Những "quý nhân" đằng sau "quyền lực số 2" Trung Quốc là ai?

Hải Võ |

Đằng sau chiến dịch chống tham nhũng của "trùm an ninh" Trung Quốc Vương Kỳ Sơn được cho là có bóng dáng của 3 "quý nhân", trong đó có chủ tịch Tập Cận Bình - theo Tân Đường Nhân.

Bước sang năm 2015, ông Vương Kỳ Sơn - Bí thư Ủy ban kiểm tra kỷ luật Trung ương Trung Quốc (CCDI) - vẫn là tâm điểm của truyền thông, khi cơn bão chống tham nhũng của chính quyền Bắc Kinh không hề giảm về mức độ mà có chiều hướng quyết liệt hơn.

Hãng thông tấn Tân Đường Nhân nhận xét, ông Vương có thể bước tới vị thế "trùm an ninh" Trung Quốc như hôm nay, bên cạnh năng lực không cần bàn cãi, ông còn được 3 "quý nhân" ủng hộ hết mực.

Tân Đường Nhân tiết lộ, 3 nhân vật lớn sát cánh cùng Bí thư CCDI là cựu Phó thủ tướng Trung Quốc Diêu Y Lâm, cựu Thủ tướng Chu Dung Cơ và chính chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Theo đó, dù ông Vương không phải một thành viên chính thức của "thái tử đảng" - gồm con cháu các lãnh đạo Trung Quốc, song việc kết hôn với bà Diêu Minh San - con gái cựu phó Thủ tướng Diêu Y Lâm cũng tạo cho Vương Kỳ Sơn một lợi thế nhất định trong sự nghiệp.

Hồi thập niên 1990, khi công tác trong hệ thống tài chính trung ương, nhờ thành tích nổi bật, ông Vương có được sự đề bạt của Thủ tướng Chu Dung Cơ và bước vào giới lãnh đạo cấp cao ngành tài chính.

Sau đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XVIII năm 2012, Vương Kỳ Sơn tiếp tục được ông Tập Cận Bình tin cậy và bổ nhiệm làm Bí thư CCDI, trở thành "tiên phong" trong chiến dịch "đả hổ đập ruồi" của Trung Quốc.

Cựu phó Thủ tướng Trung Quốc Diêu Y Lâm - cha vợ ông Vương. Ông Diêu mất năm 1994.

Thành tích nổi bật

Tân Đường Nhân chỉ ra, trên thực tế, ông Vương Kỳ Sơn đã có những hành động rất thiết thực trong công tác, từ đó giành được sự tín nhiệm của các "quý nhân".

Cuối năm 1997, ông Vương là phó Chủ tịch tỉnh Quảng Đông, khi đó ông đã hỗ trợ Bí thư tỉnh này là ông Lý Trường Xuân đối phó với cơn khủng hoảng tài chính châu Á.

Năm 2002, Vương Kỳ Sơn làm Bí thư tỉnh ủy Hải Nam, đã xử lý hiệu quả những "vấn đề tàn dư" sau vụ "vỡ" bong bóng bất động sản ở tỉnh này.

Năm 2003, ông Vương là phó Bí thư thành ủy Bắc Kinh đã xử lý cựu Thị trưởng Bắc Kinh Mạnh Học Nông và cựu Bộ trưởng Y tế Trương Văn Khang vì sự yếu kém trong việc đối phó dịch SARS lây lan ở thủ đô Trung Quốc.

Tháng 10/2007, Vương Kỳ Sơn trúng cử Ủy viên Bộ chính trị khóa XVII, chính thức bước vào giới lãnh đạo "cốt lõi" của Trung Quốc.

Đến năm 2009, ông được bầu làm Phó thủ tướng phụ trách tài chính và thương mại. Lên chức chưa đầy 1 năm, ông phải đối đầu với ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tín dụng bất động sản ở Mỹ.

Cựu Thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ từng chống tham nhũng rất mạnh mẽ

"Cao đồ" của ông Chu Dung Cơ

Tân Đường Nhân bình luận, Bí thư CCDI hấp thụ những triết lý chống tham nhũng mạnh mẽ từ cựu Thủ tướng Chu và đã có những hành động quyết liệt thể hiện điều đó.

Ngày 30/10/2011, trường Đại học Thanh Hoa nổi tiếng Trung Quốc đăng thông cáo nói rằng, ông Vương Kỳ Sơn cùng ông Chu Dung Cơ đã trở thành Ủy viên danh dự của Ủy ban cố vấn Học viện quản lý kinh tế của trường này.

Giai đoạn này, rất nhiều quan chức cao cấp của Bắc Kinh đã cho rằng đây là "sự ủng hộ ra mặt" của ông Chu đối với ông Vương, và tin rằng Vương Kỳ Sơn là nhân vật lý tưởng để tiếp quản sự nghiệp cải cách kinh tế của Trung Quốc.

Tuy nhiên, đến tháng 11/2012, ông Vương bất ngờ "chuyển ngành" sang công tác phòng chống tham nhũng và là người đứng thứ 6 trong 7 Ủy viên thường vụ Bộ chính trị.

Mặc dù không không có vị trí cao trong Thường vụ, nhưng sự quyết liệt trong việc chống tham nhũng cùng áp lực mà cái tên Vương Kỳ Sơn tạo ra trên quan trường Trung Quốc, khiến tờ Financial Times từng gọi Bí thư CCDI là "nhân vật số 2" sau ông Tập.

Khi ấy, truyền thông quốc tế đã gọi việc Bắc Kinh "bắt" một chuyên gia trong ngành tài chính đi... chống tham nhũng "là một sự phung phí tài năng".

Thế nhưng cho đến nay, Bí thư CCDI Vương Kỳ Sơn đã trở thành tiêu điểm trên hầu hết mọi bản tin chống tham nhũng của Trung Quốc.

Những phát biểu đanh thép của ông như "không còn nhiều thời gian cho cả hổ và ruồi", "cấm quan chức tụ tập họp lớp", "quan chức năng lực kém phải bị xử lý"... đã trở nên nổi tiếng.

Tân Đường Nhân còn đánh giá, Bí thư Vương là "đại diện cho ý chí của ông Tập Cận Bình".

Cuộc chiến "đả hổ đập ruồi" do 2 ông Tập - Vương lãnh đạo không chỉ đưa uy tín và quyền lực của ông Tập Cận Bình lên cao, mà bản thân ông Vương cũng được nhận xét là "sự nghiệp bước lên một tầm cao mới".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại