Trong giai đoạn 1989 - 1991, ông là người có các thông tin đầy đủ nhất về hoạt động phản bội của M.Gorbachev cũng như các cộng sự gần gũi nhất như Yakovlev và Shevardnadze. Kryuchkov có cơ hội để ngăn chặn bộ ba này, nhưng ông đã giữ một thái độ rất kỳ lạ.
Báo cáo của Kryuchkov
Vào năm 1989, các cơ quan đặc biệt của Liên Xô đã biết rất rõ rằng A. Yakovlev - Ủy viên Bộ chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô, người được coi là "kiến trúc sư" của chương trình cải tổ, một cộng sự gần gũi nhất của Gorbachev - có các quan điểm có lợi cho phương Tây, chống lại "các lực lượng bảo thủ" ở Liên Xô và phương Tây có thể hoàn toàn hy vọng vào ông ta trong mọi tình huống. Chủ tịch KGB Kryuchkov đã báo cáo thông tin này cho Gorbachev, tuy có "giật mình", nhưng, Gorbachev chỉ yêu cầu Kryuchkov “nói chuyện tình cảm" với Yakovlev.
Trong cuộc nói chuyện sau đó của Kryuchkov, Yakovlev chỉ im lặng và thở dài. Gorbachev đã bưng bít toàn bộ các thông tin này.
Một thời gian sau, Kryuchkov lại báo cáo với Gorbachev tài liệu quan trọng mà các cơ quan tình báo và phản gián Liên Xô có được về nội dung các cuộc hội đàm của ông ta với Tổng thống Mỹ George H.W. Bush (Bush-cha) ở Malta vào tháng 12/1989. Các thông tin của KGB GRU (Tổng cục Tình báo Quân đội), khẳng định, trong quá trình đàm phán Gorbachev đã đồng ý thay đổi chế độ chính trị ở Liên Xô, xem xét lại một cách căn bản các mối quan hệ của Liên Xô với các nước phương Tây, không cản trở quá trình sáp nhập CHDC Đức vào CHLB Đức và tách các nước vùng Baltic ra khỏi Liên Xô…
Sau khi nghe xong, ông ta hỏi: "Những thông tin này ở đâu ra?". Thay vì xác nhận rằng những thông tin này đáng tin cậy, Gorbachev nói: "Mặc kệ, không quan trọng họ viết gì…". Lãnh đạo KGB "đã đồng ý" với câu trả lời như vậy của Tổng bí thư. Ông không có bất cứ nghi ngờ nào đối người đứng đầu đảng và nhà nước trước những thông tin rất quan trọng và đáng lo ngại đó.
Chỉ mãi tới năm 2001, khi trả lời phỏng vấn phóng viên tờ Literaturnaya Gazeta của Nga, Kryuchkov mới lên tiếng xác nhận thông tin ông đã trò chuyện với Gorbachev về việc ở Malta, ông cũng nói thêm: "Gorbachev luôn là kẻ phản bội đảng và đất nước".
Thái độ im lặng trước bản Kiến nghị của các cán bộ lãnh đạo KGB
Hành vi kỳ lạ của Kryuchkov trong những năm 1990-1991 được giải thích theo nhiều cách khác nhau, có thể ông đã tin tưởng Gorbachev tuyệt đối. Song, điều đó không thể biện minh cho việc người đứng đầu KGB không hành động gì khi mà sự phản bội của Gorbachev ngày càng được thể hiện rõ. Những người dưới quyền của Chủ tịch KGB nhận thức rất rõ những gì đang diễn ra trong nước, còn sếp của họ lại thiếu hiểu biết đến "thánh thiện" như vậy.
Vào ngày 23/2/1990, những người tham gia cuộc họp của đại diện các đơn vị thuộc bộ máy trung ương của KGB đã gửi Tổng Bí thư, Chủ tịch Xôviết Tối cao Liên Xô M. Gorbachev một bản kiến nghị, trong đó có đoạn: "…Tập thể các cán bộ KGB bày tỏ sự ngạc nhiên, mặc dù đã có các thông tin xác thực về các hiện tượng tiêu cực đang nổi lên, nhưng các cơ quan lãnh đạo đất nước chậm đưa ra các quyết định chính trị quan trọng, thể hiện sự trì trệ và thiếu kiên quyết, không sử dụng sức mạnh của các văn bản pháp luật hiện hành.
Việc thông qua một loạt đạo luật quan trọng đối với xã hội bị kéo dài, trong đó có các luật về tăng cường đấu tranh với tội phạm có tổ chức, về Ủy ban An ninh Quốc gia Liên Xô, về các tội phạm chống nhà nước, chống hòa bình và an ninh của nhân loại. Việc thiếu những luật này là tước bỏ cơ sở pháp lý cho cuộc đấu tranh với các loại tội phạm có tổ chức, tham nhũng, tội phạm trong lĩnh vực kinh tế, đối ngoại, và không bảo vệ hữu hiệu được an ninh quốc gia và người dân…". Bản kiến nghị này đã không được Gorbachev trả lời.
