Toan tính của Trung Quốc khi phản đối Mỹ tấn công Syria

Anh Tuấn |

(Soha.vn) - Nếu lời phản đối vô hiệu, ít nhất Trung Quốc cũng có được sự hậu thuẫn của quốc tế, khi tỏ ra là nước ủng hộ chính nghĩa và hòa bình.

Tờ Atlantic của Mỹ mới đây có bài đánh giá về lí do tại sao Trung Quốc lại không muốn các nước can thiệp vào Syria.

Trung Quốc là một trong số 188 nước tham gia kí hiệp ước chống vũ khí hóa học, đồng thời không hề có hiệp ước quân sự nào với Syria. Nhưng kể từ khi cuộc xung đột ở đây xảy ra từ 2 năm trước, Trung Quốc luôn dùng quyền phủ quyết đối với tất cả các yêu cầu trừng phạt của quốc tế.

Cho đến khi cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học xảy ra, Trung Quốc cùng Nga cũng bỏ ra khỏi cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về vấn đề Syria, như một cách tỏ thái độ rằng họ sẽ vẫn phủ quyết mọi đề nghị trừng phạt bằng quân sự.

Người ủng hộ Tổng thống Assad phất cờ Trung Quốc và cờ Nga, hai nước phản đối can thiệp quân sự vào Syria, trong một cuộc biểu tình ở Damascus
Người ủng hộ Tổng thống Assad phất cờ Trung Quốc và cờ Nga, hai nước phản đối can thiệp quân sự vào Syria, trong một cuộc biểu tình ở Damascus

Nguyên nhân của việc Trung Quốc không muốn tấn công vào Syria là gì? Có nhiều ý kiến cho rằng do nhu cầu về năng lượng của họ đang ngày một cao. Trong 4 năm tới, rất có thể Trung Quốc sẽ trở thành đất nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới. Việc tấn công Syria sẽ làm nguồn năng lượng của họ bị ảnh hưởng. Nhưng với những mối quan hệ lớn khác, bài viết nhận định đây chỉ là lí do thứ yếu và còn có những lí do khác quan trọng hơn.

Năm 2011, Trung Quốc và Nga bỏ phiếu trắng trong cuộc họp về việc quyết định thiết lập vùng cấm bay ở Libya. Nhưng cuối cùng, nghị quyết vẫn được thông qua với 10 phiếu thuận. Mỹ cùng đồng minh khi đó đã thực hiện cuộc tấn công lật đổ chính quyền Gaddafi.

Khi cuộc xung đột vượt quá những gì mà người ta dự kiến, lúc đó Trung Quốc mới lên tiếng tuyên bố: "Chúng tôi cho rằng bản nghị quyết của LHQ là công cụ để lật đổ chính quyền ở Libya, điều này vượt quá sự tưởng tượng của chúng tôi. Kể từ giờ, chúng tôi sẽ không bao giờ tin tưởng nước Mỹ trong các vấn đề can thiệp vào nước khác".

Trung Quốc đang rất muốn giữ sự ổn định ở Trung Đông. Họ thực sự lo ngại đến một viễn cảnh tương lai sau thời kì Bashar Al Assad. Hiện chưa có bằng chứng nào thể hiện Trung Quốc ưu ái hay thân mật với Assad, hoặc các tuyên bố cho rằng ông Assad là người quan trọng với thế giới Hồi giáo. Nhưng chí ít thì ông Bashar Al Assad còn là "người ngoài sáng". Trung Quốc lo sợ một chính quyền mới mà họ không thể nắm bắt trước được vào thời điểm này, thời điểm mà họ đang tăng tốc trên trường quốc tế và chưa bền vững thực sự.

Nếu thế giới đặc biệt là những nơi nhạy cảm xảy ra hỗn loạn, không ai biết Trung Quốc sẽ phải đối mặt với biến động gì. Còn chưa tính tới vùng Tân Cương khi ở đó Bắc Kinh vẫn luôn đau đầu đối phó với các lực lượng nổi dậy người Duy ngô nhĩ, khi lực lượng này có thể mượn thời cơ các phe nổi dậy ở sát biên giới để tiếp tục gây hỗn loạn.

Trung Quốc ngày nay rất muốn tăng cường ảnh hưởng ở Trung Đông, nơi mà họ đang gần như không có tiếng nói. Bắc Kinh luôn muốn xây dựng vị thế "cửa trên" trên các bàn đàm phán quốc tế, và luôn muốn cho thế giới biết mình là nước có quyền phủ quyết tại Liên Hợp Quốc.

Nếu Mỹ thật sự tiến hành tấn công toàn diện chính quyền ông Bashar Al Assad, chắc chắn Trung Quốc sẽ phản đối quyết liệt. Bất luận mục đích thực sự của những lời phản đối đó là gì, thì về cơ bản nó sẽ đều có lợi cho Trung Quốc. Nếu phản đối thành công, Trung Quốc sẽ xóa đi được những lo ngại và hiểm nguy tiềm tàng. Nếu lời phản đối vô hiệu, ít nhất Trung Quốc cũng có được sự hậu thuẫn của quốc tế, khi Bắc Kinh tỏ ra là nước ủng hộ chính nghĩa và hòa bình.

Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục, vui lòng gửi về địa chỉ email: thegioi@soha.vn. Trân trọng!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại