dậy chính thống đã cho phép hai lực lượng này tiến hành các cuộc tuần tra chung ở những quận nằm trong sự kiểm soát và quản lý của phe nổi dậy. Sự liên hợp giữa hai phe đối địch nhau này đã dự báo triển vọng về việc những khu vực rộng lớn từng bị phe nổi dậy chiếm giữ sẽ nhanh chóng được trao trả về cho chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad kiểm soát. Như vậy, quân đội Syria sẽ giành lại được nhiều vùng đất đã mất mà không tốn thêm một giọt máu nào.
Tuy nhiên, không phải tất cả thủ lĩnh của phe nổi dậy đều đi theo xu hướng trên. Một số đang tìm cách phá hoại, gây rối bằng cách thực hiện những vụ đánh bom tự sát, những cuộc tấn công mạnh mẽ. Hầu hết những cuộc tấn công đó đều mang dáng dấp hay đích thực là sản phẩm của các thành phần khủng bố Al-Qaeda như vụ đánh bom tự sát bằng xe tải nhằm vào một chốt chặn an ninh của quân chính phủ ở ngay ngoài dìa thành phố Hama mới đây nhất vào ngày hôm qua (20/10) khiến 30 người thiệt mạng.
Kiểu bạo lực đáng sợ trên đang bắt đầu đuối dần đi bởi vì những nước ủng hộ chính cho phe nổi dậy như Qatar, Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ và các nhân tố chống Syria ở Li-băng đang giảm sự giúp đỡ về mặt hậu cần và đạn dược cho lực lượng chống Tổng thống Assad. Các nước này đang theo chân của Mỹ, Anh và Pháp – những cường quốc chưa bao giờ thực hiện tốt lời cam kết mà họ đưa ra hồi tháng trước về việc cung cấp cho phe nổi dậy vũ khí, viện trợ quân sự và những lời chỉ dẫn.
Hiện tại, nước duy nhất còn lại ủng hộ tích cực cho lực lượng nổi dậy Syria là Ả-rập Xê-út.
Tình hình ở Aleppo – thành phố lớn nhất Syria nằm ở phía bắc đất nước, là một trường hợp đặc biệt. Cho đến thời điểm cách đây vài tháng, các chiến binh nổi dậy Syria theo dòng chính thống vẫn đang là lực lượng thống trị ở phía bắc và phía đông bắc Syria cũng như khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện tại, phe nổi dậy chính thống đang bị dồn ép đến tận chân tường bởi những phe nhóm có liên quan đến tổ chức khủng bố khét tiếng thế giới Al Qaeda trong nội bộ của họ. Lực lượng nổi dậy có liên quan đến Al-Qaeda cũng chiếm được quyền kiếm soát đường cao tốc nối giữa Syria và Iraq. Điều này cho phép các chiến binh Hồi giáo di chuyển đi lại giữa hai nước và giành được những nguồn cung cấp về thiết bị quân sự cũng sự nguồn tiếp viện về nhân lực.
Các đơn vị quân đội Syria và Iraq đã tìm cách ngăn chặn nguồn cung cấp, tiếp viện trên nhưng đều bị đẩy lùi.
Trong một nỗ lực nhằm kiểm soát cuộc khủng hoảng ở Syria, Liên Hợp Quốc đã kêu gọi đặc phái viên Lakhdar Brahimi tái nỗ lực thực hiện nhiệm vụ của mình nhằm tổ chức được một hội nghị hòa bình vào thời gian tới.
Hội nghị hòa bình Geneva II – cơ hội tìm kiếm giải pháp chính trị
Người đứng đầu Liên đoàn Ả-rập – ông Nabil al-Arabi hôm qua đã thông báo tại một cuộc họp báo rằng, hội nghị hòa bình thứ hai về Syria hay còn gọi là Geneva II sẽ được tổ chức ở Thụy Sỹ vào ngày 23-24/11 tới.
Ông Arabi cho biết, ông đã được thông báo về ngày diễn ra hội nghị hòa bình Geneva II tại cuộc gặp với ông Brahimi - đặc phái viên của Liên Hợp Quốc và Liên đoàn Ả-rập về vấn đề Syria ở thủ đô Cairo.
Trong cuộc họp trên, hai vị quan chức trên đã đánh giá lại các nỗ lực của khu vực và quốc tế trong việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng ở Syria đồng thời thảo luận về các bước chuẩn bị cho một hội nghị hòa bình cũng như các cuộc tiếp xúc với các phe nhóm đối địch nhau ở Syria, đặc biệt là với liên minh đối lập với Tổng thống Assad.
Cairo là chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du khu vực của ông Brahimi nhằm chuẩn bị cho hội nghị hòa bình Geneva đã được chờ đợi bao lâu này và đã bị trì hoãn nhiều lần.
“Chúng tôi ang chuẩn bị cho hội nghị đó”, ông Arabi nói với các phóng viên sau cuộc gặp với đặc phái viên Brahimi. Tuy nhiên, ông này cũng thừa nhận, “có rất nhiều thách thức cần phải giải quyết để có thể tổ chức được một hội nghị như thế”.
Người đứng đầu Liên đoàn Ả-rập nói thêm rằng, "Geneva II" cần phải thực hiện thỏa thuận được đưa ra tại hội nghị lần thứ nhất, trong đó kêu gọi thực hiện một quá trình chuyển tiếp và thành lập một chính phủ lâm thời bao gồm các thành viên của cả chính quyền lẫn phe đối lập.
Trong khi đó, ông Brahimi lại nói với giới phóng viên rằng, ngày giờ chính xác diễn ra hội nghị hòa bình Geneva II chưa được ấn định. Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc và Liên đoàn Ả-rập nhấn mạnh, các bên ở Syria cần phải ngồi vào bàn đàm phán mà không cần đưa ra bất kỳ điều kiện tiên quyết nào. Tuy nhiên, trong cuộc họp báo ngày hôm qua, ông Brahimi cho biết, “hội nghị đó sẽ không thể diễn ra nếu không thuyết phục được phe đối lập tham gia”.
Ông Brahimi bày tỏ hy vọng, hội nghị hòa bình Geneva II sẽ giúp chấm dứt được cuộc khủng hoảng ở Syria và dẫn tới một giai đoạn chuyển tiếp nhằm hướng đến một đất nước Syria mới.