Bài phát biểu chấn động và chiến dịch tuyệt thực của ông Yeb Sano, Trưởng đoàn Philippines cũng như nhiều thành viên các tổ chức Xã hội dân sự (XHDS) tại sân vận động Warsaw, Ba Lan, nơi diễn ra hội nghị lần thứ 19 các bên tham gia Công ước Khung của LHQ về Biến đổi Khí hậu (COP19), dường như vẫn chưa đem lại kết quả nào.
Theo chị Hà Quỳnh Nga, đại diện CARE Việt Nam vừa trở về từ COP19 tại Warsaw, hôm 16/11, Nhật Bản, nước từng được kỳ vọng sẽ đi đầu trong việc cắt giảm khí thải theo Nghị định thư mang tên một thành phố của mình - Nghị định thư Kyoto, đã “gây sốc cho toàn thể hội nghị” khi công bố tăng thêm 3,1% mức phát thải của mình so với năm 1990, đi ngược lại cam kết trước đó là giảm 25% khí thải vào năm 2020 (cũng so với năm 1990).
Phía XHDS coi đây như “một cái tát” vào những người đang phải gánh chịu các thảm họa gây ra do biến đổi khí hậu như ở Philippines.
Bên cạnh Nhật, Úc cũng là một nỗi thất vọng lớn tại COP19 khi Thủ tướng nước này vừa bãi bỏ luật đánh thuế carbon, giải tán cơ quan mưu về cắt giảm phát thải, giảm hỗ trợ cho các dự án năng lượng tái tạo, mở đường cho các dự án khai thác than khổng lồ. Chị Hà Quỳnh Nga cho biết, trong bài phát biểu tại COP19, đại diện Úc liên tục sử dụng các cụm từ “không đồng ý”, “không ủng hộ” và cố gắng trì hoãn các cam kết trong việc xây dựng cơ chế hỗ trợ tổn thất và mất mát do biến đổi khí hậu gây ra.
Tức giận trước thái độ của các nước lớn, tổ chức Mạng lưới hành động vì khí hậu (CAN) đã họp báo để thể hiện sự phản đối. Ngoài ra, chị Nga cho biết, một giải thưởng có tên “Fossil of the Day” với biểu tượng là một con khủng long khạc ra lửa nhắc nhở đến việc sử dụng năng lượng hóa thạch vô tội vạ cũng được CAN lập ra dành cho các nước có màn trình diễn “tồi tệ” nhất trên bàn đàm phán. Và dĩ nhiên, Úc và Nhật là 2 đại biểu hàng đầu cho giải thưởng “danh giá” đó.
Cùng với CAN, rất nhiều nỗ lực khác đang được thực hiện từ phía XHDS. Số lượng người tuyệt thực tiếp tục tăng lên. “Nhiều đại biểu từ các quốc gia khác nhau cũng tuyên bố tuyệt thực để ủng hộ đoàn Philippines…” - chị Nga viết.
Thêm vào đó, ngày 16/11, theo thống kê của cảnh sát Ba Lan, có khoảng 3.000 người đã tham gia biểu tình hòa bình để thể hiện ủng hộ cho Công lý Khí hậu (Climate Justice) trên các đường phố tại Warsaw.
Vào hôm qua, ngày 18/11, một nhóm có tên gọi Cough4Coal đã biểu tình trước Bộ Kinh tế ở Warsaw, nơi “Diễn đàn quốc tế về than đá và tình trạng khí hậu” sẽ diễn ra. Những người tổ chức đã dựng lên một bong bóng dài 7m hình lá phổi để cảnh báo về những tác hại mà than đá đang gây ra cho con người.
Cuộc chiến gây sức ép từ phía cộng đồng đang dâng cao hơn bao giờ hết và hội nghị COP19 chỉ còn chưa đầy 1 tuần nữa sẽ kết thúc. Những người biểu tình đang giơ cao khẩu hiệu “Chúng ta chưa chắc có thể chiến thắng bằng cách biểu tình, nhưng nếu không biểu tình, chúng ta sẽ thua”, câu nói của Hetty Bower, một nhà đấu tranh nổi tiếng trong các hoạt động chống chiến tranh trong thế kỷ 20.
Một số hình ảnh từ các cuộc biểu tình ở Warsaw.
Biểu tình của tổ chức Hòa bình Xanh
Khoảng 3.000 người đã biểu tình hòa bình vì Công lý Khí hậu
Biểu tình của tổ chức Cough4Coal
Bong bóng hình lá phổi khổng lồ để cảnh báo về những tác hại mà than đá đang gây ra cho con người