Trước sự im lặng đó, Kryuchkov có quyền được chất vấn công khai vì đây là bản kiến nghị của tập thể, hơn nữa, với tư cách là Ủy viên Bộ Chính trị, Đại biểu Xôviết Tối cao Liên Xô, ông có khả năng để làm được điều đó. Không còn nghi ngờ gì nữa, nếu Kryuchkov công khai lên tiếng một số sự kiện về chính sách phản bội của Gorbachev thì, rất có thể, lịch sử của đất nước Xôviết đã phát triển theo hướng khác và Gorbachev đã không được sống trong lâu đài sang trọng, mà là ở trong nhà tù.
“Bản danh sách 2200” của Kryuchkov
Ngày 17/6/1991, trong một cuộc họp kín của Xô viết Tối cao Liên Xô, Kryuchkov đã nói về các thế lực bên ngoài đang tích cực hoạt động nhằm tạo ra tình trạng nguy hiểm ở trong nước. Ông xác nhận rằng "đất nước của chúng ta đang ở bên bờ của thảm họa".
Để khẳng định cho nhận xét của mình, ông đã công bố báo cáo bí mật của cựu Chủ tịch KGB Yuri Andropov được ghi năm 1977 "về các kế hoạch của CIA nhằm có được một mạng lưới đặc tình có ảnh hưởng trong các công dân Xô viết".
Theo nội dung của bản báo cáo, tình báo Mỹ đặt nhiệm vụ tuyển chọn, xây dựng một mạng lưới bao gồm các công dân Liên Xô cộng tác với CIA, huấn luyện và đưa họ vào làm việc trong các lĩnh vực quản lý kinh tế, chính trị, khoa học… trong hệ thống chính trị Xô viết. CIA đã có riêng một chương trình đào tạo riêng biệt cho những người có ảnh hưởng để huấn luyện các kỹ năng hoạt động gián điệp, tập trung tuyên truyền chính trị và ý thức hệ cho họ.
Báo cáo cũng nhấn mạnh rằng, CIA quan tâm đặc biệt tới các công dân "có phẩm chất cá nhân và khả năng nghề nghiệp, có triển vọng được giữ các chức vụ quan trọng trong bộ máy của Đảng và Nhà nước Liên Xô".
Rõ ràng, đến thời điểm khi mà Kryuchkov phát biểu tại Xô viết Tối cao, "những người có ảnh hưởng" đó đã được đào tạo, được "đưa vào" giữ các chức vụ "thích hợp" và tiến hành các hoạt động "phù hợp". Nhưng thay vì cần phải hành động ngay, phải vô hiệu hóa những người của CIA, thì ông ấy chỉ giới hạn trong thảo luận như với đề tài chung. Sau cuộc họp đó, sếp KGB không hành động gì cả.
Như vậy, tình thế vào năm 1991 có thể được thay đổi nếu Kryuchkov công khai danh tính những người của CIA đang làm việc trong bộ máy lãnh đạo cao cấp của Liên Xô. Nhất là đến thời điểm đó, ông đang có trong tay bản danh sách những người có ảnh hưởng của phương Tây, được gọi là bản danh sách của Kryuchkov hay "bản danh sách 2200".
Như vậy, ở Liên Xô có tới 2200 người cộng tác với CIA và các cơ quan đặc biệt của phương Tây. Đứng đầu danh sách là A. Yakovlev. Khi đề cập đến danh sách này, nhiều người tỏ vẻ hoài nghi. Song, đến nay có các bằng chứng tin cậy để khẳng định rằng đã có một bản danh sách như vậy.
Yuriy Drozdov, sĩ quan cấp tướng của KGB đã khẳng định với phóng viên tờ Rossiyskaya Gazeta của Nga vào ngày 31/8/2007 rằng, CIA và Bộ Ngoại giao Mỹ đã có "một mạng lưới đặc tình ở cấp cao nhất" của Liên Xô.
Vào tháng 3/2011, Drozdov cho biết cái gọi là "bản danh sách của Kryuchkov" với đầy đủ tên, tuổi của những người nằm trong mạng lưới của CIA không phải bịa đặt và khẳng định: "Tôi không nhận định, tôi tin chắc vào điều đó. Xin khẳng định, đây là tài liệu mật của chúng tôi".
Ủy ban Nhà nước về tình trạng khẩn cấp (GKCHP)
Vào ngày 27/11/1990, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Liên Xô Yazov đã phát biểu trên Truyền hình Trung ương về mối đe dọa làm suy yếu khả năng quốc phòng của đất nước. Tất nhiên, bài phát biểu đã được sự đồng ý của Tổng thống Liên Xô. Việc sử dụng động thái như vậy để khẳng định rằng, lãnh đạo cấp cao nhất đang kiểm soát được tình hình đất nước. Trong những năm 1990 - 1991, những phát biểu của Chủ tịch KGB có sự tham dự của Tổng bí thư đã trấn an được mọi người.
Dường như, tất cả mọi người đều tin rằng KGB "luôn cảnh giác" và các biện pháp đối phó sẽ được thực hiện một cách kịp thời. Tuy Kryuchkov công khai nói về "các âm mưu của kẻ thù", nhưng mọi người không cảm thấy một chút lo lắng… Đây là những hiện tượng rất không bình thường và khó hiểu, đặc biệt là đối với Chủ tịch KGB.
Tháng 7/1991, Liên Xô đã bắt đầu rệu rã, mặc dù phần lớn người dân vào tháng 3 năm đó vẫn ủng hộ Liên bang. Trả lời phỏng vấn báo Komsomolskaya Pravda ngày 18/8/2011, cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin Báo chí Nga Mikhail Poltoranin cho rằng, vào thời kỳ này "người dân không có gì để ăn, mặc, giày để đi. Không có xà phòng, khăn tắm, khăn trải giường, tất chân. Trong kho có tất cả, nhưng không hiểu vì sao ở cửa hàng thì không có để bán".
M. Poltoranin khẳng định rằng: Ủy ban giải mật các tài liệu của Đảng Cộng sản Liên Xô do ông đứng đầu đã phát hiện trong các cơ sở lưu trữ hơn chục nghìn bức điện đầy phẫn nộ khi bày tỏ sự không tin tưởng vào Bộ Chính trị và cá nhân Tổng bí thư Gorbachev và yêu cầu tiến hành Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô bất thường…
Sáng kiến thành lập Ủy ban Nhà nước về tình trạng khẩn cấp (GKCHP) của Kryuchkov vào ngày 19/8/1991 xem ra có vẻ lạ lùng hơn. GKCHP xuất hiện trên vũ đài chính trị lúc đó được xem như là cố gắng để cứu đất nước không bị sụp đổ, nhưng sự thất bại hoàn toàn của nó trong việc thanh toán các đối thủ của Gorbachev đã đặt dấu chấm hết cho số phận của Liên Xô. Là người tổ chức, động lực chủ yếu, nhưng những hành vi của người đứng đầu KGB trong những ngày hoạt động của GKCHP không thể nói khác được, đó gần như là phản bội.
Vào năm 1995, tướng A. Lebed đã viết: "Một cuộc đảo chính không như vậy. Đây là sự khiêu khích chưa từng có được lên kế hoạch và thực hiện xuất sắc, ở đây có sự phân vai cho người thông minh và kẻ ngu ngốc. Và tất cả họ, thông minh và ngu ngốc, đã hoàn thành vai của mình có ý thức và vô thức".
Cựu Thủ tướng Liên Xô Valentin Pavlov đã đưa ra một loạt những sự kiện chứng minh sự tham gia trực tiếp của Gorbachev vào các sự kiện tháng 8/1991. Vào ngày 12/4/1996, khi trả lời phỏng vấn Báo Pravda của Nga, V. Pavlov đã nói rằng, chính tên gọi của GKCHP là do Gorbachev yêu cầu và "những người cá biệt trong thành phần của Ủy ban do chính tay Gorbachev viết. Kiểu như đã dự định ai có thể tham gia vào đó...".
Pavlov khẳng định rằng: Gorbachev đã thường xuyên nắm tình hình việc chuẩn bị cho GKCHP, ông ta biết các thành viên tương lai của Ủy ban gặp nhau vào ngày 17/8/1991 tại "Mục tiêu bí mật" (Biệt thự công vụ của KGB) và đã gọi điện đến đó cho Kryuchkov để dặn dò.
Pavlov đã viết: "Chúng tôi đã gặp nhau một cách tự nhiên, có thể nói là không có sự chuẩn bị trước. Mười lăm phút sau khi tôi đến, Kryuchkov được mời đi nghe điện thoại. Khi trở lại, ông ấy đã buông ra một câu rất lạ: "Đó là cuộc gọi của Gorbachev. Ông ấy biết chúng ta đã gặp nhau…".
Rõ ràng, những chỉ đạo của Gorbachev đã giải thích cho hành vi lạ lùng của Kryuchkov trong những ngày hoạt động của GKCHP. Kryuchkov biết rất rõ mối đe dọa chính đối với GKCHP xuất phát từ Tổng thống Nga và nhóm của ông ta. Tuy nhiên, Kryuchkov đã tạo cho B. Yelsin cơ hội tiến thẳng tới Nhà Trắng ở Moskva.