Chuyện những người lượm xác ở 'vùng đất chết' Tacloban

Họ làm công việc mà không ai muốn làm ở một nơi mà ít người muốn ở nhất hiện nay - nơi bị siêu bão Haiyan tàn phá nặng nề nhất - đó chính là những người thu gom tử thi ở Tacloban.

Nhưng công việc của họ là một phần quan trọng trong nỗ lực khôi phục sau thảm họa ở thành phố biển này.

Những tử thi nằm la liệt trên đường phố Tacloban đã trở thành một biểu tượng hủy diệt hãi hùng của siêu bão Haiyan cũng như là biểu tượng thất bại của chính quyền nước sở tại trong nỗ lực cứu nạn và tái thiết thành phố.

Mùi tử khí khiến nhiều người phải bịt mũi che miệng cũng như lo ngại về sức khỏe. Tử thi được đặt trong bao và đặt thành hàng trên đường phố hay được thiêu tập thể trên những dãy nhà đổ nát là minh chứng cho thấy còn rất lâu để Tacloban có thể gượng dậy sau bão.

Số người tử vong vì bão Haiyan ở Philippines chắc chắn sẽ vượt mốc 4.000 người vì còn khoảng 1.598 người đang mất tích. Việc kiếm được thi thể họ chỉ là vấn đề thời gian.

Don Pomposo và đồng nghiệp Vincent Albert Garchitorena là một trong số những người thu gom xác "nghiệp dư" ở Tacloban vì họ chưa bao giờ làm công việc này trước đó. Họ cho biết nhóm của mình gồm 15 thành viên và đã thu gom được 76 tử thi chỉ trong một buổi sáng cuối tuần.

Giữa thời tiết nóng oi ả cũng như mưa thường xuyên, Pomposo và Garchitorena đi lùng sục từ con đường này đến con đường khác giữa đống đổ nát để thu gom tử thi và đưa lên xe tải chở về những nhà xác ngoài trời hay những hố chôn tập thể.

Vượt qua sợ hãi

“Công việc này vô cùng vất vả” - Don Pomposo, vốn là lính cứu hỏa, trải lòng. Pomposo bảo khó khăn lớn nhất là phải làm công việc này liên tục 10 tiếng mỗi ngày. Mặc bộ quần áo đen và mang đôi ủng cao su, hai anh trông có vẻ chịu đựng khi chia sẻ về những khó khăn mà mình phải đối mặt hằng ngày.

Họ cho biết những tử thi thu gom được trong những ngày qua đủ mọi lứa tuổi từ trẻ sơ sinh đến người già. Có những lúc họ đi qua thi thể của những thai phụ. Có những tử thi được tìm thấy đang trong giai đoạn thối rửa vì đã dầm mình trong ánh nắng như thiêu đốt suốt một tuần qua sau siêu bão. Một số tử thi không còn mắt, số khác thì bị dòi bọ bu đầy.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo thu gom tử thi ở “vùng đất chết” như Tacloban có thể khiến những người làm công việc này có nguy cơ bị sang chấn tâm lý, thậm chí là bị bệnh tâm thần. Tuy nhiên Pomposo và Garchitorena xem nhẹ những cảnh báo này.

Hai người đàn ông này lo lắng cho những nạn nhân ở Tacloban nhiều hơn quan tâm đến bản thân. “Họ sẽ phải bắt đầu từ con số không” - Garchitorena ngậm ngùi nói.

Quần áo của Pomposo và Garchitorena thấm mùi hôi thối của tử thi từ ngày này sang ngày khác và họ phải tắm hơn hai lần để tẩy rửa những mùi hôi này khỏi cơ thể.

Dù vậy, hai anh cho biết mình không mơ thấy ác mộng và chỉ muốn hoàn thành công việc và trở về nhà ở Bicol cách Tacloban vài trăm cây số.

Pomposo và Garchitorena sẽ tiếp tục những ngày làm việc vô cùng vất vả phía trước để thu gom những tử thi vẫn còn nằm đâu đó trong những khu vực đổ nát tại thành phố Tacloban. Họ nói không biết sẽ ở lại đây bao lâu nhưng đã định sẵn kế hoạch trong đầu sẽ làm gì khi trở về quê nhà Bicol.

“Thư giãn, ngủ và uống một cốc nước lạnh” - Garchitorena nói. Pomposo đứng cạnh bên tiếp lời: “Đi nghỉ mát!”.

Tacloban đang dịch chuyển

Hai lính cứu hỏa Pomposo và Garchitorena cho biết Tacloban đang trong thời kỳ dịch chuyển khi nhiều cư dân sống sót, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ, đã rời bỏ thành phố để đến ở cùng người thân ở những nơi khác trong khi ngày càng nhiều nhà báo và nhân viên cứu trợ quốc tế đổ xô đến đây.

Những con đường có vẻ như bận rộn hơn trong ngày cuối tuần khi những đống đổ nát được dọn dẹp từ từ. Người dân bây giờ cũng có thể dùng xe tay ga, xe ba gác máy và các loại xe cộ khác để di chuyển trong thành phố và đến những nơi phân phát hàng cứu trợ sau khi chính quyền tăng thêm nguồn xăng dầu.

Edwin Manaus đứng bên ngoài nhà hàng Stephanie Smoke Haus của mình ở khu trung tâm thành phố - nơi người dân thường hay dùng buffet. Anh đang cố gắng cảm nhận sự thay đổi của thành phố. Tuy vậy, Manaus bảo mình cảm thấy vô cùng trống vắng vì nhiều cư dân Tacloban đã bỏ đi nơi khác, trong đó có nhiều người thân của anh. “Tôi cần mọi người để kinh doanh” - anh nói và chỉ về khoảng không gian tối bên trong nhà hàng.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại