Nữ chiến binh từng khiến quân Assad khiếp sợ?

Một người mẹ 7 con từng quyết tâm chiến đấu chống lại Tổng thống Assad đến mức sẵn sàng bỏ chồng để chỉ huy một sư đoàn gồm 40 nữ chiến binh tham gia các trận chiến ác liệt.

Khowleh là tên mà người phụ nữ nói trên dùng khi bắt đầu dấn thân vào cuộc nổi dậy được châm ngòi từ hồi tháng 2 năm 2012. Nữ chiến binh 35 tuổi đã thành lập một sư đoàn mang tên Khowleh bint Al Azwar do chính mình trực tiếp chỉ huy. Cùng với các nữ chiến binh dưới quyền, Khowleh đã “tung hoành” trên nhiều mặt trận ở Syria.

Khi cuộc nội chiến ở Syria bắt đầu bùng lên, Khowleh ban đầu không ủng hộ chiến dịch của lực lượng nổi dậy và bác bỏ những thông tin cho rằng những người biểu tình không có vũ khí đã bị bắn chết trên các đường phố ở Syria, tờ The National đưa tin.

Tuy nhiên, lập trường của người mẹ 7 con đã thay đổi một tháng sau đó khi cô này tham dự một tang lễ dành cho một bác sĩ bị bắn chết khi đang điều trị cho những dân thường bị thương.

“Tôi nhìn thấy thi thể trong một chiếc quan tài và từ giây phút đó, tôi bắt đầu đứng về cuộc cách mạng. Tôi bắt đầu tham gia vào các cuộc biểu tình từ ngày đó”, Khowled nói. Người phụ nữ này được cho là đã tức giận đến mức quyết chí tham gia vào các cuộc biểu tình để ủng hộ cho phe nổi dậy.

Tuy nhiên, quyết định tham gia vào chính trường đẫm máu ở Syria đã khiến chồng cô này không hài lòng. Khowleh đã lấy chồng từ lúc 15 tuổi và sống ở Hirak.

Khi người chồng yêu cầu Khnoleh phải lựa chọn giữa anh ta hay cuộc chiến chống chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad, Khowleh đã lựa chọn sư đoàn chiến binh của mình và kết quả là cặp đôi này đã ly dị.

Khowleh đã tận dụng lợi thế là phái nữ để giúp giải phóng những người đàn ông địa phương bởi phụ nữ ít bị nghi ngờ hơn khi đến thăm các căn cứ quân sự và các chốt chặn an ninh. Khowleh được cho là đã từng giải cứu cho 15 người đàn ông.

Mặc dù Khowleh từng bị bắt và bị giam giữ vài ngày nhưng điều đó không ngăn cản quyết tâm chống lại chính quyền Syria của nữ chiến binh này.

Vào đầu năm 2012, Khowleh bắt đầu tuồn vũ khí qua các chốt chặn an ninh để đưa vào cho lực lượng của mình bởi nữ chiến binh không còn tin tưởng vào sức mạnh của các cuộc biểu tình hòa bình khi mà máu mỗi ngày một đổ nhiều hơn trên khắp các đường phố Syria.

Cùng với 40 phụ nữ khác, Khowleh thành lập một sư đoàn mang tên Khowleh bint Al Azwar – tên của một nữ chiến binh Ả-rập từ thế kỷ thứ 7. “Chúng tôi đã được dạy cách sử dụng súng trường trong các buổi huấn luyện chiến binh trẻ. Chúng tôi đã biết cách bắn súng trường Kalashnikov và đã được hướng dẫn ném lựu đạn cầm tay đúng cách. Vì thế, mọi việc không khó khăn gì đối với chúng tôi”, nữ chỉ huy Khowleh cho biết.

Sư đoàn nữ chiến binh của Khowleh đã chiến đấu sát cánh bên các sư đoàn nam khác nhưng rồi dần dần sư đoàn của Khowleh cũng tan vỡ sau khi hàng ngàn người chạy trốn khỏi đất nước và số lượng thành viên trong sự đoàn ngày một thưa thớt.

Khowleh rời đất nước hồi cuối năm ngoái bởi nữ chiến binh này chẳng tìm được ai chăm sóc cho các con của mình. Hiện tại, họ đang sống trong một trại tị nạn mặc dù Khowleh khao khát muốn trở về sư đoàn của cô.

Khowleh tâm sự, cô thấy cuộc sống ở trại tị nạn khó khăn hơn rất nhiều so với việc chiến đấu tung hoành trên các chiến trường ở Syria.

Khowleh cũng rất muốn trở về quê hương khi cuộc nội chiến ở Syria chấm dứt nhưng cô cũng lo ngại không biết liệu một đất nước Syria mới sẽ có diện mạo như thế nào.

Tuy nhiên, Khowleh có lẽ sẽ phải chờ đợi lâu lâu hơn rất nhiều nếu muốn trở về Syria sống một cuộc sống yên bình như trước đây. Cuộc nội chiến ở đất nước Trung Đông đã bước sang năm thứ ba mà chưa có bất kỳ “ánh sáng nào lóe lên từ cuối đường hầm”.

Phe nổi dậy tuyên bố đã sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán ở hội nghị Geneva II sắp tới. Thông tin nghe tưởng chừng rất lạc quan và mang đến hy vọng. Tuy nhiên, trên thực tế, người ta chẳng dám hy vọng gì vào hội nghị hòa bình mà cộng đồng quốc tế đang nỗ lực tổ chức bởi phe nổi dậy Syria vẫn khăng khăng đòi ông Assad từ chức trong khi chính quyền Assad kiên quyết bác bỏ điều này.

Tổng thống Assad bị cộng đồng quốc tế và cả đồng minh thân thiết nhất là Nga chỉ trích vì đã xử lý sai ngay từ đầu khi các cuộc biểu tình phản đối chính quyền bắt đầu bùng lên cách đây hơn 2 năm. Hành động đàn áp thẳng tay các cuộc biểu tình hòa bình của ông Assad đã châm ngòi cho một cuộc nội chiến đẫm máu kéo dài dai dẳng suốt thời gian qua. Phe nổi dậy góp phần khiến tình hình thêm bất ổn và bạo loạn bằng việc lôi kéo các lực lượng chiến binh từ khắp nơi trên thế giới vào chiến trường Syria.

Lực lượng nổi dậy đã làm phức tạp thêm hình cuộc chiến ở Syria bởi những cuộc đấu đá, tranh giành nội bộ vì những mục đích và quyền lợi riêng. Mục tiêu của cuộc cách mạng ở Syria giờ đây đã không còn trở thành kim chỉ nam hành động của nhiều thành phần nổi dậy. Thay vào đó, họ lao vào xâu xé nhau để tranh giành ảnh hưởng và lập lãnh địa, cát cứ riêng từng vùng. Phe nổi dậy đang khiến phương Tây hoang mang, thất vọng vì để lợi ích riêng lấn át lợi ích chung.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại