Hội nghị Minsk giữa các nhà lãnh đạo hàng đầu Châu Âu bàn về giải pháp tháo gỡ cuộc xung đột ở Ukraine đã kết thúc với kết quả phù hợp với nguyện vọng của đông đảo thế giới, khi cuộc xung đột sẽ tạm chấm dứt và các hoạt động ổn định và hồi phục cuộc sống vùng chiến sự sẽ được nối lại.
Trước khi hội nghị Minsk bàn về cách giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine diễn ra, không có quá nhiều người kỳ vọng về một phép màu dành cho Liên minh Châu Âu và Kiev trong cuộc đàm phán căng thẳng với Nga.
Những đại diện của EU – thủ tướng Đức Angela Merkel và tổng thống Pháp Francois Hollande – có quá ít những lá bài đủ mạnh trong tay, trong khi đối thủ của họ - tổng thống Nga Vladimir Putin – lại đang có thừa những lá bài chủ chốt.
EU không thể giành chiến thắng nếu như không có chủ bài trong tay, không phải vì họ không có, mà chủ bài của EU trong cuộc đối đầu với Nga đã bị vô hiệu hóa trước khi ván bài ở Minsk diễn ra.
Cựu tổng thống Gruzia Mikheil Saakashvili, người đã tuyên bố chiến tranh với Nga khi đang nắm quyền và thất bại thảm hại chỉ trong vòng 5 ngày hồi năm 2008, đã tiết lộ với thế giới về những cuộc gặp tay đôi của ông với Putin.
Theo đó, “tôi đã có tới 36 cuộc gặp với Putin, và trong mỗi cuộc gặp Putin đều lặp đi lặp lại rằng Crimea không phải là lãnh thổ của Ukraine, mà là lãnh thổ Nga”.
Sự tiết lộ của Saakashvili chỉ làm chắc chắn thêm một điều đã được phương Tây nhận ra từ lâu, là sự cứng rắn đến kiên quyết của Putin trong ván bài căng thẳng này, có nền tảng dựa trên niềm tin sắt đá rằng: Crimea là của nước Nga.
Không phải EU không có chủ bài, thậm chí lá chủ bài của EU đã khiến Nga điêu đứng và suýt chút nữa đã trượt chân khỏi miệng vực thẳm mà Nga lâm vào.
Đó là cuộc trừng phạt kinh tế quy mô chưa từng thấy được Liên minh Châu Âu phát động nhằm vào Nga.
Chỉ trong vòng chưa đầy hai tháng, hàng trăm tỷ USD đầu tư nước ngoài được rút khỏi Nga, hàng hóa xuất khẩu của Nga vào EU bị ngăn cấm tuyệt đối, các doanh nghiệp Nga lâm vào suy thoái và vỡ nợ, đồng Rup thì trượt giá với tốc độ nhanh nhất thế giới vào thời điểm ba tháng cuối cùng của năm 2014, còn quỹ dự trữ ngoại hối của Nga thì giảm mất gần ¼ chỉ vì phải bơm tiền ra cứu đồng Rup.
Hàng xuất khẩu của Châu Âu bị cấm vào Nga, cùng với việc lạm phát chóng mặt, người dân Nga oằn mình ra vì cuộc sống trở nên khó khăn hơn do đồng nội tệ mất giá và thiếu hàng hóa thuốc men nhập khẩu.
Thậm chí đã có lúc thế giới đã đưa ra dự đoán khi nào thì Nga sẽ sụp đổ.
Nhưng Nga đã không sụp đổ. Để cứu nước Nga, Kremlin đã làm một việc mà không ai nghĩ đến, là thắt chặt tiền tệ đến một mức cao khủng khiếp có thể đe dọa khiến kinh tế Nga suy yếu trong nhiều năm để ngăn chặn kinh tế Nga khỏi nguy cơ sụp đổ.
Lãi suất ở Nga lên đến 17% và các doanh nghiệp hầu như không thể vay mượn tiền.
Nhưng lạm phát đã được kiềm chế và nước Nga thoát khỏi nguy cơ sụp đổ. Lá bài mạnh nhất của EU đã gây ra những hậu quả trầm trọng cho nước Nga, nhưng chưa đủ mạnh để khiến Nga gục ngã.
Liên minh Châu Âu đã đưa ra con chủ bài của mình, nó đã không thành công, và đến lượt Nga phản kích.
Người ta không thể thắng một cuộc chiến, khi nội bộ không thể thống nhất. Nguyên lý này rất phù hợp với EU trong ván bài với Nga.
Bản thân trong nội bộ EU cũng không có được sự nhất trí hoàn toàn trong việc đưa ra các lệnh trừng phạt kinh tế Nga.
Paul Ivan, một nhà cựu ngoại giao Rumani và hiện nay thuộc Trung tâm chính sách Châu Âu ở Brussels tiết lộ “Một số nước thành viên EU không quan tâm nhiều đến Ukraine, họ là những nước có lịch sử quan hệ tốt với Nga trong khi mối quan hệ của họ với Ukraine không có gì nổi bật.
Những nước này sẽ sẵn sàng thỏa hiệp với Nga về lợi ích kinh tế của họ, bất kể việc Ukraine có được toàn vẹn lãnh thổ hay không”.
Tấn công nhiều mà không ghi được bàn thắng thì sẽ phải trả giá.
Nguyên lý cơ bản trong bóng đá này đã cho thấy nó cũng đúng trong cả lĩnh vực chính trị. Phần lớn thời gian diễn ra sự căng thẳng giữa EU và Nga, phần lớn thời gian EU nắm thế chủ động, họ chủ động trừng phạt kinh tế Nga, còn Nga chỉ chuyên tâm vào việc chống đỡ.
Nhưng khi Nga đã đứng vững, thì mặt trái của lệnh trừng phạt kinh tế lại đang quay ngược lại gây rắc rối cho EU.
Rất nhiều nước Châu Âu bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì các lệnh trừng phạt kinh tế Nga khi hàng hóa xuất khẩu của các nước này sang Nga đang bị đổ đống, người dân thì biểu tình phản đối còn các nhà chính trị thì đang cần lá phiếu của các cử tri, khả năng nhượng bộ và thỏa hiệp của họ để nối lại quan hệ kinh tế với Nga là điều gần như sẽ xảy ra.
Hội nghị Minsk kết thúc, ván bài căng thẳng kéo dài mấy tháng qua đã kết thúc và kết quả đang cho thấy nước Nga hoàn toàn chiếm thế thượng phong.
Nga vẫn giữ Crimea, các lực lượng ly khai miền Đông Ukraine thân Nga được phép giữ nguyên vẹn các vùng đất của mình.
Điều đó đồng nghĩa với việc toàn bộ mục tiêu chiến lược đặt ra của Vladimir Putin đã hoàn tất, trong khi mục tiêu của Kiev và Liên minh Châu Âu là thu hồi Crimea và các tỉnh phía Đông đã hoàn toàn thất bại.
Một lệnh ngừng bắn ở thời điểm hiện tại cũng không đủ để khỏa lấp một thực tế rằng, nước Nga đã giành chiến thắng trong ván bài này.