Obama "đặt cược" ghế tổng thống vì Iran?

Mỹ và Iran đã bí mật tổ chức hàng loạt cuộc đàm phán “mặt đối mặt” cấp cao trong năm qua trong một canh bạc ngoại giao của chính quyền Obama.

Đây cũng là một trong những yếu tố dọn đường cho một thỏa thuận lịch sử mà Iran và P5+1 đã đạt được ở vòng đàm phán hôm qua (24/11) tại Geneva trong việc làm chậm lại tiến trình hạt nhân của Iran.

Các cuộc đàm phán đã được giữ bí mật hoàn toàn ngay cả với các đồng minh thân cận của Mỹ, trong đó có các quốc gia tham gia đàm phán sáu bên và cả Israel cho tới cách đây hai tháng. Điều đó lý giải tại sao thỏa thuận hạt nhân trên đã được thống nhất nhanh đến vậy sau nhiều năm bị “mắc kẹt”.

Tuy nhiên, sự bí mật của các vòng đàm phán đó cũng có thể là nguyên do gây căng thẳng giữa Mỹ và Pháp, cũng như giữa Mỹ và đồng minh thân cận Israel - quốc gia Do Thái đang “sục sôi” vì thỏa thuận mới đạt được.

Về cá nhân mình, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng khẳng định các cuộc đối thoại bí mật trên là một phần trong nỗ lực muốn hiện thực hóa cam kết mà ông đã từng tuyên bố trong lễ nhậm chức của mình - đó là “chìa tay” với một quốc gia mà Bộ Ngoại giao Mỹ liệt vào danh sách tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố.

Các cuộc đối thoại được tổ chức ở quốc gia Trung Đông Oman và một số nơi khác với số người biết vô cùng hạn hẹp, hãng tin AP cho biết.

Ảnh minh họa
Tổng thống Mỹ Barack Obama

Kể từ tháng 3 vừa qua, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ William Burns và cố vấn chính sách đối ngoại cấp cao của Phó Tổng thống Joe Biden – Jake Sullivan đã gặp các quan chức Iran ít nhất 5 lần.

Theo thông tin từ ba quan chức giấu tên trong chính quyền Obama, bốn cuộc gặp cuối cùng được tổ chức từ khi Tổng thống có tư tưởng cải cách Hassan Rouhani của Iran nhậm chức hồi tháng 8 đã góp phần đáng kể vào việc đi đến thỏa thuận mang tính đột phá giữa các bên tại Geneva.

Thỏa thuận lịch sử trên đã được ký kết trong các cuộc đàm phán kéo dài dai dẳng và căng thẳng ở Geneva hồi tuần trước giữa Iran và 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc) cùng với Đức.

Trong thỏa thuận này, Iran đã chấp nhận hạn chế chương trình hạt nhân gây tranh cãi của mình trong 6 tháng tới để đổi lấy việc được nới lỏng một cách hạn chế các biện pháp trừng phạt. Đây được xem là một thỏa thuận tạm thời, sơ bộ ban đầu nhằm đặt nền móng cho một thỏa thuận toàn diện vào cuối năm nay.

Theo đó, Tehran sẽ giới hạn các hoạt động làm giàu uranium. Trong vòng 6 tháng tới, Tehran đã đồng ý sẽ hủy bỏ số uranium được làm giàu ở mức độ tinh khiết hơn 20% mà nước này đang dự trữ. Đây chính là vấn đề lo ngại nhất của các cường quốc.. Uranium được làm giàu ở cấp độ thấp chỉ có thể được sử dụng cho các mục đích sản xuất điện năng nhưng nếu loại nhiên liệu này được làm giàu ở cấp độ cao, nó có thể được dùng để chế tạo vũ khí hạt nhân.

Bên cạnh đó, Iran cũng sẽ không tăng thêm số lượng uranium được làm giàu ở cấp độ thấp trong kho dự trữ của nước này cũng như không lắp đặt thêm các máy ly tâm hay cho khởi động lò phản ứng nước nặng Arak - nơi có thể sản xuất plutonium cho bom nguyên tử.

Cũng theo thỏa thuận trên, các thanh sát viên hạt nhân của Liên Hợp Quốc sẽ được phép tiếp cận hơn nữa chương trình hạt nhân của Iran, trong đó có việc được hàng ngày đến giám sát trực tiếp tại hai cơ sở làm giàu uranium Fordo và Natanz.

Đổi lại, nước Cộng hòa Hồi giáo sẽ nhận được sự nới lỏng các biện pháp trừng phạt có trị giá khoảng 7 tỉ USD đồng thời các cường quốc cũng cam kết không áp đặt thêm bất kỳ đòn trừng phạt nào mới trong 6 tháng tới nếu Tehran tuân thủ nghiêm túc thỏa thuận.

Canh bạc ngoại giao của Tổng thống Obama

Nếu thỏa thuận tạm thời này vẫn được duy trì và đi tới một thỏa thuận cuối cùng, ngăn chặn Iran khỏi tham vọng vũ khí hạt nhân thì có thể giúp Iran tránh khỏi mối đe dọa tấn công quân sự từ phía Mỹ và Israel.

Đây cũng là một bước ngoặt mang tính lịch sử trong nhiều thập kỷ thù địch giữa Washintong và Tehran và nó cũng trở thành một thành tựu ngoại giao hoàn thiện của chính quyền Tổng thống Obama.

Tuy nhiên, nếu thỏa thuận này sụp đổ, hoặc là Iran vẫn tiếp tục lén lút phát triển vũ khí hạt nhân thì Tổng thống Obama sẽ phải hứng chịu hậu quả của sự thất bại cả trong nước lẫn trên trường chính trị quốc tế. Đây cũng được xem như một ván "đặt cược" vị trí Tổng thống của Obama.

Canh bạc ngoại giao của Obama đã khiến ông rơi vào vòng xoáy chỉ trích khi làm Israel- đồng minh thân cận bị tổn thương khi không tỏ ra “mềm lòng” với quốc gia có thể đe dọa tới sự tồn vong của Nhà nước Do Thái và rằng ông đã “thỏa hiệp” với một nhà nước tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố.

Quan hệ giữa Israel với đồng minh truyền thống lâu đời Mỹ đã trở nên giá lạnh trong nhiều tháng trở lại đây, vì bất đồng trong cách thức giải quyết vấn đề Iran. Trong khi Mỹ thể hiện thiện chí sẵn sàng chìa tay với Iran thì Israel chỉ muốn đồng minh thân thiết nhất của họ gây áp lực mạnh hơn với nước Cộng hòa Hồi giáo láng giềng bằng các biện pháp trừng phạt thêm nữa.

Sự căng thẳng trên đã leo lên đến đỉnh điểm hồi tuần trước khi Ngoại trưởng Israel Avigdor Lieberman tuyên bố, Nhà nước Do Thái có lẽ nên tìm kiếm một đồng minh mới thay vì Mỹ.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại