Nội bộ lục đục, Đông Âu cáo buộc Tây Âu “đánh quả lẻ” với Nga

Đào Cảnh |

Sự chia rẽ trong nội bộ Liên minh châu Âu xung quanh vấn đề cấm vận chống Nga ngày càng gia tăng khi lãnh đạo một số quốc gia Đông Âu đã lên tiếng cáo buộc các nước Tây Âu “đánh quả lẻ” với Nga.

Hãng tin Bloomberg ngày 13/9 đưa tin về việc Thủ tướng Ukraine, Thủ tướng Slovakia và Tổng thống Ba Lan đã kịch liệt chỉ trích các nước Tây Âu sau khi các nước này ký kết hợp đồng kinh tế xây dựng đường ống “Dòng chảy phương Bắc 2” có trị giá lên đến 10 tỷ Euro với Nga vào ngày 4/9, bất chấp việc lệnh cấm vận chống Nga của EU vẫn đang có hiệu lực.

Theo Bloomberg, Thủ tướng Slovakia Robert Fico, sau cuộc gặp với người đồng cấp Ukraine Yatsenuk tại Bratislava, đã thẳng thắn tuyên bố rằng lãnh đạo và các công ty Tây Âu đang “phản bội” trắng trợn các đồng minh Đông Âu của mình.

“Tây Âu coi chúng ta là những kẻ ngu ngốc. Không thể cứ nói mãi về việc cần ổn định tình hình, nhưng sau đó lại thông qua một quyết định khiến Ukraine và Slovakia rơi vào tình cảnh khó khăn” - Robert Fico nhấn mạnh.

Về phần mình, Thủ tướng Ukraine Yatsenuk cáo buộc các nước Tây Âu đã làm Ukraine mất đi 2 tỷ USD từ việc vận chuyển khí đốt của Nga sang châu Âu.

Yatsneuk gọi hợp đồng này là hợp đồng “chống lại Ukraine”, “chống lại chính châu Âu”.

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda khẳng định việc các công ty Tây Âu ký hợp đồng thực hiện dự án xây dựng “Dòng chảy phương Bắc 2” là động thái “hoàn toàn coi thường” các lợi ích của Ba Lan và trực tiếp đe dọa sự thống nhất của EU đối với “kẻ xâm lược” Nga.

Theo các chuyên gia phân tích, việc các nước Đông Âu cáo buộc các nước Tây Âu “phản bội” là minh chứng cho thấy bất đồng trong nội bộ EU về cấm vận Nga ngày càng rõ nét.

Sự bất đồng này sẽ khiến các lệnh cấm vận chống Nga khó có thể được các thành viên tuân thủ nghiêm túc.

Được biết, ngày 4/9 vừa qua, một loạt các công ty Tây Âu đã ký kết với Tập đoàn “Gazprom” của Nga hợp đồng xây dựng tuyến đường ống “Dòng chảy phương Bắc 2” có trị giá khoảng 10 tỷ Euro.

Các đối tác ký kết hợp đồng này với Nga là một loạt các tập đoàn năng lượng của Tây Âu như Công ty liên doanh New European Pipeline AG, trong đó “Gazprom” nắm 51% cổ phần, các tập đoàn E.ON, Shell, OMV và BASF/Wintershall, mỗi tập đoàn có 10% và hãng Pháp ENGIE là 9%.

Theo thiết kế, “Dòng chảy phương Bắc 2” gồm có 2 nhánh với tổng công suất 55 tỷ m3/năm, chạy từ Nga sang Đức và các đường ống chạy ngầm dưới đáy biển Baltich.

Công trình này bắt đầu cung cấp khí đốt cho châu Âu vào năm 2019- thời điểm hợp đồng vận chuyển khí đốt giữa Nga và Ukraine hết hiệu lực.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại